Multimedia Đọc Báo in

Bút ký

Ngồi nghe sương khói

07:41, 15/02/2013

Ở phố núi Đà Lạt, cái thực thể tự nhiên đối  lập với lớp lớp núi đồi kia chính là  hồ Xuân Hương. Tôi gọi hồ nước này là phần âm của đô thị so với phần dương đồi núi. Ở đó, có những ngày nắng đẹp đến hoang vu - cho dù ngay giữa thành phố, tôi thường ném mình vào nó để  tinh lọc mình trong không gian tự nhiên. Có một ngày, tôi nhận ra hồ nước này không phải là vật, thứ bất động, nó là một phần của cõi nhân gian... 

Người Đà Lạt nào mỗi ngày chẳng phải qua lại hồ Xuân Hương. Đã “ra phố” thì phải ngang nó, phải đụng, phải chạm, phải giáp mặt với cái hồ danh thắng đặc sắc xếp hạng Di sản quốc gia này…

ĐỜI

Thành phố  cao nguyên nhiều khi hình dung cứ như  nằm gọn trong một bàn tay, mà hồ Xuân Hương là cái rốn. Với đô thị này sự trùng hợp ngẫu nhiên cứ như  con người vậy, cái rốn là chỗ khởi sự  sinh sôi. Hẳn hữu ý mới có động tác khi tạo lập đô thị Đà Lạt, điều đầu tiên người ta làm là cố tạo lập ra một cái hồ.  Ngăn dòng suối Lạch lại, vào năm 1919, từ ý tưởng ngẫu hứng tuyệt vời của kỹ sư công chánh Labbé và viên công sứ Cunhac mà mãi đến thời điểm năm 2000 vẫn không thêm bất cứ đô thị Việt Nam nào nghĩ ra. Nay thì nhiều thành phố đã “sao chép” ý tưởng này. Suối Lat thành Grand Lac, rồi thành hồ Xuân Hương, như cách gọi đến ngày nay. Việc tạo một cái hồ quan trọng đến mức nó được chú tâm và triển khai bằng qui hoạch, tổ chức, thiết kế tử tế,  làm trước xây dựng nhà cửa, đường sá, đưa người lên ở… Ở Việt Nam có hai cái hồ là trái tim đô thị, là con mắt để cân bằng sinh thái và nhìn lại thế gian, thì cái này ở Đà Lạt của cao nguyên phương Nam, còn kia nằm ở hồ Gươm, Hà Nội, ngoài Bắc. Hồ Gươm trời tạo, còn hồ Xuân Hương người tạo, sáng tạo của con người…

*

120 năm đã trôi đi, nhiều thứ ở Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều ngoại trừ cái hồ Xuân Hương. Hồ này mùa trong mùa đục, theo hai mùa mưa nắng. Nhưng với ông già lưng khòm người Huế lưu lạc 95 tuổi luôn mang chiếc máy máy ảnh cũ nát trước ngực kia thì chính nó đã dung dưỡng gia đình ông đến thế hệ thứ ba. Mà chẳng riêng ông già chụp ảnh dạo kia, chiếc bàn bán thuốc lá, gánh nước đậu nành, lò bắp nướng, hay khoai lang lùi dưới bóng cây Samu tàn phai giữa đêm giá lạnh của những người  thiếu phụ thị dân… vẫn lặng lẽ một màu tảo tần, lao lực, thanh bạch. Tần tảo mà ngời ngời tự trọng, không làm điều ác, điều gian, điều hèn. Hai cái nhà hàng sang trọng Thủy Tạ và Thanh Thủy ngự  gần trăm năm kia nhiều người Đà Lạt sống cạn một đời vẫn chưa bao giờ đặt chân vào, bởi một bữa ăn nơi đó thường ngang bằng nửa tấn bắp cải, hoặc năm ngàn bông hoa hồng. Người Đà Lạt phần lớn l lương dân, sống chậm, khá hay giàu cũng tự nhiên, từ từ, đủng đỉnh. Mơ mộng làm con người hiền, khó ác, ít nham hiểm, và cũng ít tham lam. Thành phố không lớn, nhưng người Đà Lạt lâu đời sống “phố” hơn nơi khác, ít để ý tính đồng hương, đồng khói, nghĩa l không “làng hóa” phố. Người giàu nhanh, của cải nhiều là dân nhập cư mới, vài chục năm nay, có thế lực hoặc có cơ lực, hoặc thức thời; họ đến trước hết để mưu lợi chứ không phải vì yêu cái đẹp hay quí thương Đà Lạt. Người Đà Lạt “gốc thông” thì không thích ganh đua, và không thích hơn thua.                                                       

MỘNG

Cho dù bên trong các nhà hàng Thủy Tạ, Thanh Thủy, Bích Câu… ấy có “vĩ mô” đến thế nào đi nữa thì bên ngoài, nơi vệ cỏ ven đường những anh chàng thị dân hiền lành (hoặc lười lao động) vẫn cứ  tao nhã trò buông câu cho du khách Tây - Tàu trố mắt xem chơi, còn những đôi nam nữ  vẫn ôm chặt nhau để  khỏa lấp cái lạnh và thưởng thức hương vị của tháng năm đẹp nhất đời người. Nơi đây, vẫn là khu vực “bất  kiến tạo” như buổi ban đầu Ernest Hébrard - kiến trúc sư người Pháp - người xác lập đường hướng phát triển cho Đà Lạt từ năm 1924.  Hồ Xuân Hương trong mắt của Hébrard hay Lagisquet đều là “con ngươi” của Đà Lạt, là viên ngọc giữa thành phố thanh cảnh, rằng sự thật nếu không thì hồ Xuân Hương đã không có và không trở thành một tác phẩm đô thị, còn Đà Lạt đã không trở thành một thành phố  nổi tiếng nhanh và bền đến thế. Nhìn những  bóng thông ngàn soi xuống mặt hồ, hay những chiếc cầu lồi lơ thơ vươn ra mặt nước thì đích thị sản vật ấy của riêng Đà Lạt rồi. Không phải thế thì thi sĩ Hàn Mặc Tử vào mùa đông năm 1941 ấy không thể đủ chất liệu để có thể khái quát tâm hồn Đà Lạt đến độ có thể thách thức lâu dài tài hoa trong thế gian khi ông viết ra: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/  Và để xem trời giải nghĩa yêu”… Hồ Xuân Hương vẫn cứ tự nhiên gây luyến ái cho phố phường, xã hội nằm trên những đồi núi xưa ấy. Sẽ rất khó lý giải thế giới cảm xúc, như  hình ảnh vì sao có người rời xa Đà Lạt 50 năm sau trở lại vẫn cứ thích đứng bên chiếc cầu lồi  ở hồ Xuân Hương cùng con ngựa làm “người mẫu”  để chụp một tấm hình như đã chụp 50 năm trước. Lại có những người  khác, đến đây lại cố mang theo hình ảnh cây Mai Anh Đào đứng nơi bờ hồ trổ cái thứ hoa hồng tím soi xuống mặt nước mỗi  mùa nắng lạnh về để ra đi…                                

 *

Mỗi ai sau một chuyến đi xa, khi xe leo đèo Prenn đến lúc chạm vào cái hồ Xuân Hương chứa đầy mù sương này thì mới hả dạ: Vậy là đã về tới Đà Lạt!. Về với cái nơi chốn “ đi không nhanh, nói không hét, ăn không vội, sống không soi, và làm không cần để thật giàu. Thế nên những người thực ân tình với Đà Lạt, thường hay lo cho hồ Xuân Hương, như kiểu la toáng lên khi thấy tảo lam xuất hiện, hay  chuyện mấy cụ  “Thái thượng hoàng công thần” nhiệt tình đến mù quáng khi cả gan “non bộ hóa” hồ Xuân Hương: chở đá, đưa cây cổ thụ dưới sông Đại Ninh  nắng nóng nhiệt đới ở Đức Trọng về trồng khắp ven bờ. Người dân  phản ứng:  Ở núi mà còn “giả”  sơn  làm gì!  Nhiều năm trước chẳng hiểu sao một nhà đầu tư địa ốc ở Sài Gòn được phép giải phóng 15 ha ở bờ Nam hồ Xuân Hương, dọc đường Bà Huyện Thanh Quan để cất một chuỗi khách sạn, villa…. Ý tưởng  ít  khoa học này lập tức khiến người Đà Lạt phản ứng. Kết quả, “ý tưởng” trên bị hủy bỏ để trả không gian ấy về đúng với công năng thơ mộng trời định: dành cho hoa, cây xanh, và tình yêu.

Du khách Tây đi xe đạp giữa thành phố Đà Lạt thanh bình
Du khách Tây đi xe đạp giữa thành phố Đà Lạt thanh bình

*

Nhưng tôi vẫn cứ thích ngồi ở vệ cỏ ven bờ hồ Xuân Hương hơn mọi phương tiện khác khi vòng quanh nó. Như mọi người, tôi cũng dễ  cảm nhận về sinh cuộc  loạn nhịp của đô thị con gái này. Mà trước hết là hai hình bóng hiện hữu và làm nên giá trị dấu ấn thú vị cho đô thị cao nguyên: tháp bút của trường Lyceé Yersin viết khát vọng bay bổng của con người lên trời xanh ở  hướng Đông, và tháp chuông nhà thờ con Gà ở hướng Nam. Chỏm tháp con Gà thanh lịch đặc sắc, cùng tháp bút trường Lycée Yersin xưa cũng đang lép vế trước bao công trình bình thường khác hiện đang mọc lên. Ông kiến trúc sư tài hoa Nguyễn Văn Tất là công dân của Sài Gòn mà cứ sợ Đà Lạt “hoành tráng”, nghiện cao to, rẻ, bự. Xưa ta đứng góc nào nhìn cũng thấy nó, nay chỉ còn có thể thấy tí chút khi đứng dưới lòng hồ Xuân Hương này.

Tôi đã từng ngồi nhìn và lắng nghe tiếng vó  ngựa chở lúa ở Tuy Hòa (Phú Yên),  qua cầu Đà Rằng, rồi ngựa chở nho, hành tỏi qua tháp Chàm cổ  Hòa Lai ở xứ  Phan Rang, Ninh Thuận, nhưng sao vẫn cứ thấy tiếng vó ngựa lộp cộp ven hồ Xuân Hương ở cao nguyên Langbian này mới nhiều… “nhạc”. Tiếng vó ngựa miền Tuy Hòa, Phan Rang nặng trĩu sự lam lũ, chịu đựng, còn ở Đà Lạt cứ như  mang chất giang hồ lữ thứ, thanh tao, sang trọng. Vì thế có dạo người ta cấm xe ngựa chạy ven bờ, hồ Xuân Hương bỗng như… “chết”, cho dù đèn đường cao áp vẫn phủ đầy ánh sáng, là thế.

Tự thân hồ Xuân Hương đã là một tác phẩm siêu hạng của đô thị. Người ta kể có ông họa sĩ ở xứ này từng  đòi mang  tranh ra bờ hồ dựng giá treo lên  triển lãm ngẫu hứng để làm đẹp cho nó, nhưng bởi ngấy ngán  cái “vụ” phép tắc - tức phải xin giấy phép, đành thôi cuộc chơi tao nhã đó. Ở  đô thị này, hồ Xuân Hương là thắng cảnh cuối cùng cho đến ngày hôm nay mà đến chính người Đà Lạt muốn nhìm ngắm nó không phải mất tiền mua vé, sòng phẳng trước mọi người sang hèn, là địa chỉ  “phúc lợi”  đúng nghĩa cuối cùng. Riêng với tôi, một kẻ lang thang nhập cư,  chỗ này là chỗ sang nhất để tôi ngồi uống rượu, uống bát ngát càn khôn, uống trôi mọi phàm tục, và chọn làm nơi  tiếp đãi bạn hiền tứ phương khi dạt lên đây...

                                                             Nguyễn Hàng Tình

 

  

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.