Multimedia Đọc Báo in

Tập quán canh tác hoa màu của người M’nông

11:03, 30/07/2012

Ngoài lúa là cây lương thực chính, người M’nông còn trồng nhiều hoa màu trên nương rẫy của mình để bảo đảm nguồn sống trong điều kiện nền kinh tế tự túc tự cấp. Chủng loại cây hoa màu khá phong phú như chuối, mía, ngô, cà, ớt, vừng, bầu, bí, mướp, dưa, khoai lang, sắn... Trong quá trình sản xuất, đồng bào dựa vào kinh nghiệm trong việc chọn giống, chọn đất, thời vụ, cách chăm sóc, bảo vệ mùa màng...bằng nguồn tri thức bản địa được tích lũy lâu đời.

Bà lão M’nông đang  phơi men làm rượu cần  và  thuốc lá.
Bà lão M’nông đang phơi men làm rượu cần và thuốc lá.

Đối với người miền núi, cây chuối có một vai trò quan trọng. Nó là giống cây có ích về nhiều mặt cho cuộc sống: hoa, trái làm thức ăn cho người; thân, củ làm thức ăn cho chăn nuôi; lá dùng để lợp nhà, gói đồ ăn, trải làm mâm. Ở các bon làng, hầu như nhà nào cũng có dự trữ món chuối chín. Khi đi rẫy về, trong chiếc gùi thường có vài nải chuối chín hoặc là cả một buồng chuối. Họ để dành trên gác bếp hoặc xó nhà để trẻ con khi đói bụng bẻ ăn dần. Khi có khách đến thăm bon làng, món ăn đãi khách không thể thiếu là những nải chuối chín hoặc vài khúc mía. Những lễ hội làng hoặc của từng gia đình, quả chuối cũng là thức ăn không thể thiếu. Khi đi dự lễ hội hoặc thăm hỏi nhau, người ta cũng thường mang theo buồng chuối, gùi mía. Theo tập quán canh tác của đồng bào M’nông, người ta bắt đầu trồng chuối lúc vừa đốt rẫy để cây hút nhiều chất tro, khi mùa mưa đến không được trồng nữa. Thời điểm trồng chuối từ đầu tháng cho đến trăng tròn là hợp, từ sau trăng tròn đến khi trăng khuyết trồng chuối không tốt.

Quà ngọt của rẫy.
Quà ngọt của rẫy.

Đốt rẫy xong, đồng bào bắt đầu trồng mía vì còn nhiều tro, khi trời mưa dầm họ không trồng được nữa. Trong tháng, từ sau trăng tròn cho đến khi trăng khuyết là thời gian thích hợp để trồng mía, từ đầu tháng âm cho đến khi trăng tròn không nên trồng. Ngô là cây lương thực quan trọng của người M’nông. Người ta cũng trồng ngô ngay sau khi đốt rẫy, rẫy cũ hoặc rẫy mới cũng thế. Làm như vậy chim, chuột không thấy dấu vết, đất còn tro bụi nên chúng không ăn được. Nếu trồng sau đốt rẫy, khi đã có mưa xuống, tro đã tan rồi chim, chuột tìm thấy dấu, chúng moi hạt ăn, ngô mọc không đều. Trong một đám rẫy người ta chỉ tra hạt từ một đến bốn năm ngày là thôi, nếu trồng lai rai sẽ bị chim, chuột moi ăn hết, không mọc được. Đợt thứ hai trồng ngô cùng với thời gian tỉa lúa, lúc bấy giờ chim, chuột có ăn thì nó chọn ăn hạt lúa, ngô sẽ mọc đều.

Cây cà và ớt không thể thiếu vắng trên nương rẫy. Người ta thường ươm cây giống con ở rẫy cũ rồi đem trồng trong rẫy mới vào lúc đầu mùa mưa. Hoặc dùng hạt giống cà, ớt trộn chung với lúa giống rồi trỉa cùng một lúc. Sau này khi làm cỏ lúa sẽ nhổ trỉa bớt cho thưa, trồng cách này để có cái ăn cho năm sau hoặc để năm sau nhổ trồng qua rẫy mới. Cà, ớt trồng bằng cây giống chỉ để ăn trong năm, qua năm sau cây sẽ chết, không thể thu hoạch được nữa. Còn trồng chúng bằng cách gieo hạt thì thu hoạch lai rai từ hai đến ba năm.

Cây kê và cây rừng được người ta trồng bằng cách gieo hạt giống của chúng vào vùng đất còn bụi tro, nếu không gieo kịp thời, nhất là lúc tro đã tan thì lũ kiến sẽ tha đi hết. Đốt rẫy xong, khi tro nguội là vãi hạt giống vào ngay, trời mưa không trồng được nữa. Vì việc canh tác hơi khó khăn nên hai loại cây này hiếm có trong các rẫy.

Bầu, bí, mướp, dưa là nguồn rau quả chủ lực cung cấp cho các gia đình. Người ta trồng chúng thành hai đợt. Đợt thứ nhất trồng sau khi đốt rẫy khi tro chưa tan, trồng cách này để có hoa trái ăn liền vào những tháng đầu mùa, khi mưa xuống là hết. Đợt thứ hai, người ta mang hạt giống của chúng trộn với lúa giống rồi trỉa chung cùng một lúc. Bằng cách này người chủ rẫy sẽ có bầu, bí, dưa, mướp để ăn vào những tháng cuối năm. Từ tháng giêng cho đến tháng tư, trên rẫy của người M’nông không còn một loại rau quả nào nữa. Họ phải đi hái rau trong rừng như rau biêp, rau rtấk, rau rtônh, đọt mây đắng, đọt mây nước, đọt mây song, đọt cây kè... để cải thiện bữa ăn. Các loại cây này cũng chỉ ăn vào mùa nắng, khi mùa mưa xuống chúng có mùi vị không ngon.

Khoai lang và sắn trồng không nhiều, người ta chỉ sử dụng những khoảnh đất thừa, chúng không thể trồng chung với lúa được. Cây sắn trồng xung quanh chòi và dọc bờ rẫy, khoai lang thì phải trồng vạc riêng vào nơi đất xốp, chỉ trồng vào đầu mùa mưa và một vụ trong năm. Cây dứa và cây sả trồng sát gốc cây to để khỏi choán đất trỉa lúa.

Người M’nông làm rẫy chủ yếu để trồng cây lúa, còn các hoa màu chỉ là phụ, vì rau cỏ, hoa quả có thể kiếm được trong rừng theo tập quán hái lượm. Tuy nhiên, đồng bào cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác cây hoa màu, lương thực khác ngoài cây lúa để cung cấp nguồn sống cho chính mình.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc