Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ea Tla gìn giữ nếp xưa

07:36, 26/02/2013

Mặc dù hòa nhập với cuộc sống hiện đại, nhưng đồng bào Êđê ở buôn Ea Tla, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) vẫn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hiện nay buôn Ea Tla có gần 40 nhà dài, 1 bến nước, 10 bộ cồng chiêng… Các phong tục tập quán tốt đẹp, các nghi lễ như: cúng bến nước, mừng cơm mới, mừng thọ… và nghề dệt thổ cẩm truyền thống được bảo tồn và phát huy. Trong buôn còn duy trì được 2 đội cồng chiêng (một đội của người lớn tuổi và một đội của thanh thiếu niên); ngoài việc được học đánh chiêng, các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên còn được tập bắn cung, bắn nỏ…

Ông Y Ruế Ajun, Buôn trưởng buôn Ea Tla cho biết: “Hằng năm chúng tôi thường tổ chức các nghi lễ theo phong tục truyền thống, đặc biệt là lễ cúng bến nước để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và cầu sức khỏe cho bà con buôn làng. Việc tổ chức các nghi lễ đã giúp người dân trong buôn thêm đoàn kết, nhớ về cội nguồn và thêm yêu bản sắc văn hóa, nâng cao ý thức gìn giữ truyền thống, nếp xưa của dân tộc…”

Cũng bởi có ý thức giữ gìn nếp xưa, nên người dân trong buôn luôn hồ hởi tham gia các nghi lễ và cùng nhau gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa về âm nhạc, ẩm thực, nghề truyền thống. Buôn Ea Tla đã được ngành Văn hóa huyện chọn làm điểm để khôi phục các lễ hội và mở lớp truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm. Qua thời gian học tập, dưới sự dìu dắt của các nghệ nhân lớn tuổi, có kinh nghiệm, hiện nay nhiều người dân trong buôn đều đã có thể đánh chiêng và dệt thổ cẩm một cách thành thạo. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm bền, đẹp, phục vụ cho sinh hoạt, lễ hội.

Có thể nói, buôn Ea Tla được xem là buôn “giàu có” về các giá trị văn hóa tại địa phương. Trong buôn có những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm như Y Ưng Bdáp - người biết sử dụng rất nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc và có một bộ sưu tập cồng chiêng, nhạc cụ hết sức phong phú. Ngoài ra, buôn còn có 10 nghệ nhân dệt thổ cẩm; 10 nghệ nhân hát ayray… Mỗi khi sinh hoạt cộng đồng hay địa phương tổ chức sự kiện văn hóa thì các “hạt nhân” này luôn sẵn sàng trình diễn, thể hiện tài năng nổi bật của mình, góp phần cho buổi lễ thêm phần vui tươi, sinh động, thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.