Buôn Cư K’nao bây giờ
Buôn Cư K’nao cách Quốc lộ 27 đoạn qua xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) hơn 10 km-là nơi sinh sống của 110 hộ (trên 600 khẩu) đồng bào Êđê. Nơi đây một thời từng được mệnh danh là buôn “4 không” (không đường, không điện, không trường và không màu xanh). Thế nhưng Cư K’nao bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Màu xanh của cây, của rẫy ngô, ruộng lúa đã đem lại khởi sắc cho toàn buôn - anh Y Tim H’long, buôn trưởng buôn Cư K’nao hồ hởi cho biết.
Rẫy ngô trồng bằng giống cao sản của Y Châu. |
Để có được kết quả như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực không mệt mỏi của đồng bào buôn Cư K’nao còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp, đầy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Cư Kuin. Suốt 6 năm qua, kể từ khi chính thức thành lập buôn đến nay, huyện Cư Kuin đã dành sự quan tâm đặc biệt để Cư K’nao phát triển. Bên cạnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội như: đường giao thông, điện, trường học, hệ thống nước sinh hoạt tập trung…, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào nhiều mặt. Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp, sau khi chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá thực tế về đất đai, tập quán canh tác, huyện Cư Kuin trực tiếp cử một cán bộ chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp “cắm” tại buôn để “cầm tay chỉ việc” cho bà con trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nỗ lực này đã và đang mang lại kết quả khích lệ, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của đồng bào. Hiện tại, đồng bào buôn Cư K’nao đã biết trồng dưa hấu-một loại cây mới mẻ với vùng đất này; đã biết thâm canh các loại ngô lai, lúa nước 2 vụ thay thế các giống địa phương nên năng suất, thu nhập tăng nhiều lần. Mấu chốt để bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo là phải khơi dậy lòng tự trọng của từng cá nhân, do đó ngoài huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đích thân Phó Chủ tịch UBND huyện H’Bliăk Niê đều đặn một năm 2 lần về thăm, tổ chức đối thoại với người nghèo, vừa vận động đồng bào nỗ lực vươn lên, vừa tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất. Sự quan tâm đặc biệt này đã trở thành động lực thôi thúc đồng bào nỗ lực vươn lên, trước mắt là phải thoát khỏi đói nghèo. Vì thế, trong lần đối thoại cuối năm 2012, dẫu còn rụt rè nhưng đã có 7 hộ xung phong đăng ký thoát nghèo.
Anh Y T’Lơng Arơng là một trong 7 hộ quyết tâm thoát nghèo trong năm 2013 cho hay, vụ ngô này gia đình thuê đất trồng 5 sào, thu được 2,5 tấn hạt. Thời tiết thuận lợi, năng suất ngô đạt khá cao, nhưng không may giá ngô xuống thấp hơn mọi năm khoảng 1.000 đồng/kg nên khoản lời chẳng đáng là bao, song nhờ 2 sào lúa nước được mùa nên không lo thiếu ăn. Anh Y T’Lơng bộc bạch: “Lâu nay các hộ trong buôn chỉ biết làm lúa rẫy năm được mùa, năm mất mùa, cực lắm! 2 năm trở lại đây, bà con biết thuê đất trồng ngô lai, làm lúa 2 vụ, nên đời sống cũng khấm khá lên”. Còn anh Y Châu Byă-người trẻ tuổi nhất trong số 7 hộ xung phong thoát nghèo trong năm 2013 cho biết, ngoài làm 3 sào lúa nước 2 vụ, anh còn thuê đất trồng ngô, thời gian nông nhàn lại đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Trước đó, cũng như nhiều thanh niên trong buôn, Y Châu vào các tỉnh phía Nam làm phụ hồ, nhưng thu nhập không ổn định. Sau khi suy tính thiệt hơn, Y Châu quyết định trở về buôn tìm kiếm cơ hội thoát nghèo. Hiện cuộc sống của gia đình Y Châu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng anh hy vọng có sức khỏe, có niềm tin chắc chắn đất sẽ không phụ công người; nhất là khi được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho nông dân học các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cuộc sống của đại bộ phận người dân buôn Cư K’nao nay đã khác xa với những ngày đầu thành lập, các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như: đường, điện, công trình nước sạch, lớp học… được Nhà nước đầu tư đã phần nào đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống sinh hoạt của bà con.
Tuy cuộc sống của người dân buôn Cư K’nao hôm nay đã có những chuyển biến nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn, khi đất canh tác vẫn đang thiếu, thanh niên trong buôn cố gắng vượt lên bằng việc đi làm công nhân ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước hay thuê đất để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cách để thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện để đồng bào trong buôn phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ chính của cấp ủy đảng, chính quyền xã Hòa Hiệp nói riêng, huyện Cư Kuin nói chung. Trước mắt, sẽ tập trung đào tạo nghề thú y, nông nghiệp để nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức sản xuất tại chỗ cho đồng bào; đào tạo nghề may để đưa lao động đi làm việc ở các địa phương khác. Bên cạnh đó huyện cũng sẽ tuyển chọn con em đồng bào tại buôn đưa đi đào tạo giáo viên để về đảm nhận việc dạy học tại buôn - Phó Chủ tịch UBND huyện H’Bliăk Niê khẳng định.
Nguyên Lê
Ý kiến bạn đọc