Độc đáo lối kiến trúc Tây phương kế thừa từ văn hóa nhà dài
Dạo quanh một vòng TP. Buôn Ma Thuột, người ta không thể bỏ qua mà không ngắm hai công trình kiến trúc được xem là cổ kính và đẹp nhất ở đô thị này, bởi nó mang đậm phong cách, dấu ấn văn hóa nhà dài của người bản xứ, đó là Biệt điện Bảo Đại và Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột.
Biệt Điện Bảo Đại
Vào thời điểm 1925-1926, tòa nhà này được xây dựng bằng vật liệu sẵn có ở cao nguyên, là công sở của chính quyền Thực dân Pháp ở Dak Lak. Đến những năm 1927-1928, một số kỹ sư người Pháp đã thiết kế lại kiến trúc tòa nhà và xây dựng bằng bê tông hiện đại với quy mô lớn hơn rất nhiều, sau khi hoàn thành là chỗ ở và nơi làm việc của viên công sứ Pháp-Sabatier nên dân gian thường gọi là lầu ông Sứ. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1945-1954), ông vua cuối cùng triều Nguyễn đã cho tân trang lại nội thất và dùng làm nơi nghỉ ngơi mỗi lần công du lên Dak Lak. Từ đó người ta gọi tòa nhà này là Biệt Điện Bảo Đại.
Biệt điện Bảo Đại, điểm tham quan du lịch luôn thu hút du khách. |
Tòa Biệt Điện nằm trong khuôn viên rộng chừng 6 ha, có nhiều cây xanh cổ thụ và được coi là không gian đẹp nhất ở Buôn Ma Thuột, được xây dựng trên mặt bằng rộng 2.300 m2 , nền láng xi măng, cao gần 12 m trông như một bức tường thành hình chữ nhật uy nghi và bề thế. Nhìn tổng thể, dù được xây dựng hiện đại, nhưng tòa Biệt Điện vẫn giữ được nét hài hòa, phảng phất phong cách kiến trúc nhà dài truyền thống của người Êđê. Phía trước và sau tòa nhà, tùy không gian cụ thể được bố trí lan can hoặc ban công cho phù hợp. Phần nội thất, ở giữa tòa nhà chiếm một không gian lớn nhất, không ngăn cách ô, phòng… nhằm tạo cảm giác thoáng rộng như ngôi nhà dài bản địa; trong khi hai bên tả-hữu của tòa nhà vẫn được bố trí phòng ăn ở sinh hoạt thuận tiện. Tất cả phần nền nhà được lát bằng gỗ và phía dưới gầm nhà là những hàng cột bê tông vững chãi, như một “biến tấu” độc đáo của khung nhà dài bản xứ. Chính diện tòa Biệt Điện, cả phía trước và sau đều có cầu thang bằng bê tông đi lên, dẫu đã được cách điệu, nhưng ai cũng thấy rõ đó là hình ảnh của chiếc cầu thang gắn bó mật thiết với ngôi nhà sàn Tây Nguyên. Hiện tòa Biệt Điện Bảo Đại trở thành điểm du lịch văn hóa-lịch sử nổi tiếng của TP. Buôn Ma Thuột.
Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột
Tòa giám mục này nằm trên đường Phan Chu Trinh, cách trung tâm Ngã Sáu khoảng 600m. Vốn trước đây, từ năm 1953 là cơ sở của một bộ phận nữ tu Thiên chúa giáo dòng Penedichtin. Tác phẩm kiến trúc độc đáo này gắn liền với một con người đặc biệt - bà Boni Pacxo. Bà không những là một kiến trúc sư tài hoa, mà còn là một họa sĩ danh tiếng của nước Áo, đến Đông Dương làm công việc xã hội và từ thiện từ những năm 50 của thế kỷ trước. Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột là tác phẩm kiến trúc được bà hoài thai và sinh thành từ dấu ấn văn hóa nhà dài bản địa. Thời điểm Tòa giám mục đang trong quá trình thi công dưới sự chỉ đạo và giám sát của bà Boni thì Tu viện dòng Penidichtin chuyển về Thủ Đức-Sài Gòn. Sau khi công trình kiến trúc này hoàn thành được nhượng lại cho Tòa Giám mục Kon Tum. Đến năm 1967, Giáo phận Buôn Ma Thuột được thành lập thì sử dụng làm Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột cho đến ngày nay.
Đến thăm công trình kiến trúc tuyệt đẹp này, nếu không để ý thấy tượng Chúa Giê Su bị đóng đinh trên cây Thánh giá, thì ít ai có thể ngờ rằng đây lại là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo đến như vậy! So với Biệt Điện Bảo Đại thì công trình này khác hoàn toàn về lối kiến trúc và vật liệu xây dựng. Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói vẩy. Nhìn qua có cảm giác quen thuộc, gần gũi với ngôi nhà dài truyền thống. Có thể nói thánh đường này đã được “bản địa hóa” hết sức tinh tế và mỹ thuật. Vẫn là mô típ nhà sàn Tây Nguyên dài hàng chục mét, mái dốc, hồi nhọn… nhưng vách nhà được thiết kế bằng khung kính kín đáo và trang nhã. Tòa giám mục bao gồm nhiều dãy nhà nối tiếp nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Các dãy nhà thông nhau qua nhiều lối đi (như cầu thang) rộng khoảng 3m, cách đều nhau bằng gỗ phiến có mái cong rất thâm nghiêm và cổ kính. Hài hòa với kiến trúc của tòa nhà là cảnh quan chung quanh với nhiều cây xanh, vườn hoa, bể nước và hòn non bộ được bố trí vô cùng sinh động, nghệ thuật.
Có thể nói hai công trình kiến trúc độc đáo trên là sự kế thừa chọn lọc từ văn hóa nhà dài bản xứ, tạo điểm nhấn khá ấn tượng cho những ai đến thăm và tham quan đô thị trẻ, năng động phát triển trên cao nguyên Dak Lak hôm nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc