Củi hứa hôn và phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng
Bước vào tuổi cập kê, các cô gái Giẻ Triêng bắt đầu hành trình đi kiếm “củi hứa hôn” để “bắt chồng”.
Đến các làng của người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên, dễ thấy ở rất nhiều gia đình có những đống củi được cắt bằng nhau, xếp ngay ngắn ở đầu nhà, hoặc trước sân và được che chắn cẩn thận. Đấy chính là "củi hứa hôn" của các thiếu nữ Giẻ Triêng.
Theo phong tục của người Giẻ Triêng, khi bước qua tuổi 15, các cô gái bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi để đủ điều kiện “bắt chồng”. Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho con gái cách nhận biết cây củi “hứa hôn”. Tiêu chí đốn củi nhiều, đẹp, đều đồng nghĩa với việc sau này tình yêu đôi lứa của cô gái với chàng trai càng trở nên sâu nặng. “Củi hứa hôn” thường là những thân cây gỗ tốt, đượm than, suôn và thẳng (tốt nhất là thân cây dẻ) được đốn bằng nhau, phơi khô. Số lượng củi thường là 100 bó, chiều dài 1 mét và đường kính bó củi từ 40-50cm.
Thiếu nữ Giẻ Triêng chuẩn bị củi hứa hôn để "bắt chồng". Ảnh: Thanh Niên |
Người Giẻ Triêng cho rằng, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô gái khéo tay. Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra. Những thanh củi tình yêu này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét.
Sau khi đã chuẩn bị đủ số lượng củi, cô gái tìm đến chàng trai mà mình “ưng cái bụng” để “đánh tiếng”, nếu chàng trai đồng ý thì buổi tối tự nguyện đến tâm sự với cô gái tại nhà Rông. Trong thời gian đôi trai gái tìm hiểu nhau, một người có uy tín trong làng, không có họ hàng với hai gia đình chuẩn bị lễ vật đứng ra làm mai mối. Lễ vật bao gồm: Một hũ rượu nhỏ, hai chiếc cần (ống hút) để uống đem đến nhà trai hoặc nhà gái do người mai mối chọn (thường thì nhà chàng trai) và gọi người con gái đến cùng uống rượu. Sau khi đôi trẻ đã uống, cha mẹ của chàng trai sau đó là người mai mối cùng uống rượu chung vui. Cũng trong thời gian uống rượu và trò chuyện, người mai mối trình bày nội dung của buổi uống rượu hôm đó. Khi hũ rượu đã được uống cạn, cũng là lúc đôi trai gái thành vợ thành chồng. Và, tất nhiên đêm về đôi trai gái được phép ngủ chung. Tuy là vợ chồng của nhau, được ngủ chung trong chiếc buồng nhỏ dành cho họ, nhưng trong thời gian một năm ngủ chung ấy, người con gái không được phép có thai. Nếu vi phạm quy định, đôi trai gái ấy phải chịu "hình phạt" của làng, sẽ bị đuổi ra xa cách làng hơn 2km, tự làm lều để ở và cũng không được ai quan tâm thăm hỏi đến họ.
Cô dâu, chú rể người Giẻ Triêng trong trang phục truyền thống. Ảnh: Thanh Niên |
Trong thời gian một năm đến ngủ chung ở nhà chồng, cô gái thường lên rừng cõng củi về cho gia đình chàng trai, thỉnh thoảng lại tự tay mình giã gạo mang đến cho "chồng". Những người trong gia đình cô gái cũng giúp cô cõng củi về nhà tập kết và che chắn cẩn thận. Đến một ngày được xem là "ngày lành tháng tốt", nhà gái cử người đến báo với nhà trai và tập trung họ hàng cõng củi đến nhà trai (chỉ cho phép cõng trong một ngày). Nếu gia đình nhà trai đã đi lên nương rẫy, đích thị chàng trai phải lên nương tìm gọi bằng được họ hàng về để tiếp đón nhà gái. Không chỉ cõng củi cho gia đình chồng, mà nhà gái phải cõng cho anh chị ruột của chồng, là những người đã xây dựng gia đình ra ở riêng mỗi người 20-30 bó củi. Đáp lại tình cảm của họ hàng nhà gái, gia đình chàng trai cũng tập trung anh em lại, giã gạo, thổi cơm mời những người cõng củi ở lại "dự tiệc". Ngoài ra, mỗi người tham gia cõng củi đều được nhà trai "tặng" một bộ áo quần, ít nhất cũng được một cái Kà Tu. Riêng anh em ruột của cô gái thì nhất thiết phải đủ mỗi người một bộ.
Sau ngày nhà gái đã cõng củi đến nhà trai, gia đình chàng trai chuẩn bị làm cơm mời nhà gái đến "dự tiệc", để cảm ơn nhà gái đã cõng củi cho gia đình. Khi đến mời gia đình nhà gái dùng cơm, phải mang theo lễ vật là những chú chuột, chú chim đã được sấy khô chuẩn bị từ những ngày trước, số lượng từ 60-70 con tùy thuộc vào nhà trai. Sau hôm cõng củi và lễ mời cơm ấy, họ hàng hai bên mới chính thức trở hành "sui gia" và tiếp tục đi lại thăm hỏi nhau.
Ý kiến bạn đọc