Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân Ae Men giỏi làm nhạc cụ, tâm huyết dạy trẻ chơi đàn

20:33, 18/12/2011

Nếu có dịp được xem nghệ nhân Y Am ADrơng (buôn Kơ Bông, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc do chính ông chế tác, sẽ khó mà quên được tiếng đàn, điệu sáo dìu dặt, da diết, trầm bổng phát ra những âm thanh đặc sắc của núi rừng.

Bà con trong buôn thường gọi ông với cái tên thân mật là Ae Men. Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng dường như thời gian không lấy đi của ông biệt tài chế tác nhạc cụ dân tộc và phong cách biểu diễn điêu luyện tạo ra những âm thanh trong trẻo. Hiện, ông biểu diễn thành thạo 6 loại nhạc cụ: Đing Kle, Goong, Đing Tak ta, Ky Păk, Prố và Sáo vỗ. Thuở nhỏ, Ae Men đã say mê với các nhạc cụ dân tộc, chỉ lắng nghe ông bà thổi thôi là Ae Men có thể bắt chước và thổi theo. Thấy con mình có năng khiếu muốn học thổi cái kèn, đánh cái chiêng, làm cái đàn nên ama của ông đã tận tâm truyền dạy, chỉ bảo, nhờ thế mà từ nhỏ Ae Men đã biết đánh điêu luyện từng tiếng sáo vỗ, từng nhịp chiêng. Giỏi chơi đàn, lại giỏi chế tác, cứ thế, ông luôn có mặt tại các lễ hội của buôn làng, từ lễ hội đâm trâu, rước ka-pan đến lễ đặt tên, mừng nhà mới… bà con đều muốn nghe tiếng Ky Pă, tiếng chiêng của Ae Men cất lên. Trong nhà Ae Men có đến vài chục nhạc cụ dân tộc, ông cũng không nhớ mình đã làm ra được bao nhiêu cây đàn, cây sáo nữa, chỉ biết rằng ở cái làng, cái xã này, mỗi khi có lễ hội, tết, hay cần cây đàn, cây sáo để thổi… đều nhờ đến bàn tay tài hoa của ông. Hầu hết nhạc cụ do ông làm ra không phải để bán, mà dùng trong các dịp lễ hội của địa phương và tập cho con cháu, thanh niên trong buôn mỗi khi rảnh rỗi. Những thanh tre, nứa, ống lồ ô hay quả bầu khô… luôn có sức hút mê hồn với ông.

Nghệ nhân Ae Men với cây đàn Goong do ông chế tác.
Nghệ nhân Ae Men với cây đàn Goong do ông chế tác.

Vốn là giáo viên tiểu học, dạy học tại trường của buôn, lồng ghép những buổi lên lớp, ông luôn truyền đạt cho học trò của mình kiến thức cơ bản về cây đàn Goong, đàn Prố… và sự quý trọng đối với nhạc khúc của dân tộc mình. Về hưu, thời gian rảnh rỗi, ông lại càng có điều kiện để thỏa niềm đam mê với việc chế tác nhạc cụ dân tộc để thổi, để đàn cho bà con và lũ trẻ trong buôn nghe. Điều làm ông thích nhất vẫn là việc truyền dạy lại cho thanh, thiếu niên trong buôn và trong vùng những điều mình biết, cách sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Mỗi chiều cuối tuần rảnh rỗi, trên ván nhà sàn, ông vẫn ngồi tỉ mỉ vót từng thanh tre, con cháu trong làng say sưa nhìn theo. Đội chiêng trẻ của buôn do ông trực tiếp truyền dạy, giờ cũng đã tự tin đi thi cùng với các buôn khác ở xã, ở huyện và đều đạt được giải thưởng cao. Riêng bản thân ông, cả ba lần dự thi chế tác nhạc cụ tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, dân ca dân vũ của tỉnh đều đạt giải A. Ae Men được ví như người thắp lửa đam mê và dìu dắt lớp lớp thanh niên chế tác, gắn bó với âm nhạc dân tộc, để những giá trị văn hóa của cha ông không bị thất truyền. Và chúng ta tin tưởng rằng, “bóng đa cổ thụ” ấy sẽ tiếp tục truyền nhịp sống bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho thế hệ trẻ buôn Kơ Bông, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.