Luật tục Tây Nguyên với vấn đề hôn nhân và gia đình
Ra đời từ khi xã hội chưa có sự phân chia giai cấp, cũng chưa thoát khỏi “ cái bóng” của chế độ mẫu hệ nguyên thủy, không hề được ghi lại bằng bất cứ văn bản hay văn tự nào, nhưng luật tục truyền miệng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đều có những chương, điều quy định về vấn đề hôn nhân cũng như thái độ ứng xử của mỗi thành viên trong cộng đồng đối với gia đình của mình.
Nói về hôn nhân, trong luật tục Êđê (chương V) có 127 điều; luật tục Jrai vùng Cheo Reo và Plei Ku (chương IV) có 12 điều; luật tục Jrai vùng Chư Păh (chương III) có 10 điều; luật tục M’nông có 49 điều (chương V)… đều quy định rõ từ việc trai gái tìm hiểu nhau, đến trao vòng đính ước, thách cưới, rồi lễ cưới, cả việc ngoại tình, ly hôn, cưỡng dâm... như thế nào là vi phạm và cách thức xử phạt. Bỏ qua những yếu tố tiêu cực như tục nối dây (cuê nuê) thì hôn nhân trong luật tục các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên có rất nhiều điều đáng quan tâm.
Lễ cưới của người M'nông. Ảnh: T.L |
Trước hết là tự do tìm hiểu: Luật tục Êđê ở điều 95 về việc đính hôn và từ hôn quy định rõ không có sự cưỡng ép: “Trâu bò không ai ép thừng/ trai gái không ai ép duyên/ Nếu trai gái ưng nhau tự họ sẽ cầm lấy vòng”.
Điều 3 trong chương hôn nhân và gia đình, luật tục M’nông căn dặn đôi trai gái yêu nhau: “Phải thăm dò bà con trong làng/ Người ấy đã có ai hỏi/ Hỏi kỹ mới trao vòng”.
Vòng đồng đính hôn đã trao, nghĩa là hôn ước đã được công nhận. Giàng (thần linh) đã chứng kiến lời thề thiêng liêng hai bên cam kết, đã được phép của gia đình cho tìm hiểu, nếu ai bội ước “vòng đeo tay bên phải nó không muốn nhìn” sẽ phải đền bù danh dự cho phía bên kia. Sau thời gian tìm hiểu nhau, không có bất cứ một sự phản đối hay rắc rối nào xảy ra, cô gái sẽ phải lo lễ vật để dẫn cưới. Luật M’nông quy định rõ, ngoài các lễ vật khác, trước khi đi rước rể “bên nhà gái nướng một heo và một ché/Trao cho cha mẹ chồng cơm nếp và một dây hạt cườm/Khi về đến nhà chồng một heo một rượu”...
Tuy nhiên, nhất định không được kết hôn trong cùng một dòng họ, vì như thế là loạn luân, sẽ khiến cho các vị thần linh nổi giận, phạt lây đến cả cộng đồng buôn làng: “Gió bão sẽ cuốn buôn làng/ Sét sẽ đánh sạch nhà cửa”; các Giàng còn làm cho “đất đai khô hạn/Ngô lúa chết khát chết khô/Thú rừng, sâu bọ chết đói/dưa chuột rụng/Dưa hấu thối/cây cối không mọc được/Vì thế chúng bị đem ra xét xử”.
Đám cưới người Êđê. Ảnh: Linh Nga |
Tiếp theo là những quy định để gìn giữ tính bền vững của hôn nhân, ở luật tục Êđê nói:“Lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết/Chớ có ban đêm nói thế này/ban ngày nói thế khác”. Còn luật tục J’rai thì nhắc nhở: “Đừng có dẫm lên chiếu/ đừng có bước qua cửa phòng người ta/ Cốc nước phải cầm, cái bến phải giữ” (người Tây Nguyên rất coi trọng nguồn nước, bến nước, nên ví hôn nhân như bến nước phải gìn giữ). Hoặc “mỗi người đã có một đống củi để sưởi/một con vẹt để nhìn”... chớ nên để ý, quan tâm đến vợ (hoặc chồng) của người khác, nhà khác.
Luật tục M’nông quy định sống cùng nhau phải có sự kiên trì, khó khăn cũng đừng quản ngại: “Khi lạt muối đừng bỏ nhau/Bị thiếu ăn đừng bỏ nhau/bị cháy nhà đừng bỏ nhau/Khi có nợ nần đừng bỏ nhau”.
Nếu xảy ra việc bất hòa giữa vợ chồng thì hai bên phải tìm hiểu và sửa chữa, chứ không được bỗng chốc mà bỏ nhau: “Ching không kêu ta sửa một ngày/ Gong không kêu ta sửa một ngày/ Voi còn bướng ta tập một ngày”. Khi “voi đã được xiềng, chiêng đã treo”, trường hợp hãn hữu lắm mà phải ly hôn, bất cứ là phía nào, người gây chuyện sẽ phải bồi thường gấp đôi những gì đã đưa ra trong lễ cưới: “Đền thịt, đền rượu/đồ vật một nó phải trả hai/Chém con trâu làm lễ ly hôn/ Trả Rlung (ché quý) mới được bỏ vợ bỏ chồng”... Lúc đó “cái vòng đồng đúc sẽ được tháo ra, cái vòng đồng dây sẽ được cởi ra, ngựa voi mỗi con sẽ đi ăn một ngả”.
Đã có những quy định rành rẽ này nên việc ngoại tình của những kẻ “thèm bông hoa tông mông, thèm con diều có đuôi dài” bị coi là rất xấu xa, là kẻ có tội rất nghiêm trọng. Vì “dao có rồi còn đi kiếm sắt/Cơm có rồi còn đi kiếm lúa/Cá có rồi còn đi bắt nữa”. Khi cưới “cha nó người ta đã cho một lợn đực. Mẹ nó người ta đã đưa một lợn cái”, vậy nên ngoài việc “phải trở về làng bồi thường”, còn nghiêm trọng hơn là “đã gây ra chuyện thì sẽ bị mất mạng”. Điều này đủ thấy sự khắt khe của luật tục đối với tội ngoại tình.
Ngoài ra, luật tục các dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn có những quy định cụ thể về việc vợ chồng không có con cái, nhận con nuôi thì ngoài việc cả dòng họ phải coi đó như con đẻ, mà còn khi qua đời của cải cũng phải chia cho như những người con cháu khác. Hay đối với những người bị chết vợ hoặc chồng, nếu không chịu nối dây, sau một thời gian sẽ được lấy người khác, để có người chăm sóc. Trong đó cũng có những quy định xử phạt theo mức độ những kẻ đánh vợ, những phụ nữ lén lút phá thai...
Trong luật tục Êđê, khi mở đầu chương VI nói về mối quan hệ cha mẹ - con cái đã khẳng định: “Có dưa có bắp là có người trồng/Có con cái là do cha mẹ sinh ra/có người phải được coi trọng”. Luật tục M’nông ở phần quy định hôn nhân - gia đình cũng có lời nhắc nhở: “Mẹ cõng mới còn/ Cha cõng mới còn / Mẹ nuôi từ nhỏ, cha nuôi đến lớn”; suốt đời chăm lo cho con cái cho đến khi: “Tóc cha mẹ đã bạc/Hai gò má đã nhăn/Hàm răng đã rụng cả/ Lưng đã gù”. Do đó mà con cái có nghĩa vụ phải chăm sóc lại khi cha già mẹ yếu; nếu vi phạm điều này là người có tội, phải bị xem xét mức độ vi phạm. Còn luật tục Êđê cũng chê trách loại người: “như ngọn cỏ muốn vươn cao hơn cây lau/ Như cọng tranh muốn vươn cao hơn cây sậy/Như thú rừng muốn vọt cao hơn lùm cây êjung” và luật tục J’rai cũng không tha thứ cho những đứa con vô ơn, thờ ơ với cha mẹ:“Khi uống rượu ngon nó quên/ Ăn trâu, uống heo nó không nhớ tới bố mẹ đẻ”... chỉ như vậy thôi “chúng đã là người có tội”. Còn nếu chúng là kẻ không biết nghe điều phải trái, lười lao động: “Củi không đi lấy/rẫy không đi làm/cối chày không đụng đến” để giúp đỡ cha mẹ, thì đến “chị em hắn cũng chẳng ai còn muốn cưu mang”. Đặc biệt là những đứa con mắc tội bạo hành với cha mẹ: “khi có bắp chân to nó dẫm lên cha/Có đùi to nó đạp lên mẹ” thì dứt khoát “là kẻ có tội, phải đưa ra xét xử” (luật tục Êđê). Những đứa con bỏ bê cha mẹ lúc ốm đau cũng sẽ bị luật tục Êđê truất quyền thừa kế. Nếu đã từng được chia thì phải “trả lại phần của cải của mẹ cha để lại”. Thậm chí “muối thừa, lúa thừa, cơm thừa, bầu bí và gia súc nó không được hưởng”. Trong hoàn cảnh đó, gia đình tất dẫn đến cảnh suy sụp: “làm gì có đủ của mà đền/Con cháu bị bắt đem đi bán/ hoặc là ở đợ cho người ta” (luật tục M’nông).
Những quy định và viễn cảnh đó chắc chắn không chỉ là sự răn đe, mà còn khẳng định nguyên tắc ứng xử của cộng đồng, mọi thành viên đều bắt buộc phải tuân thủ.
Luật tục các dân tộc Tây Nguyên không chỉ quy định hiếu đễ với cha mẹ, mà còn cả thái độ ứng xử đối với ông bà, với người già trong buôn làng: “Cha mẹ như cái rẫy mới/ ông bà như cái rẫy cũ”, con cái phải luôn luôn chăm sóc mới bảo đảm một đời sống ổn định; nhất là không được “hỗn láo với ông bà”. Trách nhiệm của các con cháu là: “Đừng bỏ ông bà/Phải nuôi cho đến già mới chết”, bởi vì “bỏ người già làm họ tủi thân” (luật tục M’nông). Theo luật tục J’rai thì “lời nói át lời người già” cũng giống như “con chim bay qua bẫy/con sóc nhảy qua bẫy” không thể vượt qua được.
Các bộ luật tục cũng quy định rõ nghĩa vụ của cha mẹ không chỉ là nuôi nấng mà còn phải dạy dỗ con cái nên người. Lỗi lầm của con cháu, tùy theo hành vi và mức độ vi phạm mà cha mẹ cũng phải là người cùng chịu trách nhiệm. Trước hết là việc dung túng những hành vi sai trái của con cái cũng sẽ giống như việc “nuôi heo thả rông ủi hết khoai non/Nuôi bò thả rông ăn sạch áo quần/Nuôi voi thả rông ăn sạch chuối mía...”. Nhất là nếu đứa con ấy phạm tội ăn cắp mà cha mẹ làm ngơ thì “cha mẹ có tội, anh em có tội” cũng sẽ bị cộng đồng đem ra xét xử; thậm chí nặng thì còn bị “chịu phạt thu trâu và ché/ thu sạch cả kho lúa trong nhà” (luật tục M’nông). Những người làm cha mẹ như vậy bị xã hội lên án: “khác nào con chim ngói tìm theo nắng/Con chim két tìm theo gió” và chắc chắn sự đồng lõa ấy “phải đưa ra xét xử giữa họ với những người khác” (luật tục Êđê).
Có thể nói, cho dù không có một tòa án chính thức nào của “chính quyền buôn làng”, cũng không có sự huấn thị giáo lý thường xuyên của các vị chức sắc hoặc các già làng, các bộ luật tục cũng không hề có văn tự, nhưng luật tục Tây Nguyên sử dụng toàn bộ những lời nói vần vẫn được lưu truyền trong trí nhớ thông tuệ của các già làng, được toàn thể cộng đồng tuân theo một cách tự nguyện.
Luật tục Tây Nguyên ra đời trong một xã hội chưa phân chia giai cấp, do trình độ dân trí, do mẫu hệ, có những điểm ngày nay không còn phù hợp, nhưng một số những quy định về hôn nhân, gia đình, đọc lại vẫn nhận ra giá trị ràng buộc, bảo đảm sự bền vững của một gia đình, của cả cộng đồng mà không phải hương ước của vùng nào cũng có.
Linh Nga Niê Kdam
Ý kiến bạn đọc