Phiên chợ Tết vùng xa
Về chợ buôn Chàm (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) những ngày giáp Tết chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng lẫn thích thú khi được hòa mình vào phiên chợ cuối năm nhộn nhịp, đậm sắc màu hàng hóa và trang phục của người dân nơi đây.
Chợ buôn Chàm là chợ trung tâm cụm 3 xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao, nơi có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số gồm Tày, Nùng, Mường, Mông, Êđê… cùng sinh sống mỗi tuần họp 2 phiên vào thứ tư và thứ bảy. Mới 5 giờ sáng nhưng cái chợ nhỏ bên gốc cây Kơ nia đã tấp nập người mua kẻ bán. Bầu trời chưa có nắng nhưng những bộ váy áo truyền thống của người Mông, Tày, Mường, Êđê… đã kịp khoe sắc trong phiên chợ. Không chỉ người lớn mới dậy sớm đi chợ mà nhiều trẻ con cũng hối hả đi theo để được bố mẹ mua quà. Rảo bước một vòng khắp chợ ta mới cảm nhận được nét mộc mạc độc đáo của không gian náo nhiệt và sôi động, sự đơn sơ, bình dị nhưng rất gần gũi, thân thuộc của phiên chợ Tết vùng quê. Những sản phẩm được bày bán tại chợ mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, nào là trang phục thổ cẩm, lợn cắp nách, măng khô, mộc nhĩ hay những mớ rau xanh non, đọt mây, chuối, gùi mật ong ngọt lịm vừa được lấy từ rừng. Ông Lý Văn Trinh ở buôn Yang Hanh hồ hởi cho biết: “Để chuẩn bị cho cái Tết năm nay tươm tất vợ chồng tôi đã nuôi được đàn lợn con, hôm nay nghỉ đi làm nương mang lợn xuống chợ bán từ sớm để lấy tiền sắm Tết”. Người ta thường bảo, muốn tìm hiểu về đời sống, thậm chí là văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ, chợ không chỉ là nơi người dân mua bán các sản vật của địa phương mà còn là nơi để mọi người giao lưu, trò chuyện, gặp gỡ bạn bè, trao đổi tâm tình.
Trong phiên chợ Tết, nhiều người diện những bộ trang phục đẹp nhất để vừa mua sắm, vừa dạo chơi. Các mẹ, các chị sau khi bán xong con gà, mớ rau… lại qua hàng khác mua sắm quần áo, quà bánh, chuẩn bị Tết cho gia đình. Chị Phùng Thị Phía buôn Yang Hanh phấn khởi khoe: “Hôm nay mình đưa con gái ra chợ để mua cho cháu bộ quần áo mới và sắm sửa thêm một ít đồ nữa là có thể yên tâm ăn Tết”. Đi chợ ngày Tết có lẽ vui nhất là lũ trẻ con. Ở đó, chúng được ăn những món quà quê dân dã từ chiếc bánh đa, bánh rán, bao bỏng ngô thơm lừng hay được mẹ mua cho những món đồ chơi, hình những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu…
Có thể nói, hiện nay đời sống kinh tế thị trường đã phát triển, mức độ giao lưu buôn bán ngày càng tấp nập, nhưng ở nhiều vùng làng quê Việt, kể cả vùng núi cao, biên giới hay như xã vùng xa Cư Drăm này thì nét chợ quê vẫn còn khá nguyên vẹn. Bởi phiên chợ ngày Tết vào dịp cuối năm không chỉ đơn thuần là chuyện mua, chuyện bán mà nó còn là không gian thấm đẫm chất văn hóa, bản sắc dân tộc các vùng miền. Chợ biểu thị cho cuộc sống bình yên và tinh thần đoàn kết, là nơi giao thoa của nhiều nguồn văn hóa khác nhau, nơi người dân được trao đổi tâm tình và gửi gắm ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc