Xã đầu tiên ở Tây Nguyên đạt 19 tiêu chí nông thôn mới
Mặc dù không phải là xã điểm được chọn xây dựng nông thôn mới, nhưng chưa đến 3 năm kể từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2012, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên.
Với huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), xây dựng nông thôn mới là huy động tổng lực từ Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang trên địa bàn. Vì thế, việc xây dựng nông thôn mới ở đây đã và đang được nhân dân đồng tình hưởng ứng và hăng hái tham gia. Có thể nói, Hà Mòn là mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”: đất đai trù phú với những vườn cà phê bạt ngàn, người dân chăm chỉ làm ăn, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn nêu cao quyết tâm xây dựng vùng đất này ngày một giàu mạnh. Không thể phủ nhận những nền tảng có sẵn (khi mới phát động Hà Mòn đã đạt 11/19 tiêu chí), nhưng điều quan trọng phải kể đến trước hết ở đây là sự đầu tư, tập trung chỉ đạo đúng hướng; sự nỗ lực và quyết tâm của nhân dân và cán bộ xã Hà Mòn.
Từ khi được triển khai, Hà Mòn được huyện Đăk Hà xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, xã Hà Mòn đã thể hiện được sự gắn bó chặt chẽ trong hệ thống các cấp. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã xác định, xây dựng nông thôn mới sẽ giải quyết được 3 vấn đề lớn đó là: nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh. Xây dựng nông thôn mới người được hưởng lợi chính là nhân dân, vì vậy, vấn đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới ở đây là phải xây dựng nhận thức, nâng cao ý thức của người dân.
Đường thôn ở xã Hà Mòn. |
Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn - Đào Anh Thư cho biết: Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước tiên, Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình xã nông thôn mới; thành lập ban chỉ đạo nông thôn mới cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các tổ chức đoàn thể, với nội dung đề ra là mỗi tổ chức đoàn thể được phân công tạo ra được sản phẩm cụ thể gắn với từng tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, xã cũng tiến hành thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban giám sát cộng đồng cấp xã; 9/9 thôn của xã thành lập Ban phát triển nông thôn mới (cấp thôn) để theo dõi, báo cáo từng phần việc để kịp thời tháo gỡ những khó khăn.
Trong triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền được xác định là khâu đột phá. Theo đó, Hà Mòn đã phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân lồng ghép các buổi họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền công tác xây dựng nông thôn mới đến từng hội viên mình phụ trách. Tổ chức họp dân vừa để thực hiện công tác tuyên truyền vừa để bàn bạc, thống nhất từng nội dung trong việc thực hiện các đề án, đồ án xây dựng nông thôn mới của xã. Từ chỗ hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, đã tạo được sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân và huy động được sức dân, người dân đã trở thành chủ thể chung sức, đồng lòng cùng bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới.
Xác định nguồn vốn xây dựng nông thôn mới là rất lớn nên địa phương đã thực hiện đúng theo tư tưởng chỉ đạo của các cấp, đó là phát huy nội lực của địa phương là chính. Theo đó, địa phương đã huy động các nguồn vốn lồng ghép từ nhiều dự án và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn; khai thác các nguồn thu tại chỗ từ dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất tại chợ nông thôn mới (trên 2 tỷ đồng) là nguồn lực quan trọng để đối ứng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, người dân xã Hà Mòn đã đồng thuận trong việc tham gia đóng góp ngày công, góp tiền, hiến đất và nhiều tài sản khác để thực hiện bê tông hóa nhiều đoạn đường liên gia đình, liên xóm, nội đồng; xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh, thủy lợi… góp phần hoàn thành các tiêu chí. Trong tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới của xã gần 37 tỷ đồng, người dân trên địa bàn đã đóng góp hơn 4.000 ngày công lao động, gần 3,8 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn 9,6 tỷ đồng, phần còn lại là vốn Ngân sách Nhà nước.
Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân dân ở 9/9 thôn của xã đã tích cực đóng góp xây dựng đường điện thắp sáng trên tất cả các đường giao thông chính liên thôn với số tiền 470 triệu đồng. Người dân Hà Mòn đã đóng góp gần 1,2 tỷ đồng để thực hiện bê tông hóa một số tuyến kênh mương, làm cầu dân sinh, cống thoát nước, gắn biển số, cột cờ gia đình… Và để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của các tư thương và nhân dân trên địa bàn, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ, thúc đẩy cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, Hà Mòn đã huy động trong dân được 2,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ, trong đó có sự đóng góp tích cực của người dân trong việc hiến đất, góp công xây dựng với trị giá hơn 600 triệu đồng. Trước đây, giao thông của xã chủ yếu là đường đất, lầy lội và bụi bờ. Nay thông qua chương trình các con đường đã được nhựa hóa. Từ đó, việc vận chuyển nông sản hết sức thuận lợi, con em đi học được an toàn hơn… Ngoài ra, xã Hà Mòn còn làm được nhiều việc nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía người dân như thành lập tổ vệ sinh môi trường, tổ an ninh nhân dân, tổ khuyến học, xây dựng các bảng niêm yết thông tin hoạt động với những nội dung hữu ích được treo tại nhà văn hóa của từng thôn… Nhờ đó, mới sau gần 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Hà Mòn đã nhanh chóng về đích trước hẹn. Hiện nay, Hà Mòn không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 70%, không còn nhà tạm, nhà dột nát, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 hơn 40 triệu đồng/năm.
Đắc Vinh
Ý kiến bạn đọc