Multimedia Đọc Báo in

Chuyện vua Bảo Đại đi săn qua lời kể của người cận vệ

09:13, 25/04/2013

Những câu chuyện về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã được nhiều sách sử ghi lại, nhưng có những câu chuyện về Bảo Đại mà có lẽ ít người biết đến, đó là cái thú đi săn của vua Bảo Đại qua lời kể của ông Hoàng Nờ - người cận vệ theo hầu Bảo Đại trong 4 năm (1951-1954).

Cụ Hoàng Nờ - lính cận vệ vua Bảo Đại.
Cụ Hoàng Nờ - lính cận vệ vua Bảo Đại.

Sinh năm 1927 ở vùng quê Lý Hòa, Bố Trạch (Quảng Bình), năm 1949 ông Hoàng Nờ bị bắt vào lính, được đưa về Huế, rồi luyện tập bắn súng Tây, học đi đều ở đồn Mang Cá… Khoảng 3 tháng sau, ông được tuyển lên làm trong Đại đội danh dự Huế bảo vệ Đức Từ Cung trong thành Nội; 4 tháng sau thì được chuyển vào Đà Lạt theo hầu bảo vệ Đức Bảo Đại. Mới đầu ông cùng Trung đội đóng quân ở Dinh III, với biên chế 52 người, trong đó có 6 người ở tư thất để bảo vệ các bà vợ vua (bà Phi Ánh, bà Mộng Điệp và bà Vicky) mỗi bà 2 người lính cận vệ.

Vua Bảo Đại (người đứng giữa, mặc áo ngắn tay) trong một lần đi săn ở Buôn Đôn.
Vua Bảo Đại (người đứng giữa, mặc áo ngắn tay) trong một lần đi săn ở Buôn Đôn.

Trong 4 năm theo hầu vua Bảo Đại, ông Hoàng Nờ đã được tháp tùng nhà vua đi săn rất nhiều lần, ông không nhớ hết. Tại khu vực Dak Lak, vua Bảo Đại đã đặt chân đến nhiều cánh rừng: Buôn Đôn, Buôn Trấp, Lak, thác Dray Sáp… Hồi ấy, những cánh rừng ở Dak Lak muông thú nhiều vô kể, đặc biệt là cọp, voi rừng, min (bò tót – tức trâu rừng)… con nào con nấy rất to, nặng vài tạ chứ không hiếm như bây giờ. Cụ Nờ nói vua Bảo Đại rất gan dạ. Người khác nghe nói đến cọp thì sợ đến bạt vía; có vùng vì quá sợ cọp kinh quấy mà người dân còn lập miếu thờ “ông ba mươi” để chúa sơn lâm đừng quấy quá hại người. Nhưng vua Bảo Đại thì khác, có lẽ nghĩ mình là “thiên tử” nên ông chẳng sợ gì. Cọp càng dữ ông càng muốn săn, săn cho bằng được. Mỗi lần đi săn, vua thường cho một vài người thân cận đi cùng và một tiểu đội đi theo để bảo vệ vua cũng như mang thú săn được về. Vua Bảo Đại bắn súng rất chuẩn xác, khi vua nổ súng thì không có con nào thoát khỏi. Vua Bảo Đại có rất nhiều súng, những lần đi săn thường mang vài khẩu phù hợp với từng loại thú, như: súng bắn cọp, súng bắn nai... Vua không bắn nhiều, thường chỉ bắn một vài con trong mỗi lần săn. Cả đàn nai vài chục con nhưng vua chỉ bắn 1-2 con, còn riêng voi thì vua không bao giờ bắn mà chỉ bắt, dùng voi nhà làm mồi để nhử voi rừng, sau đó phun thuốc mê ngay để tránh voi kêu đồng bọn quay lại cứu. Các loại thú nhỏ như: heo rừng, nhím, sóc… vua không bao giờ bắn. Ông Nờ kể lần đó vua Bảo Đại nghỉ lại Hồ Lak rồi về Nha Trang, ông cùng với 4 người khác đi tắt về Đà Lạt trước theo đường đèo Chuối thì gặp voi đứng giữa đường. Tài xế bắn thì súng không nổ, lúc đó cả 5 khẩu trên xe đều không nổ, sau đó cả 5 người phải trốn đến 5 giờ sáng khi voi bỏ đi thì mới dám về, đến cầu Đạ Đờn thử lại súng thì rất kỳ lạ cả 5 khẩu đều nổ! Ông khẳng định, lúc đó nếu như súng nổ thì không ai trên xe sống sót mà quay về. Từ chuyện đó mà ông Nờ mới hiểu vì sao vua Bảo Đại không bao giờ bắn voi. 

Trong các loại thú mà vua Bảo Đại thích săn nhất là cọp. Khi buôn làng nào có người báo về là có cọp xuất hiện, về buôn bắt người, bắt heo gà của dân là vua Bảo Đại sẽ lệnh cho đến đó để hạ cọp. Những lúc như thế, ông Hoàng Nờ cùng với Trung đội mình phải xây chòi cao, đặt bẫy nhử là bò hoặc nai để dụ cọp. Khi cọp vào ăn mồi, vua đứng trên cao nổ súng bắn chết cọp. Những chuyến đi săn cọp trong rừng, sản phẩm thu được đều giao cho ông Tôn Thất Hội phụ trách xử lý và chế biến. Đối với cọp dùng để nấu cao phải đủ 5 con mới nấu. Cọp dùng để lấy da thì lúc vua bắn không để hư bộ lông. Khi bắn được cọp vua bắt phải đốt mấy sợi râu ở miệng cọp đi để tránh có người lấy những sợi râu ấy làm thuốc độc. Trong những năm phục vụ vua Bảo Đại, biết bao lần lăn lộn ở các cánh rừng Tây Nguyên, ông Hoàng Nờ đã chứng kiến vua Bảo Đại bắn hạ vài chục con cọp; có những con to đến vài tạ, phải 4 người lính khiêng vất vả mới lôi ra khỏi rừng được. Những chuyến đi săn dài ngày nhất là khoảng 1 tuần và bà Mộng Điệp là người được đi với vua nhiều nhất. Nếu đi săn ban đêm thì vua đi bằng ô tô, còn đi tham quan ban ngày trong rừng thì vua và bà Mộng Điệp cưỡi chung một con voi, theo sau  là 4-5 con voi chở lính cận vệ theo hầu. Vua Bảo Đại rất hiền toàn xưng hô là anh em, không bao giờ xưng mày tao, nên rất được lòng người. Do vậy, khi đi săn có thể ám sát vua rất dễ nhưng hầu như vua không bao giờ bị bắn cũng bởi lẽ đó…

Ông cũng đã có lần được ăn thịt cọp do vua ban cho đội lính cận vệ; con cọp to nhất mà ông từng khiêng lúc săn được từng sống đến 20 năm nên mùi của nó rất hôi, khi cọp xuất hiện đã ngửi thấy mùi hôi của nó rồi…

Trái ngược với sở thích đi săn của vua Bảo Đại, bà Từ Cung (Hoàng Thị Cúc) – mẹ của vua, là người hiền từ, nhân hậu lại ăn chay niệm phật và cho xây rất nhiều chùa. Bà thường khuyên can vua Bảo Đại chớ có sát sinh, nên mỗi lần vua chuẩn bị đi săn nếu bà biết được sẽ lên tiếng can ngăn.

Nhờ làm cận vệ cho vua Bảo Đại được hơn 4 năm nên ông Hoàng Nờ may mắn có được cuộc sống an nhàn. Khi vua đi nước ngoài một vài tháng ông cùng Trung đội của mình chỉ ăn, chơi, đánh bóng chuyền… Ông tâm sự: “Đời tôi có nhiều cái may lắm, có lẽ mình ăn ở hiền lành nên mới được thế. Được đi đây đi đó cùng vua, được ăn những món ăn của vua ngự ban, đó là điều không phải ai cũng được hưởng…”.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.