Multimedia Đọc Báo in

Gia đình mẫu hệ với không gian văn hóa cồng chiêng

10:00, 14/04/2010
“Thiếu tiếng chiêng, tiếng kưưt, tiếng khan
Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”

Câu ca của người Êđê đã khẳng định văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với đời sống cộng động, với từng thành viên của gia đình mẫu hệ bởi cồng chiêng là tài sản quý nhất, giá trị tinh thần thiêng liêng nhất trong gia đình mẫu hệ.
Ở Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung, các dân tộc bản địa sống theo từng buôn (bon, plây…) khác nhau. Trong mỗi buôn của người Eâđê có khoảng 40-60 hộ, theo truyền thống gia đình mẫu hệ. Đó là một gia đình lớn, gồm nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà dài. Nhà dài Eâđê có những gian nối tiếp nhau (gọi là ôk) dành cho những gia đình nhỏ; gian gah (gian lớn sát liền cầu thang) dùng đặt ghế kpan (ghế ngồi đánh cồng chiêng), djưng (ghế nhỏ dùng tiếp khách) là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống của gia đình và tiếp khách.
Trong gia đình mẫu hệ có: bà, mẹ, các ông cậu, ông phat kđi, thầy cúng, người chỉnh chiêng, người đánh chiêng. Theo lời kể của các nghệ nhân, xưa kia cồng chiêng do phụ nữ đánh, sau đó dần dần chuyển qua cho nam giới. Gia đình mẫu hệ của người Eâđê do một phụ nữ cai quản. Trong hôn nhân, người phụ nữ chủ động cưới chồng, người chồng cư trú bên nhà vợ, con cái sinh ra lấy họ mẹ. Người phụ nữ cai quản mọi việc như phân công lao động, quản lý tài sản, phân chia tài sản; đồng thời cùng với người cậu (anh em ruột) tổ chức các nghi lễ, lễ hội vòng đời người, nghi lễ – lễ hội nông nghiệp hằng năm của gia đình và dòng họ.
Cồng chiêng là tài sản quý nhất của gia đình mẫu hệ, thể hiện uy tín, sự giàu sang và quyền lực. Trước đây, mỗi gia đình có từ 2-3 bộ chiêng, những gia đình giàu có tới vài chục bộ chiêng, mỗi bộ chiêng trị giá hàng trăm con trâu hoặc năm đến bảy con voi. Theo tài liệu nghiên cứu của NSƯT Vũ Lân, mỗi thành viên trong gia đình mẫu hệ đều gắn bó với tên gọi cụ thể của mỗi cái chiêng như: trống H’gơr tương ứng với người bà; cêing Ana tương ứng với người mẹ; cêing Ana Di tương ứng với người chị gái…

Truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ (Ảnh: Đình Đối)
Truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ (Ảnh: Đình Đối)

Người Êđê quan niệm: một người không thể đánh được cồng chiêng, một tập thể (nghĩa là một đội chiêng) cũng không đánh được chiêng, cồng chiêng không thể đánh một cách tùy tiện mà chỉ được đánh trong nghi lễ, lễ hội của gia đình và cộng đồng. Điều đó có nghĩa là cồng chiêng chỉ được đánh trong một nghi lễ cụ thể. Nghi lễ ấy phải có các lễ vật (rượu cần, vật hiến sinh), có chủ lễ, thầy cúng, sự tham gia của cộng đồng và trong một không gian cụ thể trong ngôi nhà dài, hoặc trên nương rẫy…).
Theo truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, từ thời xa xưa, khi muốn lập một buôn làng, người phụ nữ trưởng dòng họ cùng với các ông cậu của mình thường tổ chức đi tìm vùng đất mới. Nơi được chọn để lập buôn phải có đất đai màu mỡ, bến nước trong lành, có khu đất bằng phẳng, khu rừng để nuôi sống cộng đồng, có vùng đất rộng gần rừng để làm khu nhà mồ. Khi đã chọn được một vùng đất vừa ý, người phụ nữ (trưởng dòng họ) đưa con cháu của mình đến lập buôn mới và người phụ nữ này, được mọi người trong buôn gọi là chủ bến nước (Pô Pin Ea). Chủ bến nước có quyền cho người khác đến định cư tại buôn mình, quyền cấp đất ở, đất canh tác, quyền cho phép khai thác khu rừng của cộng đồng để sinh sống. Chủ bến nước cùng với các ông cậu là phat kđi (người xử kiện), thầy cúng, hội đồng già làng tham gia quản lý cộng đồng bằng luật tục. Các nghi lễ – lễ hội được tổ chức hằng năm do chủ bến nước và các ông cậu chủ trì với sự tham gia của cộng đồng, cùng sự diễn xướng của các dàn cồng chiêng, được thể hiện trong một không gian văn hóa truyền thống bao gồm: Khu nhà dài, bến nước, nương rẫy, khu nhà mồ, khu rừng sinh thái. Không gian văn hóa cộng đồng được gìn giữ, bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác là do vai trò truyền thống của gia đình mẫu hệ, trong đó người bà (hoặc người mẹ) giữ vai trò chủ đạo.
Trong không gian cộng đồng ấy, hằng năm gia đình mẫu hệ tổ chức các nghi lễ – lễ hội vòng đời người (còn gọi là vòng đời) và vòng cây lúa (hay còn gọi là nghi lễ nông nghiệp). Mỗi nghi lễ – lễ hội đều có cột lễ, ché rượu, vật hiến sinh (nhỏ là con heo, con gà, lớn là con trâu, con bò), chủ lễ, thầy cúng và đội nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng. Mỗi lễ cúng đều có những bài chiêng cụ thể nhằm thông tin với các vị thần linh trong trời đất và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chủ nhà, với cộng đồng, và ước vọng có cuộc sống bình yên, giàu có, mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc. Điều đó chứng tỏ từ xa xưa đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã xem trọng mối quan hệ giữa con người và không gian văn hóa sinh tồn, trong đó có không gian thiên nhiên, không gian xã hội và không gian văn hóa cộng đồng. Đó chính là cơ sở hình thành hệ thống nghi lễ – lễ hội phong phú, đa dạng thông qua văn hóa cồng chiêng. Điều đó cũng có nghĩa là văn hóa cồng chiêng tồn tại gắn bó mật thiết với không gian cộng đồng; trong đó có không gian cư trú, không gian nghi lễ – lễ hội, không gian canh tác, không gian của những người quá cố, không gian khu rừng nuôi sống cộng đồng. Nếu gia đình mẫu hệ không tồn tại thì không gian này bị phá vỡ, kéo theo sự mất dần các nghi lễ – lễ hội truyền thống và sự mai một của không gian văn hóa cồng chiêng.

Trương Bi

 


Ý kiến bạn đọc