Multimedia Đọc Báo in

Nét nhà Hội An trên đất Krông Bông

17:53, 09/04/2011

Sau ngày giải phóng, người xứ Quảng đến vùng Krông Bông làm kinh tế mới rất đông, trong đó có người Hội An. Trong hành trang của mình, họ mang theo tên xã, tên làng, và đặc biệt là kiểu kiến trúc nhà gỗ truyền thống đặc trưng của người phố cổ – giờ đây đang hiện hữu một cách độc đáo trên vùng đất mới.

Nhà gỗ Hội An có lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa các phong cách Chăm, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, nhưng vẫn mang hồn cốt người Việt là kiểu nhà rường. Phổ biến nhất là những ngôi nhà một hoặc hai tầng có chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài theo hình ống, với không gian kiến trúc 3 phần: buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Đến xã Hòa Phong, Hòa Tân (huyện Krông Bông) sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều ngôi nhà gỗ kiểu phố Hội nép mình dưới chân núi. Riêng xã Hòa Phong, có đến 80% số hộ làm nhà gỗ theo kiểu truyền thống. Dù điều kiện địa lý hoàn toàn khác, nhưng những người gốc Hội An vẫn muốn ở trong ngôi nhà theo kiểu kiến trúc quen thuộc của mình. Trước đây, các loại gỗ còn dễ mua, thì việc dựng một ngôi nhà gỗ đúng kiểu cách phố cổ khá dễ dàng. Bây giờ, gỗ không nhiều và rẻ như trước nên người dân ở đây làm nhà đơn giản hơn, bằng các loại gỗ bình thường. Ông Dương Hồng cùng gia đình vào sinh sống ở Hòa Phong từ năm 1976, là người gốc xã Cẩm Kim – Hội An - nơi có làng mộc Kim Bồng nổi tiếng. Gia đình ông có mấy đời làm nghề mộc, chuyên dựng nhà gỗ. Ông Hồng vốn là một nghệ nhân, biết đục đẽo khi mới 15 tuổi, 7 người con trai của ông sinh sống ở đây cũng đều có nhà gỗ theo kiểu truyền thống. Con nhà nòi trong nghề mộc, ông đã giúp không biết bao nhiêu người dựng được nhà gỗ vừa ý. Giờ đã qua tuổi thất tuần, ông không còn làm nghề nữa, những người có thể dựng nhà gỗ đúng quy cách như ông hiện chỉ còn lại một vài người. Sợ cái nghề mộc của mình sẽ mai một, ông chỉ cho lớp trẻ cách đục đẽo để mong họ giữ lại cái nhà đặc trưng của quê hương mình.

Ông Dương Em trước ngôi nhà gỗ kiểu Hội An.
Ông Dương Em trước ngôi nhà gỗ kiểu Hội An.

Hiện nay, nhà gỗ của người Hội An ở Krông Bông có một số thay đổi như: có thêm gác lửng để chống lũ, làm cột hình vuông có giá thành rẻ và đơn giản hơn cột tròn (truyền thống), hay thiết kế phòng lồi rộng hơn để đựng nông sản. Ông Dương Em (thôn 6, xã Hòa Phong) dựng căn nhà gỗ hai tầng bằng gỗ sao từ năm 1990 nhưng đến nay vẫn còn vững chãi, chưa phải tu sửa lần nào. Về cơ bản, nhà của ông giống kiểu nhà Hội An truyền thống, nhưng vì đông người nên phải làm gian lồi trước rộng hơn để kê thêm một chiếc giường. Ông cho biết, dù có đủ điều kiện xây nhà bê tông, nhưng ông vẫn thích ở trong nhà gỗ quen thuộc, mát mẻ. Trong khi đó, anh Nguyễn Thu rời xứ Hội khi mới 5 tuổi, nhưng mỗi lần về thăm quê, anh vẫn thích những ngôi nhà gỗ cổ kính. Lập gia đình, dù cuộc sống còn khó khăn, anh tự học hỏi cách thức làm, nhờ hàng xóm giúp đỡ dựng được ngôi nhà gỗ rộng rãi trị giá gần 45 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mấy cây cau phía trước cho… giống khung cảnh Hội An.

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về nhà gỗ của quê nhà Hội An, ông Dương Hồng say sưa kể: Mặc dù có những cách tân, nhưng người Hội An ở Krông Bông vẫn tuân thủ nguyên tắc quy cách truyền thống là: nhà 3 gian, 2 chái, tính lục giác, kèo lưỡng đoạn, hai gian lồi, lợp ngói âm dương, bởi theo họ, giữ kiểu nhà cũng là giữ lại dấu ấn của quê hương. Người Hội An mà không ở nhà gỗ thì lạ lẫm lắm, dù họ có thừa điều kiện làm nhà xây bê tông cốt thép.

 

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc