Multimedia Đọc Báo in

Nỗi băn khoăn của một nghệ nhân

19:00, 18/12/2010

Buôn Akô Dhông là một trong những buôn – dẫu đã có sự biến dạng - nhưng vẫn còn giữ dáng vẻ của một buôn Êđê cổ truyền, với những mái nhà sàn dài đầu hồi nhọn, che mưa nắng.

Từ lâu nay, đây vẫn là một điểm tham quan mà tất cả các hãng du lịch đưa khách đến Buôn Ma Thuột đều quảng cáo “thăm buôn làng Êđê cổ ”. Tới buôn, khách không chỉ dạo ngắm cảnh nhà sàn quần tụ bên nhau, cây xanh mướt, bướm lượn bên hoa khoe sắc,  những con người hồn nhiên chăm lo công việc nương rẫy, mà hướng dẫn viên du lịch nào cũng đưa khách lên tham quan nhà của nghệ nhân dệt thổ cẩm Amí Dít.

Là một nghệ nhân không chỉ giỏi tay nghề, biết dệt nên những hoa văn tuyệt đẹp của người Êđê,  tự nguyện mở nhiều lớp truyền dạy nghề dệt cho không chỉ các nữ thanh niên trong và ngoài buôn, Amí Dít còn  dạy nghề miễn phí cho cả học sinh khuyết tật (khiếm thính, câm điếc…) để các em tập làm ra sản phẩm, góp sức tự nuôi mình bằng nghề dệt truyền thống. Mặc dù thỉnh thoảng cũng có đơn đặt hàng nhưng Amí Dít không lấy việc dệt làm nghề chính để nuôi sống gia đình. Sức khỏe yếu, bà không thể theo đuổi việc làm rẫy nên ở nhà vừa trông cháu cho các con vừa tự dệt để có thêm thu nhập phụ cho gia đình. Một lý do khác, chính tình cảm gắn bó và lòng mong muốn gìn giữ lấy một nghề thủ công truyền thống của tộc người mà Ami Dít từ hàng chục năm nay cố một mình duy trì nghề dệt.

Tuy nhiên, Amí Dít vẫn rất lo lắng vì bà chỉ thành thạo nghề dệt chứ không biết chế tác thành những sản phẩm đa dạng từ thổ cẩm, như nghề dệt của người Chăm ở Ninh Thuận. Do vậy mà khách đến tham quan thường chỉ xem bà dệt là chính chứ không mặn mà với việc mua sản phẩm. Bà rất mong có ai đó giúp mình tạo mẫu để thổ cẩm của người Êđê có thể đến với nhiều du khách hơn. Theo bà như thế mới giữ được nghề, làm cho lớp trẻ chịu tham gia dệt cùng với mình. Nay bà đã trên dưới 60 mùa mưa nắng rồi, mai kia thêm tuổi, không còn ngồi trực tiếp dệt được nữa, thì ai sẽ gìn giữ lấy nghề đây ?

Dệt thổ cẩm Êđê.
Dệt thổ cẩm Êđê.

Hiệp hội Du lịch Dak Lak đã mời bà tham gia làm thành viên, nhưng mấy lần đi họp không thấy có gì liên quan và cũng chẳng thấy ai  hỗ trợ hay góp ý gì cho nghề nghiệp của mình phát triển nên bà không đến nữa. 

Điều làm Amí Dít băn khoăn nhất là: ngành du lịch đưa khách đến nhà bà để tham quan nghề dệt thường xuyên, nhưng không hề có một quy định nào giữa các Công ty lữ hành với gia đình bà. Khi có khách, hướng dẫn viên cứ nghiễm nhiên dẫn tới, chẳng cần báo trước, chẳng thù lao gì, cũng không một lời giới thiệu về nghề thủ công truyền thống lẫn nghệ nhân nhưng luôn bắt bà ngồi vào khung dệt mẫu cho khách xem, thậm chí có người còn thích thử làm, bà cũng tận tình chỉ bảo. Có khách tò mò và lịch sự hỏi han, còn thường thì cả hướng dẫn viên lẫn khách vì ngôn ngữ bất đồng, chẳng ai chào hỏi chủ nhà lấy một câu, cứ tự nhiên như vào chỗ không người, xem hàng, lúc nào muốn mua thì mới hỏi. Thậm chí khách mua vài món đồ nhỏ (những tấm chăn, áo knuky dệt công phu nhưng chẳng có ai giới thiệu để khách biết giá trị tinh thần lẫn vật chất của những sản phẩm ấy , để khách biết mà mua), hướng dẫn viên còn bắt bà phải trích tỷ lệ phần trăm cho họ . Món đồ chỉ bán được 80.000 đồng, cũng đòi lấy 30.000 đồng. Có người còn “ dọa ” sẽ không đưa khách đến nữa… Gia đình Amí Dít, cũng như nhiều người Êđê khác trong buôn, đều thuộc hộ nghèo, ngoài sản xuất cà phê (hầu hết trong buôn này mỗi hộ chỉ có vài ba sào), đồng tiền kiếm được với bà con đâu có dễ dàng gì….

Xin chuyển đến những người có trách nhiệm nỗi niềm băn khoăn của một nghệ nhân rất tôn trọng và yêu mến truyền thống văn hóa của dân tộc, hầu mong từ một trường hợp cụ thể mà tìm được hướng đi phù hợp với các sản phẩm du lịch nói chung.

 

H’Linh Nga Niê Kdăm

 


Ý kiến bạn đọc