Cần bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào Tây Nguyên
Các dân tộc Tây Nguyên có những loại kiến trúc nhà ở độc đáo, phù hợp với tập quán và điều kiện thiên nhiên, môi trường nơi họ sinh sống. Nếu người M’nông ở phía Nam Tây Nguyên có ngôi nhà trệt mái vòm thì các dân tộc còn lại như Êđê, J’rai, Xê Đăng vùng Bắc Tây Nguyên sinh sống trong ngôi nhà sàn dài. Trong quá trình phát triển nông thôn mới, kiến trúc nhà ở của đồng bào Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi dẫn đến giá trị văn hóa truyền thống bị mai một. Ta có thể thấy điều đó khi đến thăm các ngôi làng của người Êđê, M’nông ở Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
Nói đến người Êđê người ta phải nói đến nhà dài. Nó là công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng nhất của tộc người này. Trong xã hội Êđê cổ truyền, nhà dài là nơi cư trú của đại gia đình mẫu hệ. Dưới mái nhà dài gồm những gia đình nhỏ của các con gái, cháu gái sinh thành từ một bà tổ. Từ khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước, nhà dài thường là nơi chung sống của hàng chục gia đình nhỏ nên nó “dài như một hơi ngựa phi”, “dài như tiếng ngân của một cái chiêng tốt” (sử thi Đam San). Nhà dài Êđê chứa đựng những tinh hoa điêu khắc, tạo hình, trang trí, phát huy tối đa các công năng kiến trúc. Những mô típ quen thuộc biểu hiện chế độ mẫu hệ và sự phồn thực được phô bày như bầu vú mẹ, nồi đồng; những hình ảnh biểu thị sự giàu có như sừng trâu, chiêng, ché, voi...; những tác phẩm khác nói về sự đa dạng của sản vật như hình rau dớn, rùa, ba ba, kỳ đà, cua, cá...Bên cạnh đó còn có khá nhiều mẫu hoa văn khắc họa kỳ công để làm đẹp cho ngôi nhà. Trong phòng chính còn bố trí ghế kpan ngồi đánh chiêng, ghế chủ nhà ngồi tiếp khách, bếp lửa...
Nhà trệt dài mái vòm của người M’nông cũng khá đặc trưng, bảo lưu nhiều nét cổ xưa. Nhà thấp, trong nhà rất tối vì ít chừa cửa, mái sau dài đến sát đất, cửa ra vào chừa phía bên hông (đầu hồi) và phía trước. Chiếc cửa nhỏ, thấp, người ra vào phải khom lưng xuống giống như chui vào hang động. Cửa ra vào đều có mái nhô ra và theo mô típ cửa vòm, nhìn xa giống như lỗ tò vò. Mỗi nhà chứa từ năm mười hộ cho đến hàng chục hộ, mỗi hộ đều có kho lúa và bếp nấu ăn riêng, của cải tài sản cũng phải quản lý riêng biệt từng hộ. Bố trí trong ngôi nhà dài theo một trật tự được qui định: Kho lúa đều trổ cửa phía ngoài, mỗi kho lúa đều có thang riêng để bắt lên khi cần lấy lúa. Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa tiết kiệm, khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ăn. Cột nhà làm bằng cây tốt không bị mối ăn, cột nhà chôn dưới đất đến vài chục năm vẫn không hư.
Nhà dài Êđê |
Nếp nhà, trang phục, lễ hội là những yếu tố văn hóa truyền thống tộc người nhưng đáng tiếc là chúng đang dần dần bị mai một. Việc bảo tồn kiến trúc cổ, nhất là nhà ở của các dân tộc Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiến hành phục dựng một ngôi nhà dài tại khu trưng bày ngoài trời, lấy nguyên mẫu từ ngôi nhà dài ở buôn Ky, huyện Buôn Đôn (Dak Lak). Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Hà Tây, Hà Nội) cũng phục dựng được một số loại hình kiến trúc nhà ở, nhà làng Tây Nguyên. Trong khi đó, việc bảo tồn, phục dựng tại chỗ theo mô hình kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc thì không được triển khai. Người dân tự xây cất nhà của mình theo hướng “Kinh hóa”, “bê tông hóa”, “ngói hóa” và không theo kiểu quy hoạch, định hướng nào. Chỉ có một vài khu du lịch ở Buôn Đôn còn giữ được nét kiến trúc nhà dài Êđê như Khu du lịch thác Bảy Nhánh, Khu du lịch sinh thái… Nhà dài Êđê tại Khu du lịch thác Bảy Nhánh còn giữ được tính nguyên gốc về kiến trúc, chất liệu, qui mô (dài đến vài chục mét) và đặc biệt, trong nhà trưng bày nhiều hiện vật dân tộc học như ghế kpan, cây nêu, ché rượu cần, không gian sinh hoạt cộng đồng và cá nhân theo cách vừa giữ lại nét xưa trong trang trí nội thất của chủ nhân ngôi nhà vừa giới thiệu, quảng bá hoạt động du lịch.
Với xu hướng thay đổi trong tập quán cư trú, sản xuất như hiện nay, những giá trị kiến trúc truyền thống bị mai một là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc gìn giữ, bảo tồn một số loại hình kiến trúc cổ truyền là một đòi hỏi, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, của các nhà chuyên môn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, khi qui hoạch, tái định cư, xây dựng làng buôn của các dân tộc Tây Nguyên, cần giữ gìn, bảo tồn những ngôi nhà cổ với nét đặc trưng văn hóa tộc người. Các bảo tàng địa phương như Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông… cần chú ý đến việc phục dựng những ngôi nhà ở tại khu trưng bày ngoài trời để giới thiệu nét kiến trúc độc đáo của các dân tộc, các khu du lịch cần đầu tư xây dựng thêm những ngôi nhà sàn trong quần thể kiến trúc dân tộc như mô hình Khu du lịch thác Bảy Nhánh. Đặc biệt, cần khảo sát, qui hoạch, định hướng giúp dân tái dựng, phục hồi những ngôi nhà xưa bên cạnh những ngôi nhà hiện đại với vật liệu mới, giống như mô hình làng tái định cư của người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam. Điều này vừa giúp cải thiện điều kiện sinh sống của người dân, cải tạo cảnh quan, môi trường, làm cho buôn làng ngày càng đẹp hơn vừa phát huy, tận dụng các sản phẩm du lịch độc đáo của Tây Nguyên.
Ý kiến bạn đọc