Multimedia Đọc Báo in

Nỗi buồn đàn goong...

09:01, 12/07/2013

Cũng giống như những dân tộc bản địa khác sinh sống trên địa bàn huyện Ea Súp, người dân tộc J’rai cũng mang trong mình nét văn hóa độc đáo về nhạc cụ dân tộc. Nếu chiêng được sử dụng nhiều trong các lễ hội lớn như lễ bỏ mả, mừng cơm mới…, đàn t’rưng, kơni được sử dụng trong những dịp lên nương rẫy thì đàn goong lại được sử dụng nhiều trong những đêm tâm tình của các đôi trai gái.

Đàn goong của người J'rai.
Đàn goong của người J'rai.

Trong tiếng đàn goong thánh thót cất lên, ông Y Te Hra (buôn Ea Mtha, xã Ea Rôk) giới thiệu chi tiết về chiếc đàn độc đáo của dân tộc mình: Để làm một chiếc đàn goong không khó, trước tiên cần chọn một ống lồ ô thật già, hong khô trên gác bếp lửa; cần từ 1-2 quả bầu khô, to, tròn được lấy ruột phơi khô, 8-12 dây kẽm hoặc dây đàn ghi ta và một ít tre hoặc gỗ để làm tai đàn. Một cây đàn goong có chiều dài từ 0,8-1m; độ dài ngắn tùy theo sở thích và thẩm mỹ của từng người. Cây đàn goong ông đang sử dụng có chiều dài 1m; 2 đầu được gắn 2 quả bầu khô giúp âm thanh của đàn được to và trong hơn so với 1 bầu. Để sử dụng được đàn goong, người học phải luyện tập ít nhất từ 2-3 tháng để quen với các nốt trầm bổng của cây đàn và sau đó mới bắt đầu học và đánh theo các bài hát tâm tình mà các già làng thường đánh. Ông Y Te Hra tâm sự: “Ngày xưa tiếng đàn goong có mặt ở mọi nơi, theo bước chân các chàng trai, cô gái trên đường đi nương rẫy, kề bên nhau tâm sự trong ngày lễ hội ở buôn làng. Thời đó hầu như trai làng nào cũng biết chơi đàn goong, nhưng giờ cả làng chỉ có ba người biết chơi loại nhạc cụ này và cả ba đều đã bước sang tuổi già từ lâu. Thanh niên bây giờ thích chơi đàn hiện đại, không ai học chơi đàn t’rưng, đàn goong… nữa”. Chuyện một người già như ông vẫn duy trì thói quen đi đâu cũng mang theo đàn, chơi đàn, uống rượu, có khi chơi tới sáng đã thành hiếm hoi lắm rồi.

Cũng như ông Y Te Hra, ông Y Blứt Siu (trú tại đường Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Ea Súp) cùng chung tâm sự và những nỗi niềm về sự thiếu vắng dần của tiếng đàn goong. Ông Y Blứt Siu đã cho chúng tôi xem cây đàn goong được ông làm từ rất lâu rồi, với chiều dài khoảng 80 cm, có 12 dây và một quả bầu được gắn cẩn thận phía dưới. Ông biết chơi đàn goong khi bước sang tuổi 15. Qua những buổi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng nơi buôn làng ông đã bị tiếng đàn goong hút hồn và quyết tâm phải học cho bằng được. Ban đầu do chưa quen các nốt nhạc, phải học gảy nhiều nên các đầu ngón tay bị đau do tiếp xúc nhiều với dây đàn, nhưng sau 2 tháng thì điều đó không còn là trở ngại đối với ông nữa. Thời thanh niên trai trẻ ấy là những ngày tháng đẹp nhất trong cuộc đời của ông: Trong tiếng đàn goong thánh thót, từng đôi trai gái ngồi bên nhau quanh bếp lửa, các cô gái nhẹ nhàng trải chiếu, mang những quả bầu chứa nước ra mời các chàng trai đang say sưa đánh lên những khúc tâm tình và cũng nhờ tiếng đàn goong mà nhiều cặp con trai, con gái đã thành vợ thành chồng…

Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ea Súp, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có khoảng 7-8 người có thể sử dụng đàn goong một cách thành thạo và đàn goong đang đứng trước nguy cơ mai một, dần rơi vào quên lãng. Ông Thiều Lê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng đề án khảo sát về việc bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của các nhạc cụ Tây Nguyên; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn; xây dựng các chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân để họ tiếp tục giảng dạy và gìn giữ nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình…”

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.