Multimedia Đọc Báo in

Trở lại buôn M’Liêng

07:45, 21/07/2013

Từ khi buôn M’Liêng (xã Dak Liêng-huyện Lak) được Bộ VH-TT-DL xét chọn là buôn cổ độc nhất trên Cao nguyên Dak Lak để đầu tư theo Chương trình Quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam (giai đoạn 2008-2012) thì cuộc sống của hơn 134 hộ dân người dân tộc M’nông Rlăm ở đây đã có những đổi thay rõ nét. Tuy nhiên, qua tâm sự của nhiều người thì những kỳ vọng và ước mơ giản dị của họ ngày nào vẫn đang còn phía trước…

Cảnh đã khác xưa

Trở lại buôn M’Liêng lần này, tôi không còn phải chờ đợi những chuyến đò ngang dập dềnh trên hồ Lak để sang “ốc đảo” nữa, mà lướt xe máy êm ru, nhẹ nhàng theo con đường được bê tông hóa vừa mới mở nối buôn M’Liêng với Quốc lộ 27 (đoạn gần UBND xã Dak Liêng) khoảng gần mười phút đồng hồ. Ông Y Thôl-Trưởng buôn M’Liêng nói rằng, con đường này được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của chương trình Quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam với kinh phí hơn 11 tỷ đồng, nhờ đó mà buôn M’Liêng ngày càng trở nên gần hơn với đời sống văn minh, hiện đại.       

Quả thực trên con đường vào buôn M’Liêng giờ đây đã tấp nập xe cộ ngược xuôi. Những gạch, đá, sắt thép, xi măng và hàng hóa tiêu dùng từ thị trấn Liên Sơn chở vào; rồi lúa, bắp, heo, gà cùng nhiều thứ nông sản khác ở đây được đưa ra tiêu thụ khắp vùng - từ miệt Dak Phơi, Dak Nuê, Krông Nô… (Dak Lak) qua tận Rô Men, Đam Rông (Lâm Đồng). Nhờ sự đi lại, giao thương thuận lợi này mà buôn M’Liêng đã từng bước biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển và hội nhập kinh tế cũng như văn hóa. Tôi đã thấy điều đó từ đời sống sản xuất, sinh hoạt thường ngày của bà con trong buôn ngày nay. Già Y San đã sống ở đây hơn sáu mươi mùa rẫy cho hay, có 2 điều thay đổi lớn lao kể từ khi buôn M’Liêng được Nhà nước quan tâm đầu tư. Trước hết là quỹ đất sản xuất được người dân khai thác triệt để nhằm nâng cao thu nhập. Ví như lúa nước, trước kia cánh đồng K’riêng rộng khoảng 60 ha nằm cạnh mạn Đông Nam hồ Lak, mỗi năm chỉ làm một vụ với diện tích khoảng 15-17 ha, thì nay đã tăng lên gấp ba lần, lúa không chỉ đủ ăn, mà còn để bán ra mỗi vụ vài chục tấn. Hạt lúa cùng với hơn 80 ha bắp, đậu các loại đã trở thành hàng hóa giúp bà con buôn M’Liêng từng bước thoát nghèo. Trưởng buôn M’Liêng minh chứng: 6 năm về trước, cả buôn có 100/131 hộ dân người dân tộc thiểu số (nay có thêm 3 hộ) thuộc diện đói nghèo, đến nay giảm xuống còn 30 hộ. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở buôn M’Liêng đang tiếp tục được cả cộng đồng và chính quyền địa phương quan tâm, phấn đấu mục tiêu đến năm 2015 chỉ còn 12-15 hộ nghèo.

Đường đi lại trong buôn M'Liêng được bê tông hóa sạch đẹp.
Đường đi lại trong buôn M'Liêng được bê tông hóa sạch đẹp.

Một sự thay đổi nữa là giờ đây  buôn làng đã trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn nhờ việc gìn giữ không gian truyền thống được mọi người lưu tâm, thực hiện nghiêm túc kể từ khi buôn M’Liêng được Nhà nước chọn làm điểm đầu tư, bảo tồn buôn cổ cho cả tỉnh Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung từ năm 2008 đến nay. Hai trục đường nội bộ trong buôn đã được bê tông hóa hoàn toàn, dọc theo đó là những nếp nhà dài truyền thống được bà con gìn giữ, hoặc làm mới theo quy hoạch của dự án bảo tồn buôn cổ. Hai bến nước (đầu và cuối) buôn cũng được sửa sang lại sạch đẹp hơn. Điều đáng nói là từ khi con đường vào buôn M’Liêng được mở ra, đời sống đô thị hóa cũng bắt đầu tràn tới, nhưng không vì thế mà những thành viên trong cộng đồng người M’nông Rlăm ở đây bị cuốn theo, bởi họ được dẫn dắt và chi phối mọi hành xử, quan hệ theo hương ước của buôn đặt ra từ nhiều năm trước. Bà H’Wam - Phó Chủ tịch UBND xã Dak Liêng tự hào cho rằng, nhờ hương ước mà buôn M’Liêng không mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có, vẫn giữ được nhịp sống êm đềm và không gian sống bình yên như ngày nào bên hồ Lak thơ mộng.

Người vẫn cũ...

Những đổi thay ở buôn M’Liêng khiến ai đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, khi được nghe nỗi niềm tâm sự của chính chủ nhân ở vùng quê này mới cảm thấy có “khoảng lặng” nào đó đang chùng xuống, khiến niềm vui của bao người chưa trọn vẹn. Với tôi, tự đáy lòng gợi lên câu hỏi: “Buôn M’Liêng, cảnh đã khác xưa, sao người vẫn cũ (?)”

Câu hỏi bắt đầu khi tôi được trưởng buôn Y Thôl dẫn đi thăm những người quen cũ. Gia đình già Y Te Ông là nơi tôi ghé  trước tiên. Già đã mất cách đây hơn bốn năm, những người con  như chị H’Liêm, H’Lưn, Srưng Buôn K’rông… vẫn thế , chăm chỉ làm ăn để tiếp tục nuôi con ăn học đàng hoàng. Đời sống đã khá hơn, nhưng họ vẫn buồn, một nỗi buồn như tám năm trước mà tôi đã thấy. Chị H’Liêm bần thần rằng, với mình thì không kể nữa, tốt nghiệp chuyên ngành y sĩ sản- nhi đã gần 10 năm mà vẫn không xin được việc làm, coi như cơ hội không còn. Nhưng đứa con gái - H’Xuân cũng theo nghiệp mẹ, học xong Trung cấp Y Dak Lak đã hơn hai năm nay vẫn ở nhà làm ruộng, không tìm được một công việc đúng chuyên môn, thật tiếc. Chị H’Liêm trắc ẩn: Nếu có trạm y tế để lớp trẻ đã ra và đang theo học sẽ có nơi làm việc và cơ hội cống hiến cho bà con, buôn làng mình.

Trưởng buôn Y Thôl cho biết thêm: cả buôn M’Liêng hiện có 9 em (không kể chị H’Liêm) đã tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng và đại học các chuyên ngành Y tế, Tài chính - Ngân hàng, du lịch, sư phạm… 2-3 năm nay nhưng chưa có việc làm. Ngoài ra còn có 12 em khác cũng đang theo học nhiều ngành nghề khác thuộc các bậc học trên sắp sửa ra trường, nhưng cơ hội tìm được việc làm rất khó khăn. Y Thôl mong mỏi: dự án đầu tư cho buôn M’Liêng đang được tiếp tục triển khai từ nay đến năm 2015 với nhiều hạng mục, phần việc nhằm mục tiêu sẽ biến buôn cổ này thành điểm đến du lịch văn hóa-sinh thái có tầm cỡ của Dak Lak với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ước gì trong dự án đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước sắp tới vấn đề con người (nhân lực) để những con em ở buôn M’Liêng được quan tâm và thụ hưởng một phần xứng đáng, thiết thực hơn. Đừng để nguồn lực và chất xám tại chỗ của con em người M’nông ở đây lãng phí thêm.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.