Công trạng của voi trong kháng chiến
Voi là người bạn thủy chung, nghĩa tình nhất của con người. Voi chẳng những giúp ích rất nhiều cho sản xuất, phục vụ cuộc sống hằng ngày mà còn giúp sức bảo vệ cuộc sống bình yên, chống lại giặc thù. Trong các cuộc kháng chiến của nhân dân ta, lực lượng voi ở Tây Nguyên cũng góp phần đáng kể vào việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường.
Đoàn voi tham gia chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Hạ Lào. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn) |
Đồng bào Tây Nguyên có truyền thống cách mạng, yêu nước, luôn sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Những gru săn voi, những chủ voi nổi tiếng ở Tây Nguyên đều hết lòng ủng hộ cách mạng bằng nhiều cách: dùng voi phục vụ chuyên chở hoặc tặng voi cho cách mạng để làm phương tiện vẫn chuyển lương thực, vũ khí. Tháng 10 năm 1946, vợ chồng Ama Kông tặng cán bộ cách mạng một con voi một ngà để chuyên chở lương thực, vũ khí. Vợ Ama Kông là Amí Liêng còn thúc chồng giúp cách mạng chống Pháp bằng cách tích cực ủng hộ nhiều lúa gạo thực phẩm, ngà voi ( để đổi lấy thuốc men) , lốp xe ô tô để làm dép và phao bơi vượt sông), năm 1954 ông bà đã được nhận một giấy khen của Bác Hồ kèm 50.000 đồng tiền thưởng. Trong những năm kháng chiến, bà Sao Thông Chăn còn là cơ sở bí mật của cách mạng, cung cấp nhiều thông tin, vật chất cần thiết và đưa voi vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội, góp công giải phóng quê hương Dak Lak. Bà Sao Thông Chăn đã từng huy động hơn 30 con voi và hàng trăm người làm thuê cho bà tham gia vận chuyển quân lương trong các chiến dịch: Plei Me, Chư Nghê (Gia Lai), Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ (Dak Lak), Dak Tô-Tân Cảnh, Dak Pét, Dak Glei (Kon Tum)... Với công lao to lớn đối với cách mạng, ngày 25-3-1990, bà vinh dự được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký tặng “Huân chương kháng chiến hạng Nhì”...
Voi vận chuyển lương thực. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn) |
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1952 nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã huy động cả hàng trăm con voi phục vụ tiếp tế cho bộ đội giải phóng An Khê. Thời chống Mỹ, lực lượng hậu cần quân giải phóng có cả một phân đội gồm 18 thớt voi với hơn 20 quản tượng dày dạn huấn luyện, điều khiển voi làm công tác vận tải phục vụ mặt trận. Một số thành viên của lực lượng vận tải không tốn xăng dầu này đã được thưởng huân chương chiến công cùng với chủ của nó. Nhiều chú voi ở Ea Súp (Dak Lak) đi sau đoàn quân giải phóng trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 tại Buôn Ma Thuột. Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, voi đã cùng với anh em dân công tải những viên đạn nặng 70 - 80 kg, góp phần giải phóng Buôn Ma Thuột.
Trong chiến tranh chống Mỹ, vùng Hạ Lào cũng có quan hệ mật thiết với vùng Tây Nguyên, Trường Sơn của Việt Nam. Thời khó khăn, gian khổ, voi của các bộ tộc Lào đã từ Tây Trường Sơn xuyên qua Đông Trường Sơn, giúp cho bộ đội thông tin liên lạc, mở đường, vận chuyển. Voi được bộ đội Pa Thét Lào và bộ đội Việt Nam sử dụng như phương tiện vận chuyển quan trọng nhất trong vùng núi rừng hiểm trở.
Cũng chính những chú voi ấy, sau giải phóng, nhiều năm liền, cùng với các nài voi chịu khó chịu cực vận chuyển hàng hóa, quân nhu cho các đồn biên phòng xa xôi, vì đường đến biên giới, nhiều nơi chỉ có voi mới cơ động được. Nếu như trong quá khứ xa xưa, voi đã cùng các nữ anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu ra trận thì trong lịch sử đương đại, con voi cũng có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến của dân tộc, chống lại kẻ thù, bảo vệ sự bình an của đất nước.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc