Quy hoạch Buôn Ma Thuột hướng tới một thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên:
Tạo nét riêng từ tôn trọng bản sắc văn hóa
Buôn Ma Thuột là thành phố trẻ nên phát triển như thế nào cho phù hợp với chính mình chứ không phải là phát triển cho giống người ta, hay nói cách khác là phải tạo được dấu ấn riêng, đó là câu hỏi khiến các nhà chuyên môn, nhà quản lý trăn trở để đi tìm câu trả lời. Và một trong những đáp án chung cho câu hỏi này đó chính là quy hoạch nhưng phải tôn trọng bản sắc văn hóa.
Trong nhiều chiến lược định hướng quy hoạch chung đô thị Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đặc biệt nhấn mạnh đến việc nghiên cứu đầy đủ bản sắc văn hóa Tây Nguyên, những giá trị văn hóa Đam San, những nếp sống và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chiến lược phát triển Buôn Ma Thuột phải tôn trọng và phát huy được bản sắc văn hóa của Buôn Ma Thuột nhất là văn hóa Tây Nguyên, thành phố của buôn làng. Quy hoạch đô thị hiện đại nhưng tôn vinh được các giá trị truyền thống, kết hợp với quá khứ, hiện tại và tương lai những giá trị phi vật thể và vật thể.
Tôn trọng lịch sử, giữ gìn các nét đặc trưng văn hóa quan trọng để bảo tồn, tu bổ, cải tạo và điều chỉnh cho thích ứng, đó là quan điểm của ông G. Heng Chye Kiang, Trường Đại học quốc gia Singapore trong thiết kế đô thị Buôn Ma Thuột hướng tới đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Cụ thể là phải bảo vệ các công trình và khu vực di sản, bao gồm các khu vực, hạng mục di sản đã được công nhận và các công trình hỗ trợ có vai trò kết hợp để tạo ra các đặc trưng của khu vực. Theo đó, các can thiệp mới cần tôn trọng cơ cấu tổ chức các công trình lịch sử hiện có. Việc xây dựng phát triển bảo đảm củng cố và đề cao các đặc trưng về không gian buôn làng trong đô thị và tạo nên ấn tượng về một môi trường an toàn hơn, có chất lượng sống tốt hơn và vẫn giữ được cảm giác gần gũi với bản sắc văn hoá sinh hoạt cộng đồng.
Thực tế phát triển kiến trúc Buôn Ma Thuột trong thời gian qua đã cho thấy một bức tranh vừa đa dạng, vừa đặc sắc của kiến trúc và đô thị nơi đây. Đó là sự pha trộn hài hoà giữa kiến trúc truyền thống Êđê (mái nhà dài) và kiến trúc hiện đại mới. Bên cạnh những công trình kiến trúc truyền thống, các di tích lịch sử được bảo tồn, tôn tạo, nhiều công trình kiến trúc có xu hướng kết hợp truyền thống với hiện đại mang hình ảnh cách điệu, ẩn hiện ngôi nhà dài của người Êđê đã xuất hiện. Những công trình này thường có bố cục mặt bằng đơn giản, hình chữ nhật dài, kết cấu khung cột kèo, sàn tầng trệt khai thác mô hình sàn của nhà dài truyền thống. Hình thức đặc trưng nhất của phần mái: mái nhà gồm hai mái dốc về hai phía theo mặt cắt ngang, tại vị trí đầu hồi đỉnh mái được kéo dài ra xa hơn so với phần đuôi nhà, tạo nên hình ảnh một mũi tên rất đặc trưng, dũng mảnh. Các chất liệu hiện đại như ngói, tôn màu thay cho lá, tranh được các kiến trúc sư khai thác, biến tấu đa dạng, phong phú tuy nhiên không làm mất đi nét mộc mạc, khỏe khoắn của mái nhà dài. Và theo kiến trúc sư Diêu Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Dak Lak, chính cấu trúc đan xen này tạo nên dáng dấp của thành phố Buôn Ma Thuột và sẽ là dấu ấn tạo nên bản sắc riêng của đô thị này, để thành phố trẻ Buôn Ma Thuột phát triển phù hợp với chính mình chứ không phải là phát triển cho giống người ta.
Buôn Akô Dhong nằm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột - một địa danh vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người bản địa. |
Nếu coi Buôn Ma Thuột theo ý nghĩa thổ ngữ thì cấu trúc hình thái của thành phố cũng tựa như một buôn làng với đặc trưng tiêu biểu bố cục làng bám theo những cánh rừng và dòng nước. Thành phố còn hiện diện rõ 3 không gian tương ứng với 3 khu vực: khu vực truyền thống – không gian truyền thống; khu vực cũ – không gian trung tâm và khu vực mở rộng – không gian mới. Với 3 không gian trên thì cấu trúc hình thái đô thị Buôn Ma Thuột đã thể hiện sự chuyển biến không gian văn hoá tương ứng với những quy hoạch và công trình kiến trúc.
Có thể nhận thấy sự chuyển biến hình thái không gian nói chung và sự hình thành của đô thị Buôn Ma Thuột là cả quá trình tiếp biến các sắc màu văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên. Vai trò của văn hóa được khẳng định trong đô thị Buôn Ma Thuột, đó chính là không gian mang đậm hương vị đặc trưng của những sản vật, của văn hóa tộc người, của đặc trưng địa hình địa mạo... Trong định hướng phát triển không gian của thành phố Buôn Ma Thuột với vai trò thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn những không gian đặc trưng của đô thị thì việc lồng ghép các không gian văn hóa lễ hội sẽ có ý nghĩa kết nối và tôn vinh bản sắc đô thị của Buôn Ma Thuột.
Ý kiến bạn đọc