Multimedia Đọc Báo in

Vắng bóng dần những nếp nhà dài

18:16, 20/02/2011

Trước vòng quay nghiệt ngã của thời gian, thách thức của sự phát triển, cuộc sống hiện đại và sự giao thoa văn hóa… thì những giá trị đặc sắc của đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc bản địa Tây Nguyên vốn rất mong manh, giờ càng trở nên dễ “vỡ”. Và nhà dài, không gian văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên cũng dần vắng bóng trong các buôn làng…

Khi nghe Y Thút ở buôn Tuôr, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột bảo trong buôn có hơn 90 hộ nhưng chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà dài, hầu hết được làm từ trước giải phóng, tôi hiểu vì sao trong ánh mắt của Amí A có niềm tự hào lẫn trong nỗi buồn thăm thẳm. Tự hào bởi ngôi nhà dài hơn 40m của Amí là một trong những ngôi nhà dài hiếm hoi còn lại của buôn làng. Buồn, bởi những ngôi nhà dài ấy, không gian sinh hoạt thể hiện cho nếp sống cộng đồng… giờ đã vắng dần trong buôn làng. Nỗi buồn của Amí A cũng là nỗi ưu tư hằn sâu trên những nếp nhăn của già Ama Nhi ở buôn Koanh, xã Yang Mao, huyện Krông Bông mà tôi đã từng gặp trước đó. Những gì mà già trăn trở, ưu tư cũng là những điều đang diễn ra: nhà dài đang dần được thay thế bằng nhà bê tông, cốt thép. “Khi con cái trưởng thành, ngôi nhà dài trở nên chật chội, nhu cầu sinh hoạt trở nên bức bách, muốn nối dài thêm nhưng nguyên liệu gỗ bây giờ đâu có sẵn; tách hộ ra riêng thì đất cũng chỉ đủ để cho con làm được ngôi nhà cấp 4 như người Kinh, và dù có đủ đất thì cũng khó mà làm được nhà dài bởi rất tốn kém…” – Ama Nhi nói trong nỗi ưu tư của thế hệ luôn đau đáu cho sự mất – còn của một thực thể văn hóa đang mai một dần.

Những nếp nhà dài hiếm hoi còn lại ở buôn Dha Prong xã Cư Êbuar (TP. Buôn Ma Thuột).
Những nếp nhà dài hiếm hoi còn lại ở buôn Dha Prong xã Cư Êbuar (TP. Buôn Ma Thuột).


Nhà dài không chỉ đơn giản là nơi che mưa, che nắng là, không gian sống của một gia đình hay một dòng tộc mà còn là không gian văn hóa, đời sống tinh thần của một cộng đồng người. Nhà dài còn mang ý nghĩa biểu trưng cho ý thức mẫu hệ với vai trò của người phụ nữ được thiết lập ở vị trí quan trọng nhất trong dòng tộc. Người con trai khi đến tuổi trưởng thành thì về nhà vợ, còn người con gái cưới chồng về nhà mình. Mỗi người con gái cưới chồng về, để có chỗ ở, căn nhà dài được nối dài để đến đời cháu gái, căn nhà lại được nối tiếp, thành ra nhà cứ dài mãi. Căn nhà dài truyền thống được làm hoàn toàn bằng gỗ, tranh tre, nứa lá lấy từ thiên nhiên và chỉ bằng một chiếc rìu, không có một cây đinh hay sợi dây thép nhưng nó có thể tồn tại mấy đời: đời bà, đời con gái cho đến cháu, chắt; vững chãi giữa nắng gió của đại ngàn. Ở trong không gian ấy là một thế giới gia tộc mẫu hệ, là nơi họp bàn từ những việc làm trên nương rẫy cho đến việc trọng đại của gia tộc, buôn làng; những người đàn ông ở rể lo dạy lũ trẻ sử thi, lễ nghi cùng kỹ thuật sử dụng nhạc khí. Các tiểu gia đình cư trú trong mỗi ngăn buồng của ngôi nhà dài hợp thành đại gia đình mẫu hệ Êđê. Người đàn bà cao tuổi nhất, có uy tín là người quản lý tài sản, giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ; còn người đàn ông cao tuổi nhất, thường là chồng của người chị cả lo việc ngoài phạm vi nhà dài, như mua voi, chiêng, chóe và các đồ vật quý khác. Cũng trong không gian ấy, mọi người cùng quây quần bên bếp lửa thêu thùa, đan lát và nghe người già kể chuyện. Cũng chỉ trong căn nhà dài truyền thống như thế mới có chỗ để đặt chiêng, chóe, hay chiếc ghế Kpan dài hàng chục mét, cùng những đồ vật có ý nghĩa linh thiêng khác. Và cũng chính từ không gian ấy đã hình thành nên những sinh hoạt văn hóa tinh thần như kể chuyện, ca hát, nhảy múa, đánh chiêng… tạo nên một không gian hết sức độc đáo – không gian văn hóa cồng chiêng. Ngay cả chiếc cầu thang (được làm từ một cây gỗ, chạm hình đôi bầu vú mẹ cùng một vầng trăng khuyết) để bước lên không gian của mẹ, cũng ẩn chứa triết lý sâu xa. Sinh ra ôm bầu sữa Mẹ, lớn lên víu bầu sữa mẹ để lên nhà, rồi trưởng thành, đứa con trở về nhà vẫn phải bám vào bầu vú mẹ để lên nhà. Phong tục mẫu hệ ấy chất chứa, thấm đẫm tinh thần nhân văn.

Thế nhưng, trước làn sóng hội nhập, không gian văn hóa ấy đã và đang tiến gần đến ranh giới của sự mất – còn. Bởi nhà dài vắng bóng dần, và cuộc sống với những phong tục, tập quán của người bản địa với sự giao thoa văn hóa cũng đang thay đổi dần theo năm tháng. Bây giờ, khó khăn lắm mới có thể tìm thấy một bếp lửa luôn hiện hữu trong không gian nhà dài làm bùng cháy, thức dậy cả một thế giới huyền bí, soi rọi đời sống văn hóa của người Tây Nguyên. Như những gì mà nhà nghiên cứu người Pháp Jacques Dournes từng trải nghiệm: “Khi bếp lửa nhà sàn bùng cháy, là khi người Tây Nguyên sống một đời sống khác: đời sống sinh động vô cùng của các truyện kể, các huyền thoại, tức đời sống ở thế giới tưởng tượng, thế giới của mơ tưởng. Đó là thế giới  những mộng mị của những con người đang sống hôm nay, đang hàng ngày sống một cuộc sống kép, vừa “trải nghiệm” lại vừa mộng mị”...

Nhà dài, với bếp lửa, ghế Kpan, trống H’gơ, dàn chiêng, bộ chóe làm nên thế giới huyền bí của đời sống tinh thần, tâm linh của một cộng đồng dân tộc rồi sẽ cũng chỉ còn trong hoài niệm, nếu những nỗ lực bảo tồn, phục dựng của chúng ta chỉ dừng lại ở bảo tồn hiện vật. Một buôn Akô Dhong ở TP. Buôn Ma Thuột với những mái nhà dài vẫn tồn tại song hành bên những nhà bê tông, mái Thái nhưng nếu không chung sức, nỗ lực để gìn giữ không gian bên trong, (không gian gắn với những nghi thức trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc bản địa nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị thành thị hóa), thì những nếp nhà dài ở đây cũng chỉ tồn tại như những hiện vật được gìn giữ, bảo tồn trong bảo tàng. Vậy nên, làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn những nếp nhà dài với không gian văn hóa độc đáo ấy đang trở thành vấn đề day dứt, bức bách cho những người làm văn hóa, cho những ai yêu mến đất và người Tây Nguyên. Quan điểm bảo tồn phải chăng như Jacques Dournes khi đến với mảnh đất này đã nói: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”,  tức là chúng ta cần phải yêu, một tình yêu đầy kính trọng và cả ưu tư đối với mảnh đất và con người nơi đây trong tất cả các chiều sâu tinh tế của nó.

 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc