Multimedia Đọc Báo in

DAK LAK - MẢNH ĐẤT “NÍU CHÂN” MỌI MIỀN QUÊ

15:07, 07/02/2011

Cứ như cơ duyên định sẵn, họ đam mê yêu, đam mê cống hiến công sức và trí tuệ xây dựng Dak Lak. Điều gì đã níu giữ bước chân, con tim, khối óc của những con người ở nhiều vùng miền cùng tụ hội, cùng hướng về Dak Lak? Sức hấp dẫn của một cao nguyên bốn mùa nắng gió, tiềm năng đất bazan màu mỡ, hương cà phê thơm nồng, hương rượu cần ngất ngây, những ngôi nhà dài, con sông, dòng suối nhuốm màu huyền thoại hay tấm chân tình, giản dị mộc mạc như khí chất của chàng trai, cô gái Êđê nơi đây? Có lẽ là tất cả và còn hơn thế nữa…

Có một người Hà Nội đi tìm “chỗ đứng” cho cây vải ở Dak Lak
Một năm có 365 ngày thì 1/3 thời gian ấy người con của Hà Nội dành tặng Dak Lak. Nhiều người hỏi ông có nhân duyên gì với Dak Lak mà đã 15 năm nay, năm nào ông cũng phải vào Dak Lak bằng được dù lúc đang còn công tác cho tới khi đã nghỉ hưu. Ông bảo nhân duyên nhiều lắm, nhân tình nhiều lắm bởi đó là mảnh đất một thời máu lửa ông đã gắn bó, nghĩa tình đồng đội đã níu giữ bước chân ông.

Ông Phạm Thế Quốc
Ông Phạm Thế Quốc

Nhiều nông dân trồng vải biết đến tên ông – Phạm Thế Quốc, người cựu chiến binh và cuộc hành trình đưa cây vải vào mảnh đất cao nguyên này với mong ước sẽ góp một phần công sức nhỏ bé cho nơi ông đã từng gắn bó một thời đạn bom... Nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Ba Đình, ông cùng nhiều đồng đội nuôi ước mơ làm một điều gì đó thật ý nghĩa trên mảnh đất này và mọi người nghĩ đến một trong những đặc sản của miền Bắc là cây vải. Không ai có thể đem được cái lạnh của cao nguyên về miền cây trái Nam bộ để vải ở đây ra hoa. Và vì thế cũng không thể đem được cái nắng cái gió tháng Ba cao nguyên về miền Bắc để trái vải miền Bắc chín sớm như ở Dak Lak. Nắm được đặc điểm này ông bắt đầu cuộc hành trình. Khởi động bằng việc đi tham khảo ý kiến các nhà khoa học ở các viện, trường và đặt vấn đề nhờ phối hợp giúp đỡ, cộng tác về kỹ thuật. Năm 1996, ông Quốc quyết định làm một chuyến khảo sát thực tế tại Dak Lak, sau đó lại lặn lội khắp các vùng vải Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương... để học tập kinh nghiệm và mua giống vải tốt. Có được cây giống, đầu tiên ông đem tặng một số hộ dân ở huyện Dak Mil (Dak Nông) để thử nghiệm. Là cây trồng mới, lạ ở cao nguyên nên trong suốt cuộc hành trình cho vải “di cư” vào Dak Lak, ông Quốc gặp không ít khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học và cả những người nông dân cần cù, tâm huyết, cây vải đã dần tìm được “chỗ đứng”. Nhiều mô hình vải ở các huyện Krông Buk, Ea Kar, M’Drak, Krông Năng, Krông Ana (Dak Lak), Krông Nô, Dak Mil (Dak Nông)... đã cho trái, đem lại giá trị kinh tế cao.

Gây dựng được chỗ đứng cho cây vải đã nhiều năm nay, sau khi thu hoạch vải xong, ông lại “tạm trú” ở đây để trực tiếp cùng nông dân chăm sóc, phun thuốc sinh học cho mùa quả năm sau. Ông trở thành địa chỉ tin cậy, nhà khoa học giải đáp nhiều thắc mắc của người trồng vải. Vốn là một cán bộ Sở Nhà đất Hà Nội, niềm say mê cây vải đã giúp ông có được cả thư viện kiến thức về cây vải. Nhìn cây ông có thể nhận biết được đó là giống gì, ngưỡng nhiệt độ ra hoa, quy trình chăm sóc vải từ tạo cành mẹ, tạo pha ngủ nghỉ, làm bật mầm hoa, chăm sóc hoa, nuôi dưỡng quả, cắt tỉa, thu hoạch và vệ sinh vườn cây.  Đó là kết quả của những tháng ngày tự nguyện lăn lộn trên rẫy dưới vườn cùng nông dân trồng vải và tích lũy ghi chép. Mỗi đợt vào Dak Lak, ông quý thời gian như vàng ngọc, tranh thủ tối đa để truyền đạt kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc của người dân. Ông thức khuya dậy sớm để đo nhiệt độ từ đó đúc kết được đặc điểm ngưỡng ra hoa của mỗi vùng. Sau mỗi một mùa vụ ngoài việc quan tâm đến năng suất chất lượng, điều ông muốn nắm bắt ở người dân chính là những khúc mắc phát sinh, ông mong muốn được ghi chép để từ đó có thêm những nghiên cứu và cách xử lý.

Tuổi càng cao, ông cũng không biết có thể theo đuổi đến khi nào chỉ biết rằng khi nào không còn sức thì thôi. Còn sức là năm nào cũng vào Dak Lak ít nhất 2 lần để giúp người trồng vải hoàn toàn miễn phí, không vụ lợi bởi tâm nguyện của ông: mỗi cây vải như mỗi nén nhang tưởng nhớ đến những người đồng đội đã khuất...
 
5 năm, một mảnh đất, một tình người…
5 năm trôi qua, chưa đủ để gọi là lâu nhưng cũng không phải là ít để chọn một vùng đất gắn bó. Với ông Nguyễn Huynh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây nguyên thì Dak Lak là quê nhà mà ông chọn để gắn phần đời còn lại của mình.

Ông Nguyễn Huynh
Ông Nguyễn Huynh

Trước khi giữ trọng trách này, ông từng là Giám đốc Công ty Xăng đầu Lâm Đồng, thời điểm đó, do điều kiện công tác, quy hoạch cán bộ của đơn vị chủ quản, nên năm 2006 ông được chọn về Dak Lak làm việc. Giờ đây Dak Lak trong ánh mắt của ông tràn ngập bao điều thân quen. Vốn quê ở Quế Sơn, Quảng Nam, ông theo gia đình vào Đà Lạt rồi đến tuổi trưởng thành, tham gia quân ngũ, làm giao liên ở chiến trường Lâm Đồng. Từng có mặt nơi khói lửa khốc liệt nhất, đối mặt với bom đạn, nếm trải những gian khổ, hiểm nguy nên sau khi chuyển công tác về đây, bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ đã ngấm vào máu thịt, ông động viên mình dù trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trên mảnh đất mới không họ hàng, không một người thân thích, giữa “đất khách quê người” nhưng chính sự cởi mở, chân tình của những con người ông gặp, đã vun cho ông thêm một nghị lực, niềm tin vững vàng để tiếp tục cống hiến. Ông tâm sự: “Lúc mới rời xa Đà Lạt, tưởng không nơi nào bằng nơi đó nhưng giờ tôi đã có Dak Lak và coi như đây là quê hương thứ 2 trong trái tim mình...”.

Những chiến lược kinh doanh ban đầu mang lại hiệu quả, cộng với bản tính của con người nơi đây phóng khoáng, yêu lao động đã chất chứa trong ông nhiều tình cảm gắn bó. Có được những thành công nhất định, càng thúc giục ông tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động đoàn thể. Đặc biệt, từ khi giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh, ông đã góp phần đưa các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội” đến  từng cơ sở, chia sẻ, giúp đỡ những thanh niên xung phong gặp hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống…  Qua đó, ông càng cảm thấu hơn về nghĩa tình của những đồng đội năm xưa dành cho nhau trên vùng đất mới.

Dak Lak có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, cùng với đó là sự góp mặt của nhiều dân tộc sinh sống đã làm nên nhiều sắc màu văn hóa, càng cuốn hút ông. Thời gian rảnh, ông thường đi về các buôn làng, tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán, của đồng bào DTTS và coi đó như một niềm đam mê. Thiên nhiên, cảnh vật, con người, những nơi đã đi qua và những con  người ông có dịp gặp gỡ đều để lại nhiều ấn tượng đẹp trong ông. Dần dần, điều đó đã cuốn hút ông lúc nào không hay, chính ông cũng không nghĩ rằng, mình đã dành một tình yêu trọn vẹn với nơi này. Ông thích ngắm đến say sưa sắc dã quỳ nhuộm vàng óng như vạt áo khoác màu cho những nương rẫy, mê đến đắm say con đường trải đầy bằng lăng tím dọc Quốc lộ 27 từ Hòa Thắng về trung tâm TP. Buôn Ma Thuột… Yêu thiên nhiên, chọn miền đất này để gắn bó nên ông dành hết tâm huyết cho công việc, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, kinh doanh mang lại hiệu quả đáng kể. Công ty tạo công ăn việc làm cho 280 lao động, với tổng vốn điều lệ trên 60 tỷ đồng. Riêng năm 2010, ước tính, doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 125 tỷ, đóng góp cho công tác xã hội 470 tỷ đồng.

Thời gian trôi, Dak Lak càng ngày càng gắn bó với ông cùng những ân tình và niềm đắm say với thiên nhiên… Giờ, ông Huynh có thể mỉm cười, đi đến một quyết định cho riêng mình: “Tôi đã chọn Dak Lak để gắn bó phần đời còn lại của mình, điều mà 5 năm về trước, tôi chưa từng nghĩ đến…”.
 
Người nặng “nợ” với vùng biên Ya T’mốt
Đã gần 15 năm trôi qua, song đối với y sĩ Hà Lương Thiện, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ya T’mốt những kỷ niệm của thuở ban đầu đặt chân đến vùng biên Ea Súp vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Đến bây giờ, anh vẫn không thể lý giải vì sao mình lại chọn vùng đất này, nơi mà rất nhiều người khác chỉ coi là điểm dừng chân, để gắn bó và lập nghiệp. Song, mỗi lần nhắc lại, anh vẫn thấy quyết định chuyển gia đình vào định cư ở vùng đất đầy rẫy khó khăn ngày nào là hoàn toàn chính xác.

Y sĩ Hà Lương Thiện
Y sĩ Hà Lương Thiện

Nhớ lại cơ duyên rất đỗi tình cờ của mình với Dak Lak, anh Thiện bồi hồi: “Năm 1996, nhân chuyến nghỉ phép tôi vào thăm họ hàng ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp). Ngày ấy, Ea Súp đâu đã được như bây giờ, mọi thứ còn hoang sơ lắm. Thế mà chẳng hiểu sao khi mấy người bà con mở lời rủ tôi chuyển vào đây sinh sống và công tác, tôi lại gật đầu đồng ý ngay. Chắc tại lúc đó vẻ đẹp của những cánh rừng khộp đang mùa thay lá cộng với cái gió lồng lộng mùa khô Tây Nguyên đã khiến tôi, một người con trai đất Bắc mê mẩn. Và chỉ ít lâu sau chuyến nghỉ phép, tôi đã trở lại Dak Lak lần 2 cùng với giấy chuyển công tác từ Trung tâm Y tế Vinh Sơn, Phú Thọ (quê tôi) vào làm việc tại Trung tâm Y tế Ea Súp. Hình như mối lương duyên của tôi với Ea Súp đã được định trước thì phải, lúc tôi chuyển công tác vào Ea Súp cũng là thời điểm xã Ya T’mốt vừa thành lập chưa có cán bộ y tế nên tôi được tăng cường vào công tác tại Trạm y tế của xã mới. Công việc ổn định, tôi đón vợ vào cùng, vậy là chúng tôi gắn bó với Ya T’mốt từ dạo ấy…”. Mọi người vẫn thường nói “Có an cư mới lạc nghiệp”, song với vợ chồng y sĩ Thiện điều này hoàn toàn ngược lại. Ngày chuyển vào công tác tại vùng đất mới, không có trong tay tấc đất dựng nhà, vợ chồng anh phải mượn nhà tập thể của trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, nơi vợ anh dạy học để làm chỗ trú thân. Chỗ ở đã nương nhờ, nơi làm việc cũng mượn tạm nhà dân, thế nhưng tất cả khó khăn ấy chẳng thể làm nhụt chí con người đang căng tràn nhiệt huyết  nơi anh. Ngày mới vào Ya T’mốt, bà con còn chưa quen với khái niệm tiêm phòng, họ sợ cái gọi là phản ứng phụ (một số loại vắc-xin gây sốt, tiêm phòng lao lên mụn làm mủ và để lại sẹo) nên cứ mỗi dịp tiêm phòng, lại có rất nhiều gia đình bất hợp tác không đưa trẻ đến tiêm, mặc dù cán bộ y tế đã lặn lội đạp xe hàng chục cây số xuống thôn làm nhiệm vụ. Thế rồi, những con đường như được rải bi trên mặt vào mùa khô, trơn như đổ mỡ vào mùa mưa bỗng trở nên quen thuộc với y sĩ Thiện trong suốt thời gian làm công tác tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu lợi ích của việc cho trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh. Rồi những lần bà con trong vùng ngã bệnh tìm đến trạm y tế, dù không có đủ phương tiện làm việc nhưng bằng kiến thức và trách nhiệm của mình anh luôn sẵn sàng đón nhận và chăm sóc chu đáo chẳng kể giờ giấc, ngày hay đêm. Chính sự tận tâm ấy đã là liều thuốc hóa giải hồ nghi của người dân, mọi người đã bắt đầu quen dần với việc phòng bệnh, chữa bệnh. Và mọi thứ cũng được đổi thay từ đó. Những năm gần đây, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn xã luôn bảo đảm từ 95-97%, các chương trình mục tiêu quốc gia khác cũng đạt những kết quả đáng mừng, tỷ lệ bà con tìm đến trạm y tế để thăm khám mỗi khi đau ốm cũng ngày một tăng lên. Đặc biệt, gần đây nhất, năm 2009 xã Ya T’mốt đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế và là một trong những xã đi đầu của huyện thực hiện tốt Chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Có thể nói, trong thành công của công tác y tế ở xã Ya T’mốt ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của y sĩ Hà Lương Thiện.  Anh đã công tác, gắn bó với ngành y tại đây trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân, để góp sức mình cùng đồng nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi xã biên giới nghèo. Dẫu hiện tại cuộc sống nơi vùng đất nghèo vẫn còn bộn bề khó khăn, song mong muốn lớn nhất của anh không phải cho riêng mình mà đó là mơ ước về sự đổi thay của Trạm y tế xã với trang thiết bị đầy đủ hơn, nguồn thuốc cấp cứu cũng kịp thời hơn để các cán bộ, y bác sĩ của trạm có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Quả thực, với nhiều người, mảnh đất vùng biên nghèo khó như Ya T’mốt chỉ được coi là chốn dừng chân tạm thời. Còn với anh, tuy ở đây chẳng phải nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhưng một lần đến là gắn bó lâu dài. Đã từng có người hỏi anh về ý định chuyển công tác ra nơi có điều kiện tốt hơn, chẳng cần suy nghĩ anh đáp ráo hoảnh: “Quan điểm của tôi ở đâu cũng là cống hiến nên không có gì phải chọn lựa. Dù điều kiện có tốt đến mấy nhưng bản thân không có sự nỗ lực thì cũng vậy cả thôi. Huống gì, người dân nơi đây còn đang rất cần tôi chăm lo sức khỏe cho họ…”. Câu trả lời giản dị thế thôi, nhưng thực tế có mấy ai làm được như anh.

Dak Lak đã “nuôi” tôi lớn lên
Sinh ra ở Quảng Nam, theo gia đình lên lập nghiệp tại Dak Lak vào đầu thập kỷ 60, ông Đỗ Thái Cơ, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak, đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Mỗi giai đoạn phát triển của Dak Lak, bản thân ông như có chung niềm hạnh phúc và mừng vui với xã hội về sự thay da đổi thịt từng ngày nơi quê mới.

Ông Đỗ Thái Cơ
Ông Đỗ Thái Cơ

Ông kể, mảnh đất này ít nhiều đã gắn liền với những thăng trầm của cuộc đời ông. Đây là vùng đất giàu tiềm năng, cảnh vật, con người đều có những thiện chí, ước mơ riêng, càng thôi thúc ông phải cố gắng, tìm mọi cách để vươn lên và tạo ra “số phận của riêng mình”. Có những thất bại, hụt hẫng trong công việc, đôi khi cũng làm ông nhụt chí, muốn quay về quê cha đất tổ nhưng sau một thời gian dài loay hoay tìm vốn, tạo nguồn nhân lực, bộn bề với những dự án kinh doanh mới đã làm ông “say” lúc nào không biết. Ông tin, mình đã chọn đúng đường đi và mảnh đất để “gieo mầm”, thay đổi cuộc đời vốn đã có quá nhiều cơ cực.

Hơn 50 năm tuổi đời, với tất cả niềm tin, hy sinh và sự nỗ lực, ông đã vượt qua được nhiều trở ngại, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau: Chỉ huy trưởng Huyện đội Ea H’leo (1975-1993), Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quyết Thắng rồi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak từ năm 2006 đến nay. Dù ở cương vị nào, ông cũng nỗ lực vươn lên, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi chuyển sang công tác tại Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak, gặp phải bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng là người “chèo lái”, ông vẫn vững vàng, đưa đơn vị mở rộng phạm vi, lĩnh vực kinh doanh và mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Hiện, Công ty kinh doanh ở các lĩnh vực: Bất động sản, trồng cây cao su, trồng rừng, thủy điện; với tổng vốn điều lệ 140 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động, lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Có dịp ngồi lại hồi tưởng những chặng đường đã qua, ông chỉ nói: “Dak Lak tuy không phải nơi tôi “chôn nhau cắt rốn” nhưng đã “nuôi dưỡng” tôi lớn lên, thành người, nghĩa tình mảnh đất này đã ăn sâu vào máu thịt, mỗi lần đi đâu về đâu, tôi đều coi đây như quê nhà dấu yêu của mình….”.
 

Đàm Thuần Đỗ Lan – Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc