Multimedia Đọc Báo in

Hương vị của rừng

16:55, 24/06/2013

Dạo này, thực khách đến Buôn Ma Thuột - Dak Lak đã ít dần người gọi các món đặc sản “thời thượng” như chim, thú rừng vì nhiều lẽ: hoặc là bị cơ quan chức trách nghiêm cấm, hoặc là vì kém tươi ngon và không đảm bảo vệ sinh an toàn như trước. Thay vào đó, họ hướng đến các món ăn (nhậu) được chế biến từ các loại rau, củ, quả rừng dân dã hơn. Và không biết từ lúc nào, hương vị của rừng đã hấp dẫn, để lại ấn tượng khó quên trong lòng thực khách.

Từ bữa ăn trong nhà...

Trong bữa ăn gia đình của người Êđê, J’rai, Sê đăng…thường có tô canh cà đắng, đĩa lá mỳ (sắn) xào. Còn người M’nông, K’ho thì không mấy khi thiếu đọt mây, là bép nấu với bột gạo. Những thứ ấy người ta lấy từ rừng về nên thân thiết và gần gũi lắm. Từ già đến trẻ, đàn ông hay đàn bà đều có thể chế biến được. Ví như quả cà đắng thì chẻ ra làm tư, ngâm muối một lúc rồi nấu nhừ với cá, thịt đều được. Lá mỳ trước khi xào phải dùng tay vò cho thật nát để bớt đi mùi hăng hắc, đến khi ăn mới có vị béo và ngai ngái đắng. Còn đọt mây, nhất định phải nướng lên, tước ra từng sợi nhỏ, hoặc giã chung với là bép nấu lên cùng bột gạo… Tất cả những hương vị từ rừng ấy đem lại cho người ăn cảm giác đắng – nồng – ngọt - bùi nơi đầu lưỡi. Với khách lạ, khi được mời thưởng thức những món này thì hương vị của nó càng đậm đà, ấn tượng thêm.

Canh cà đắng  và các món được chế biến từ rau rừng  là những món ăn mà người Êđê mang đi tham dự Cuộc thi ẩm thực được tổ chức tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (tháng 3-2013).
Canh cà đắng và các món được chế biến từ rau rừng là những món ăn mà người Êđê mang đi tham dự Cuộc thi ẩm thực được tổ chức tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (tháng 3-2013).

Và cũng chính vì sự độc đáo trong ẩm thực của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên này khiến nhiều người nhớ, thậm chí “ghiền” khi có dịp trở lại đây. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân có lần nói rằng: bạn bè ông, từ trong Nam ra ngoài Bắc lên Buôn Ma Thuột đều có nhu cầu thưởng thức bằng được các món ăn dân dã này. Nghệ sĩ Vũ Lân quê gốc Hà Nội mê các món cà đắng, đọt mây, lá mỳ… từ dạo còn lang thang đi điền dã để nghiên cứu, sưu tầm văn hóa người bản địa. Và như nghệ sĩ này cho biết, văn hóa ẩm thực của các tộc người ở cao nguyên Dak Lak cũng dần trở thành đối tượng nghiên cứu của ông. Tất nhiên, khi đã mê cái hương vị của núi rừng kia, ông không quên giới thiệu, quảng bá với bạn bè - và họ ăn một vài lần rồi cũng mê như chính ông vậy. Hoặc giả như anh K’Pá Simon - Đài TNVN (cơ quan thường trú tại Tây Nguyên) cũng thừa nhận: những món ăn của đồng bào mình có sức lôi cuốn kỳ lạ, ai đã ăn một vài lần đều nhớ mãi. Nhiều đồng nghiệp của Simon từ nơi khác ghé thăm, hoặc đi công cán ở Buôn Ma Thuột, anh đưa về nhà chiêu đãi món của rừng: canh cà đắng, đọt mây, lá mỳ xào… Ban đầu, khách ăn vào không quen cảm thấy ngại, nhưng qua vài lần thì quen và bảo rằng “ngon đến ngỡ ngàng”!. Nhiều món ăn từ hương vị của rừng ở nhà Simon đã trở thành thương hiệu, bởi nó được chế biến từ đôi bàn tay của chính chủ nhân. Simon tâm sự: dù ở phố, nhưng nấu canh cà đắng, nhất thiết anh phải nhờ người tìm cho được các loại lá rừng: Hdang re có vị ngọt, lá Dyam bal có vị chát và lá Pung yao có vị chua để hòa chung với vị đắng của cà thì mới ra món ngon trọn vẹn được. Bởi kỳ công và chăm bẵm cho món ăn như thế, nên khi thực khách buông đũa đứng dậy vẫn còn đọng lại dư vị đăng đắng, nhưng ngòn ngọt nơi cổ họng.

Rau rừng ra phố

Từ món ăn bình dị trong bữa cơm của hầu hết các gia đình người dân tộc thiểu số ở buôn làng Tây Nguyên, đến nay nó được đem ra phố phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thực khách. Nhất là các món rau rừng hiện đang được nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng ghi danh vào thực đơn dưới nhiều tên gọi mỹ miều (cà đắng um thịt hộp, thịt ba chỉ và các loại cá, nộm lá mỳ cuốn bánh tráng, rau rừng chấm kho quẹt, đọt chuối rừng trộn da heo và bột gạo…). Cầm thực đơn trên tay, chắc rằng thực khách đều muốn một lần gọi các món trên để thử! Bà H’Linh - chủ nhà hàng, khách sạn Yang Sing (đường Trần Nhật Duật - Buôn Ma Thuột) cho biết: nhà hàng, khách sạn này đã mời những đầu bếp tài nghệ trong buôn Akô D’hông, buôn Bông ra nấu nướng, nên hương vị các món ăn ở đây vẫn giữ được tinh túy truyền thống, dù có gọi tên dưới hình thức khác. Ngoài nhà hàng Yang Sing ra, Buôn Ma Thuột còn có những địa chỉ nổi tiếng với món rau rừng khác như Bến Nước, Khu sinh thái Akô D’hông, Suối Tiên (đầu đường Tuệ Tĩnh), Bình Thường Quán (cuối đường Y Ngông)… cũng được nhiều thực khách tìm đến thưởng thức.

Điều đáng nói ở đây là một khi những món ăn từ các loại rau, củ quả rừng được nhiều người ưa thích, có nhu cầu thì hẳn nhiên phải có nguồn cung cấp thường xuyên. Thế là nhiều gia đình người dân tộc tại chỗ sống được với vốn văn hóa ẩm thực của mình. Mý Diếp ở buôn Bông - xã Cư Êbur chia sẻ: Mý và một số người ở đây được mời ra phố đứng chân đầu bếp hàng tháng cũng có thu nhập vài triệu đồng. Nhiều gia đình, ngoài công việc nương rẫy ra, họ vào rừng tìm hái các loại rau như Dầm tang, Hdang re, Dyam pal, Pung yao… bỏ mối cho nhà hàng, khách sạn để kiếm thêm thu nhập. Có những nơi như Ea Nuôl - huyện Buôn Đôn, Ea Kao, Ea Tul – TP. Buôn Ma Thuột, người ta làm vườn chuyên trồng các loại rau rừng này để bán. Đây cũng là nguồn sống của nhiều gia đình biết nắm giữ và phát huy vốn văn hóa ẩm thực của dân tộc mình khi thực khách ngày càng biết đến và ưa thích thưởng thức món ăn từ họ mang lại.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.