Multimedia Đọc Báo in

Biến tấu thổ cẩm

10:38, 29/10/2013

Thổ cẩm từ lâu đã là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của các tộc người bản địa Tây Nguyên. Ai cũng biết điều đó, nhưng để sản phẩm này sống được là một câu  chuyện dài…

Chị H’Lung Niê ở buôn A Kô Dhông (phường Thắng Lợi – TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Mặc dù đã thay đổi mẫu mã, sản phẩm thổ cẩm cho phù hơp với thị hiếu khách hàng, nhưng để tiêu thụ được nó không phải là chuyện dễ dàng. Hàng hóa làm ra đem đi ký gửi tại các shop trong phố, cũng như tại những điểm du lịch… có khi mất mấy tháng trời mới bán được”. Vì không sống nổi với nghề nên ngày càng có nhiều người đành ngậm ngùi chia tay với thổ cẩm. Và cũng vì thế, không chỉ trong các buôn làng vắng hoe khung cửi, mà ngay cả trong những hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm được thành lập nhiều năm trước đây, giờ cũng lay lắt, eo sèo. Có nơi thì đã giải thể như HTX dệt thổ cẩm Alê A (phường Ea Tam - TP. Buôn Ma Thuột); có nơi đóng cửa suốt cả gần bốn năm nay như HTX dệt thổ cẩm Dăm Ye nằm ngay cửa ngõ thành phố Buôn Ma Thuột, cạnh Quốc lộ 14.

Thay đổi, sáng tạo ra mẫu mã mới để thổ cẩm thu hút khách hàng.
Thay đổi, sáng tạo ra mẫu mã mới để thổ cẩm thu hút khách hàng.

Đến nay chỉ còn lại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột) là hoạt động cầm chừng. Mỗi tháng, một xã viên làm được chừng 2-3 sản phẩm (khăn tay, túi xách), sau đó gom lại đem đi bán dạo, hoặc nhờ người quen tiêu thụ giúp, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Chị H’Dăm Niê - Chủ nhiệm HTX than thở: “Cố chạy vạy ngược xuôi để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, song đã vài năm nay vẫn không cải thiện được chút nào. Trước tình trạng ấy, đã có nhiều chị em phải rời xa khung dệt để bươn bả làm nghề khác kiếm sống”. Trong những tâm tình ấy, ai cũng nhận ra một điều: “thăng trầm” theo nghề thổ cẩm không hẳn là để mưu sinh, mà vì thương nhớ một nét văn hóa của cha ông bao đời để lại. Nếu đành đoạn chia tay với thổ cẩm, có nghĩa là phải rời xa, rồi dần mất đi vốn văn hóa đặc sắc đã từng thấm vào máu thịt của các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên này!

Để tồn tại, một số HTX thổ cẩm như Tơng Bông (xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột), Buôn Sứt (huyện Cư M’gar), buôn Liêng (huyện Lak)… đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch “phục hưng” thổ cẩm bằng cách kết hợp ngành nghề truyền thống này với hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương. Chị H’Miriam (HTX thổ cẩm Tơng Bông) và Amí Liu (HTX thổ cẩm Buôn Sứt) đã nhiều năm nay bỏ không ít công sức cùng với chị em thạo nghề nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững các yếu tố văn hóa thổ cẩm của dân tộc mình để phô diễn, giới thiệu với du khách, mong xoay chuyển tình hình khó khăn trước mắt. Song khổ một nỗi, nguồn vốn đầu tư ban đầu không có, hạ tầng cơ sở để có thể kết hợp giữa du lịch và văn hóa thổ cẩm chưa thể đáp ứng được nên lại rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”. Amí Liu tâm sự: “Có đôi lần một số đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh dẫn khách đến Buôn Sứt để tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của bà con. Qua sự giới thiệu, quảng bá của các nghệ nhân ở đây về thổ cẩm, họ tỏ ra thích thú thật sự, nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như váy, khố, áo, tấm đắp… được bán đi với giá khá cao, đủ để cho chị em trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất”. Thế nhưng, cơ hội đó không nhiều, một năm thi thoảng đôi lần, vì thế khó khăn đối với các HTX thổ cẩm kết hợp với du lịch hiện nay vẫn chưa tìm được lối ra thật sự ổn định và bền vững.

Trao đổi vấn đề trên với ông Phạm Tâm Thanh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL thì được biết, thời gian qua Phòng nghiệp vụ của sở đã phối hợp với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong làng thổ cẩm bản địa nghiên cứu, tìm hiểu và văn bản hóa các yếu tố văn hóa đặc sắc về nghề truyền thống này để giúp cho các HTX thổ cẩm có “cẩm nang” quảng bá và phát triển. Song, trên thực tế những người làm thổ cẩm - hoặc là do thiếu sự đầu tư (vốn, kỹ năng tiếp thị…), hoặc là do sự liên kết, hợp tác giữa du lịch với các làng nghề còn lỏng lẻo, không thường xuyên nên chưa tạo được động lực và cơ hội cho thổ cẩm “lột xác” vươn lên. Bởi suy cho cùng, bất kỳ một ngành nghề nào, khi vốn văn hóa của ngành nghề đó có bề dày và độc đáo thật sự thì sức hút và sự lan tỏa của nó đến với người tiêu dùng là rất lớn, rất giàu tiềm năng. Vấn đề ở đây là làm sao để người dệt thổ cẩm tìm cách đưa vốn văn hóa độc đáo ấy đến với khách hàng bằng nhiều hình thức, góc độ khác nhau thông qua sự giúp đỡ của các cấp, các ngành. Nhiều nghệ nhân mong mỏi: đến nay, “cẩm nang” về văn hóa thổ cẩm của các dân tộc bản địa đã có, chủ nhân của làng nghề truyền thống này sẵn sàng tham gia cùng ngành văn hóa tổ chức thực hiện “chiến dịch truyền thông” thật bài bản để mở đường cho sản phẩm thổ cẩm hồi sinh và phát triển bằng chính bề dày văn hóa của nó.

Mong mỏi ấy quả thật chân thành, bởi yếu tố văn hóa chứa đựng trong mỗi sản phẩm thổ cẩm là một lợi thế, biết nắm bắt và tìm cách thuyết phục, tiếp thị với khách hàng về lợi thế đó thì không lo gì không tiêu thụ được. Bản thân thổ cẩm không chỉ đơn giản là hàng hóa như bao loại vải vóc, quần áo công nghiệp khác vốn đang chiếm ưu thế trong thời buổi cạnh tranh hiện nay - chị H’Lung cũng như nhiều nghệ nhân có tâm huyết khác đã bắt đầu nhìn ra con đường hồi sinh cho các làng nghề thổ cẩm của mình. Và họ hy vọng sự hồi sinh ấy sẽ được “tiếp sức” từ những người có trách nhiệm và tâm huyết với thổ cẩm.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.