Buôn cổ - điểm nhấn ở huyện điểm văn hóa Krông Năng
Krông Năng là một trong những địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Êđê. Tại đây, cũng như nhiều dân tộc thiểu số bản địa khác ở Tây Nguyên, quá trình sinh sống của đồng bào Êđê trải qua nhiều thế hệ đã hình thành những nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên, ngày nay, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc ấy đang đứng trước nguy cơ mai một bởi nhiều nguyên nhân khác nhau…
Nhà dài truyền thống của người Êđê. |
Theo thống kê mới đây cho thấy, đồng bào Êđê ở Krông Năng hiện đang sinh sống ở 25 buôn được phân bổ rải rác ở các xã Ea Hồ, Ea Tóh, Cư Klông, Dliêya và thị trấn Krông Năng, trong đó nhiều nhất là xã Ea Hồ với 12/25 buôn. Hiện nay, ở hầu hết các buôn này đều đang có hiện tượng xen kẽ giữa nhà dài truyền thống với kiến trúc nhà theo nhiều kiểu hiện đại khác nhau. Nhiều gia đình người Êđê có đời sống cao đã xây dựng những ngôi nhà kiên cố khang trang với trang thiết bị, nội thất hiện đại… Cùng với sự “quay lưng” của chủ nhân đối với nhà dài truyền thống, lễ hội cúng bến nước của người Êđê cũng đang mất dần theo nhịp sống hiện đại. Việc lấy nước sinh hoạt tại các bến nước tuy vẫn được người dân duy trì ở một số buôn, nhưng nghi lễ, nghi thức cúng bái thì đã không còn được giữ đúng theo phong tục cổ… Theo ông Quách Thành, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng thì nếu tình trạng này cứ tiếp diễn theo mức độ tăng dần thì không bao lâu nữa, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê sẽ trở nên tốn kém và phức tạp hơn nhiều.
Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tại 12 buôn ở xã Ea Hồ, nơi người Êđê sinh sống lâu đời và tập trung đông nhất cho thấy: Trong tổng số 190 nhà dài được khảo sát thì số nhà giữ được cột nhà truyền thống là 146/190 nhà (chiếm 76,48%), 114 nhà có bếp lửa truyền thống, 38 nhà có ghế k’pan, 66 nhà có cầu thang truyền thống, 89 nhà có chiêng cổ, 150 nhà có ché cổ, 5 nhà còn giữ được hoa văn, 58 nhà còn giữ được khung dệt… Kết quả này đang khiến cho những người có trách nhiệm lo ngại khi nhiều nét đặc trưng văn hóa vật thể của cộng đồng người Êđê đã không còn được người dân quan tâm lưu giữ. “Chúng ta không thể trách bà con không còn mặn mà với văn hóa truyền thống, bởi thực tế họ không thể “ôm” những giá trị ấy mà sống được. Ngược lại, những người có trách nhiệm cần kíp phải “xắn tay áo” để lo chuyện bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc ấy nếu không muốn nó mất đi…” – ông Quách Thành chia sẻ.
Cũng bởi lo lắng trước thực trạng này, huyện Krông Năng đang xây dựng Đề án khôi phục, bảo tồn lễ hội bến nước, buôn cổ, nhà dài cổ Êđê trên địa bàn huyện. Trong đề án này, ý tưởng khá mới và được đánh giá cao, “táo bạo” chính là phục dựng và bảo tồn “buôn cổ”. Tuy nhiên, ông Quách Thành cũng tỏ ra dè dặt: Hiện nay chưa có bộ tiêu chí nào cho một buôn cổ của dân tộc Êđê do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do đó, cách hiểu đơn giản nhất của chúng tôi thì một buôn cổ của người Êđê là tập hợp một cộng đồng người Êđê gồm những gia đình mẫu hệ sống trong những ngôi nhà dài truyền thống còn giữ được những tập tục, lối sống, các tín ngưỡng dân gian…, đặc biệt là còn duy trì những lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng (nói chung là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể)… Để từng bước “hiện thực hóa” ý tưởng này, huyện Krông Năng cũng đã có kiến nghị lên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch giúp đỡ về chuyên môn trong công tác sưu tầm các giá trị “cổ” của người Êđê, đồng thời hỗ trợ thiết lập một bộ tiêu chí về nhà dài cổ, buôn cổ. Tuy nhiên, có thể đây là ý tưởng còn mới nên hiện tại vẫn chưa được những người có trách nhiệm quan tâm, phản hồi.
Ông Thành cũng cho biết thêm: Đề án này là một “hợp phần” nằm trong đề án chung về xây dựng huyện điểm văn hóa cấp tỉnh giai đoạn 2008-2012 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dẫu vậy nhưng đến thời điểm này, việc triển khai các bước phục dựng, bảo tồn buôn cổ vẫn chỉ mới dừng lại ở… kết quả khảo sát bởi nguồn kinh phí không đủ để triển khai tiếp. Yêu cầu tiên quyết để có được buôn cổ là phải giữ được hiện trạng các nhà dài cổ hiện tại. Tuy nhiên, một phần kinh phí nhỏ hỗ trợ cho các chủ hộ nhà dài để họ cam kết giữ nguyên hiện trạng và các vật dụng khác… cũng chưa được bố trí, chưa kể đến việc sưu tầm, phục dựng lại những nét văn hóa vật thể đặc sắc của nhà dài…
Có thể nói, việc huyện Krông Năng xây dựng Đề án khôi phục, bảo tồn lễ hội bến nước, buôn cổ, nhà dài cổ Êđê là vô cùng cần thiết trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một. Tin rằng, nếu Đề án được quan tâm triển khai quyết liệt thì buôn cổ sẽ là một trong những “điểm nhấn” quan trọng và đầy ý nghĩa của huyện điểm văn hóa Krông Năng. Đồng thời buôn cổ sẽ cùng với thác Thủy Tiên “kết nối” thành một tuôr du lịch hấp dẫn ở Krông Năng trong tương lai.
Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc