Multimedia Đọc Báo in

Tản mạn cùng Buôn Ma Thuột

21:20, 28/04/2013

Trải hơn 100 năm, từ thời thuộc Pháp, đến cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, rồi sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 1975 cho đến bây giờ, đô thị miền núi này luôn gánh vác và đón nhận những sứ mệnh đặc biệt mà ít đô thị nào ở cao nguyên Trung phần và cả miền Nam nói chung có được.

Lịch sử đã cho thấy điều đó, đô thị này trong thời “Hoàng triều cương thổ” là một trong những nơi để ông vua cuối cùng triều Nguyễn - Bảo Đại cùng quan quân triều thần đi về… ngẫm nghĩ cho thế cuộc suy vi khi thực dân Pháp đô hộ nước nhà. Đến khi  Pháp chính thức đặt ách đô hộ lên cổ người dân nước Nam thì Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm hành chính của tỉnh lỵ Dak Lak - nơi đặt bộ máy cai trị hà khắc của chính quyền thực dân để bóc lột và vơ vét của cải, tài nguyên vốn giàu có ở cao nguyên rộng lớn này. Từ đây những đồn điền được mở ra cùng với xương máu của hàng vạn “cu li” đổ xuống để làm giàu cho “Mẫu quốc Pháp”, còn bản thân nó vẫn xác xơ và heo hút nghèo trong tình cảnh bị cầm tù, giam hãm cùng bao nhiêu người yêu nước. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Mỹ bắt đầu thay chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam, gây ra không biết bao nhiêu cảnh chết chóc, ly tán trên mảnh đất này. Một lần nữa, quân dân cả nước đứng lên tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập dân tộc - và Buôn Ma Thuột đã trở thành một trong những chiến trường khốc liệt nhất, nhưng cũng anh dũng và hào hùng nhất để ghi tên mình vào mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh của dân tộc.

Không gian xanh trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia
Không gian xanh trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Đến nay, trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước thời hội nhập, Buôn Ma Thuột được coi là vùng đất có tính chất “bản lề” cho mọi sự thay đổi và phát triển. Đặc biệt là từ khi đô thị này được lựa chọn nắm giữ vai trò là Trung tâm kinh tế, văn hóa-xã hội của vùng Tây Nguyên từ năm 2010, thì các cấp chính quyền địa phương cũng như Trung ương đều tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Buôn Ma Thuột một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Ông Nay Phi La - Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá: các công trình công cộng, giao thông… phục vụ cho yêu cầu phát triển đang được quan tâm hàng đầu, từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị. Theo khảo sát và đánh giá sơ bộ của thành phố, mạng lưới giao thông (gồm các trục đường đối ngoại và  trục đường chính trong khu vực nội thành) với tổng chiều dài hơn 565km đã được thảm nhựa, hoặc bê tông hóa. Các trục đường Quốc lộ 14 (phía Bắc), Quốc lộ 26, 27 và đường vành đai phía Tây (đường Hồ Chí Minh) đi qua địa bàn Buôn Ma Thuột cũng được xây dựng đồng bộ: nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và điện chiếu sáng… Ông Hoàng Văn Mầm-Trưởng phòng Quản lý đô thị cho rằng, quỹ đất dành cho giao thông nói trên là không nhỏ, đáp ứng được tiêu chí đặt ra cho đô thị loại I như Buôn Ma Thuột. So với dân số gần 40 vạn người thì đây là tỷ lệ lý tưởng, không những thỏa mãn cho nhu cầu phát triển trước mắt, mà còn hướng đến tương lai lâu dài.

Hiện tại, việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị Buôn Ma Thuột đang được đầu tư, xúc tiến mạnh mẽ nhằm tạo tiền đề cho chủ trương quy hoạch và mở rộng thành phố trong những năm tiếp theo. Ngoài các công trình công cộng như quảng trường, hoa viên đã được tôn tạo đẹp đẽ và khang trang hơn, thì có hơn 40 tuyến vỉa hè được thay gạch lót mới, hơn 15 trục đường chính được thảm lại nhựa, góp phần làm cho bộ mặt thành phố trở nên phong quang, sạch đẹp hơn. Ông Hoàng Văn Mầm cho rằng, làm đẹp phố phường và thực hiện các tiêu chí môi trường, cảnh quan đặt ra cho Buôn Ma Thuột xứng tầm loại I là công việc quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh việc hoàn thiện dự án nước thải sinh hoạt trên địa bàn 5 phường trung tâm thành phố và đang tích cực triển khai dự án này (giai đoạn 2) cho 8 phường còn lại nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề vệ sinh môi trường, chính quyền thành phố đã phê duyệt nhiều dự án xây dựng thêm một số công viên, hoa viên để tăng mật độ cây xanh, cũng như tỷ lệ phục vụ tiện ích dân sinh (tính trên đầu người thành phố) theo hướng cao hơn và tích cực hơn. Ngoài 15 công viên, hoa viên lớn nhỏ được quy hoạch, xây dựng phù hợp trong thời gian qua, sắp tới thành phố chủ trương xây dựng thêm công viên Tân Thành (khu vực đường Y Ơn đến Công ty Vận tải cũ), công viên Hồ Chí Minh (khu vực đường Phạm Hồng Thái - Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Công Trứ - Lê Duẩn) để cùng với khuôn viên của Biệt điện Bảo Đại, Đài liệt sĩ… hình thành nên chuỗi “không gian xanh” liên hoàn và ấn tượng dọc đại lộ Lê Duẩn. Một khi các công trình trên hoàn thành sẽ góp phần tăng thêm diện tích cây xanh được tính trên đầu người khoảng 20 m2/người (hiện nay là 18,8 m2/người) - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các đô thị khác cùng cấp trong cả nước.

Về cấp nước, điện chiếu sáng đã có sự đầu tư đáng kể, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Đến nay, thành phố đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình cấp nước sạch bằng nguồn vốn do Đan Mạch tài trợ với công suất thiết kế 49.000 m3/ngày đêm; hơn 90% dân ở nội thành được cấp nước sạch với tiêu chuẩn đạt hơn 132 lít/ người, dự kiến đến năm 2015 tỉ lệ này được nâng lên 100%. Cả 21 xã, phường có gần 350 km đường giao thông được chiếu sáng, trong đó các tuyến phố trung tâm và các trục đường chính tại nhiều khu vực ngoại ô được chiếu sáng 100%. Thành phố phấn đấu trong năm tới, hệ thống điện chiếu sáng sẽ được mở rộng đến tất cả đường nội bộ và khu dân cư vùng ven.

Có thể nói, đây là những cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng, vững chắc ban đầu để Buôn Ma Thuột phát huy sức mạnh và sứ mệnh của mình, trở thành một đô thị hiện đại, giàu bản sắc trên vùng đất cao nguyên này, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng, đóng vai trò động lực phát triển mạnh mẽ cho cả khu vực Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong tương lai rất gần.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.