Ay Bép – nghệ nhân tạc tượng giữa đại ngàn
Tượng nhà mồ - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên đang ngày dần mai một, những nghệ nhân thạo việc tạc tượng hầu hết đã quá già và về với “bến nước ông bà”. Về Bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chỉ còn già Ay Bép biết tạc những pho tượng nhà mồ mang đậm chất Tây nguyên.
Theo chỉ dẫn của những người dân ở Khu du lịch Bản Đôn, chúng tôi tìm đến nhà già vào một buổi chiều tà, lất phất mưa. Ở Bản Đôn này hễ nhắc đến tên già thì ai cũng biết, bởi cả bản chỉ còn mỗi mình già và Ma Thơ là biết tạc những pho tượng nhà mồ xưa theo phong cách đồng bào Gia Rai. Đã bước sang tuổi 64 nhưng già Ay Bép vẫn còn minh mẫn, cơ bắp vẫn còn chắc khỏe như những thân gỗ lớn trong rừng già Yok Đôn. Già có thâm niên gần 40 năm làm nghề và đã tạc không biết bao nhiêu tượng nhà mồ trên đất Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành khác nữa. Biết tác tượng từ khi còn trẻ, thời đó Ay Bép còn là một thanh niên, ngày ngày theo chân những nghệ nhân lớn tuổi trong bản đi xem tạc tượng, mê mẩn đứng nhìn rồi về nhà tìm gỗ bắt chước tạc theo, cả nhà già không ai theo nghề tạc tượng nhà mồ, chỉ mỗi mình già là đam mê. Cứ như thế mà chàng thanh niên Ay Bép biết tạc những bức tượng nhà mồ rất đẹp lúc nào không hay. Biết tiếng, dần dà những gia đình nào có người mất, đều tìm đến thuê Ay Bép tạc cho những pho tượng nhà mồ.
Già Ay Bép bên bộ tượng công đậu ngà voi do chính tay mình tạc. |
Già Ay Bép nhớ lại, cách đây đã hơn 30 năm, thời đó, nếu tạc một bộ tượng nhà mồ đẹp theo ý gia chủ như bộ tượng công đậu ngà voi, đặt trên ché gồm bốn pho tượng thì được trả công bằng cả một con voi lưng rộng đến 2m. Chỉ cần nhìn vào ngôi mộ nào có bộ tượng công đậu ngà voi thì biết ngay đó là gia đình quyền quý, giàu có. “Tượng công đậu ngà voi thể hiện sự giàu có của gia đình người chết. Nhà nào nhiều trâu, nhiều bò mới đủ tiền làm bộ tượng này. Nhà nghèo thì không đủ tiền để thuê thợ làm mà chỉ tạc nhưng bức tượng nhỏ thôi. Tượng chim công là để ca ngợi vẻ đẹp của người chết, làm vui cho linh hồn của họ. Tượng ngà voi thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm của người chết khi đang sống, đồng thời là vũ khí để bảo vệ linh hồn của họ”, già giải thích. Để tạc được bộ tượng này phải tốn rất nhiều thời gian, có khi làm việc cả tháng trời, phải đẽo thủ công. Gỗ để tạc tượng phải là cây gỗ mật, hoặc cây vin ven tìm chặt mãi tận trong rừng quốc gia, bởi loại gỗ này vừa mềm, dễ đẽo lại lâu mục và không bị nứt nẻ. Tượng công được đẽo từ trên đầu, thân rồi đuôi. Một bộ tượng đẹp có chiều cao phải 2,5m, được đẽo liền cùng trên một thân gỗ lớn gồm cả phần chân tượng là hình chiếc ché, dụng cụ đẽo tượng chỉ là rìu và cây xà gạc - loại dao đa năng thông dụng của người Gia Rai. Điểm để làm cho bộ tượng này thêm phần đẹp, có giá trị đó là cách pha chế và sơn để làm sao tượng vừa đẹp, lâu phai màu, sơn nhất thiết phải pha đủ sáu màu, khi sơn xong nhìn màu lông chim công sặc sỡ trông giống như thật. Dẫn chúng tôi vào khu rừng tượng nằm trong rừng Quốc gia Yok Đôn, đưa tay mân mê bộ tượng công đậu ngà voi còn mới, già cho biết, quần thể tượng này đều do tay già tạc, đây là của một gia đình giàu có trong buôn thuê già làm, và trả công bằng 4 chỉ vàng, già phải làm mất gần 2 tuần mới xong. Trước kia, cách đây hơn 30 năm không lúc nào già rảnh tay, mỗi bộ tượng tạc xong cho gia chủ già được trả công bằng một con trâu lớn, không còn được trả bằng voi giống như những nghệ nhân tạc tượng thời xưa nữa vì voi bây giờ hiếm rồi. Quần thể tượng nhà mồ trong Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng không còn nhiều, chỉ còn lác đác một vài bộ tượng công đậu ngà voi mới dựng lên của những người giàu có mới qua đời được đổ bê tông chôn chân rất chắc, thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn già giải thích: “Cách đây không lâu trong một đêm kẻ xấu đã vào khu nhà mồ này trộm một lúc mấy chục bức tượng mang đi đâu không ai biết, nên giờ gia đình nào có người mất, có tạc tượng nhà mồ thường phải đổ bê tông chôn kỹ để chống trộm”. Bây giờ, số người đến thuê già đi tạc tượng nhà mồ cũng không nhiều nữa, lúc rảnh rỗi già lại ngồi thổi bể lò rèn, rèn dao, cuốc, xà gạc… bán cho những người trong buôn và cố truyền dạy cách tạc tượng cho hai người con trai của mình là Man Êban (37 tuổi) và Thuyên Êban (30 tuổi). “Chúng chỉ mới biết tạc được những bức tượng đơn giản thôi, chưa được đẹp lắm. Muốn học tạc tượng ngoài sự khéo tay còn đòi hỏi cả sự đam mê và kiên trì, cả buôn này chỉ còn già với Ma Thơ là biết tạc tượng nhưng đã lớn tuổi, rồi cũng phải về với giàng mà thôi, lũ trẻ bây giờ không còn mặn mà với công việc tạc tượng nữa, nghề tạc tượng rồi cũng sẽ mai một mất thôi”, già Ay Bép nhìn về phía rừng già Yok Đôn buồn buồn.
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc