Multimedia Đọc Báo in

"Ngọn dư ba" làm xao động "mặt hồ" văn xuôi Đắk Lắk

14:42, 28/04/2021

Sau tập truyện “Nắng trước cửa thiên đường” (NXB Hội Nhà văn - 2012) giành được nhiều cảm tình của bạn đọc, năm 2015 Nguyễn Văn Thiện tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết “Nước mắt màu xanh thẫm” (NXB Hội Nhà văn - 2015).

Có thể nói: Đây là một trong vài cuốn sách đáng đọc nhất của văn xuôi Tây Nguyên trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài đã nói một cách hình ảnh rằng: Nếu ví văn xuôi Đắk Lắk 10 năm qua như mặt hồ thu, dịu dàng nhưng khá buồn tẻ, thì “Nước mắt màu xanh thẫm” là “ngọn dư ba” làm xao động cả mặt hồ.

Cái dư ba ở đây chính là nội dung vấn đề được phản ánh, bút pháp mới mẻ,  bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên, ngôn ngữ, hình ảnh mang hồn vía bản địa, ôm chứa nhiều cảm xúc. Tất cả những “dư ba” đó được “tắm gội” thấm đẫm từ gan ruột đến da thịt của từng nhân vật, tạo nên số phận của nhân vật, số phận của cộng đồng. Vì vậy, tiểu thuyết có sức cuốn hút, người đọc không muốn buông sách khi chưa đọc đến trang cuối cùng. Điều khiến chúng ta đau đáu và lo lắng cho Tây Nguyên từ nhiều năm nay là tình trạng mất rừng, tình trạng di dân để xây dựng nông – lâm trường, xây dựng các công trình thủy điện…

Bên cạnh những nơi đã làm tốt việc tái định cư, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về hạ tầng kinh tế, văn hóa trước khi đưa dân đến thì vẫn còn nhiều nơi chưa làm tốt, tắc trách với số phận của người dân, khiến đời sống của họ bị đảo lộn, văn hóa bản địa đặc sắc bị mai một, rừng bị tàn phá nặng nề.

Đây là sự thật đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay, khiến ai tâm huyết với Tây Nguyên đều không thể không xót xa. Nhưng sự thật đó được phản ánh rất nhạt nhòa trong văn học viết về vùng đất Tây Nguyên mấy chục năm qua. “Nước mắt màu xanh thẫm” đã lấp được chỗ trống đó. Trong cuốn tiểu thuyết này, người đọc sẽ thấy được tâm trạng của người dân buôn Kroa khi phải di dời để làm thủy điện, lập nông trường: “Tiếc là tiếc tiếng suối Kroa chảy róc rách đến quen tai như giọng nói của người thân, nhớ là nhớ gốc cây pơ lang cổ thụ nở hoa đỏ rực như ai đốt lửa mỗi mùa lễ hội, thương là thương khoảng rừng hào phóng cho người bao nhiêu là măng là nấm…” (trang 10). Do không tổ chức tốt việc tái định cư cho dân nên dân bị đói, phải ăn cả bắp giống, phải lên huyện, lên tỉnh xin cứu đói. Có cán bộ đổ cho dân biếng làm.

Nhưng người dân thì nghĩ khác: “Buôn Kroa bây giờ ra đói khổ thế này là vì mất bến nước, mất con suối Kroa. Yàng nước bỏ đi, Yàng đất bỏ đi. Yàng rừng cũng đi nốt. Làm sao không nghèo, không đói”. Hẳn đây cũng là lý do để tác giả đặt tên cho tiểu thuyết là “Nước mắt màu xanh thẫm” - một lối nói ẩn dụ về sự mất mát của rừng xanh, của văn hóa bản địa.           

Bằng bút pháp hiện thực huyền ảo, “Nước mắt màu xanh thẫm” vừa cho ta thấy rõ hơn hiện thực ở Tây Nguyên những năm gần đây, vừa dẫn lối cho ta trở về Tây Nguyên xưa với thảo nguyên mênh mông rừng xanh điệp trùng, với những nhóm nhỏ cư dân chỉ có bốn năm nóc nhà quây quần, sống chan hòa với thiên nhiên hoang dã; đồng thời chúng ta cũng thấy được cả một giai đoạn bất khuất đầu thế kỷ 20 của đồng bào Tây Nguyên, họ đã không cam tâm làm nô lệ cho thực dân Pháp, dũng cảm, mưu trí, sát cánh cùng tù trưởng Nơ Trang Gưh để đánh đuổi quân xâm lược.

Yếu tố hư ảo trong “Nước mắt màu xanh thẫm” được tác giả vận dụng sáng tạo từ quan niệm luân hồi của người Êđê: Con người có linh hồn, sau khi chết linh hồn trở thành giọt sương. Từ giọt sương Yàng Aê Diê sẽ cho luân hồi sang kiếp khác. Ai may mắn được nhập hồn vào đứa trẻ sơ sinh trở lại kiếp người ở ngay chính buôn làng mình. Ai xui xẻo phải đi xa chín núi mười sông. Ai bị trừng phạt phải làm cầm thú hoặc những vật vô tri. Trong  tiểu thuyết này, nhân vật Y Liê là người tốt, một thanh niên dũng cảm từng tham gia nghĩa quân Nơ Trang Gưh, từng sáng tạo ra bẫy đá để đánh đuổi “thằng Tây mũi lõ”, bị thằng Juăn một kẻ phản bội buôn làng bắn lén chết. Không đợi được sự  “sắp xếp” của Yàng Aê Diê để trở lại làm người, Y Liê đã chấp nhận hóa kiếp thành con khỉ Kra để được trở về sống  bên núi Chư Mang cùng buôn làng. Do đó Kra hiểu rõ cả quá khứ và hiện tại của vùng đất Chư Mang. Nhờ vậy yếu tố ảo và thực trong tiểu thuyết được trộn lẫn và xuất hiện một cách hợp lý.                                                       

Trong nghệ thuật viết tiểu thuyết, việc xây dựng diện mạo, tính cách nhân vật có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của tác phẩm. Trong “Nước mắt màu xanh thẫm”, Nguyễn Văn Thiện đã xây dựng được một hệ thống nhân vật có số phận, diện mạo, hồn vía khá ấn tượng, như già Âng, Y Đoan, Juăn… nhưng nổi bật nhất là hai nhân vật chính có mặt từ đầu đến cuối tác phẩm: Khỉ Kra và nàng H’Nhi. Khỉ Kra vừa là người hiền, vừa là dũng sĩ, vừa là “sử gia” làng, vừa là hề làng… Dù là khỉ nhưng biết sống chung thủy, nghĩa tình, là kẻ biết hết mọi chuyện lớn bé trong làng dù không nói được, ngôn ngữ giao tiếp chỉ là tiếng kêu kéc kéc. H’Nhi là biểu tượng của người con gái, người phụ nữ Tây Nguyên xinh đẹp, giàu nghị lực, vị tha, dù số phận không may mắn phải chịu nhiều đau khổ (phải lấy anh rể theo phong tục nối dây, sau khi chị gái mất, thậm chí phải bán thân để kiếm sống) nhưng lòng luôn hướng thiện, biết sống vì người khác.

Về kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết, ở đầu mỗi phần (như là một chương) của tiểu thuyết, Nguyễn Văn Thiện đã tạo ra sự mới, lạ bằng một “đoạn dẫn” khá li kì, mờ ảo. Đó là câu chuyện giữa hai người “mình” và “ta” về lũ quỷ ăn sỏi trên lòng suối, về chuyện bị quỷ ám… Ngỡ như những “đoạn dẫn” đó lạc lõng với nội dung câu chuyện. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, ta sẽ thấy sự thâm thúy của tác giả, bởi những “đoạn dẫn” đó gợi cho ta nhiều suy ngẫm về những điều khó giải thích của thực tại có liên quan đến những gì đang xảy ra trong cuộc sống mà tiểu thuyết đề cập. Ví dụ: “Mình bảo, khi đôi mắt có vấn đề thì không nhìn thấy được sự thật mà chỉ thấy những ảnh ảo của nó mà thôi”(trang 59); hoặc “Ta run rẩy nghĩ, tội lỗi quá đi mất. Những viên đá cuội bị ăn mất, đến hồn suối, hồn núi cũng bị ăn, ăn cả hồn người nữa!”(trang 114)...

Văn phong trong “Nước mắt màu xanh thẫm” rất gần với lối nói, lối nghĩ của đồng bào Tây Nguyên. Ví dụ “chân mày chưa kịp đến thì tiếng chuông đã đi trước rồi”, hoặc “đừng vào chuồng dắt bò người ta đi rồi mới bàn chuyện mua bán”… Bạn đọc thích lối văn miêu tả, giàu chất thơ, đọc cuốn tiểu thuyết này cũng sẽ được thưởng thức nhiều trang văn về cảnh thiên nhiên, cảnh “gần gũi” của trai gái khi yêu nhau đầy thú vị.

Có thể khẳng định, “Nước mắt màu xanh thẫm” là một tiểu thuyết thành công của Nguyễn Văn Thiện, tạo được ấn tượng đối với người đọc và sẽ là một mốc son trên con đường phát triển của văn học vùng đất Tây Nguyên! Nhà văn Nguyễn Trí Huân (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Trưởng Tiểu ban giám khảo văn xuôi của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ ba (giai đoạn 2015 - 2020) nhận xét: “Nước mắt màu xanh thẫm không chỉ là một tác phẩm xuất sắc của Đắk Lắk mà của cả nước trong giai đoạn gần đây...”. Tiểu thuyết đã được trao giải A duy nhất - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chư Yang Sin của tỉnh Đắk Lắk lần thứ ba.

  Đặng Bá Tiến 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.