Multimedia Đọc Báo in

Bừng sắc hoa Anh Đào trên đất Tây Nguyên

14:13, 28/01/2014

Người Nhật Bản sống, làm việc ở Dak Lak và người Dak Lak sang Nhật học tập, lao động không nhiều nhưng khi đi xa “đất lại hóa tâm hồn”. Cái rét ngọt của mùa Xuân đã gắn kết những người con của xứ sở hoa Anh Đào với những người đã từng yêu, từng một lần đến đó…

Dạy tiếng Nhật cho nông dân 

Đã gần “thất thập” nhưng trông dáng dấp ông khá nhanh nhẹn, dẻo dai, hằng ngày cần mẫn với ruộng vườn. Nếu ai gặp ông một lần khó quên nụ cười đôn hậu luôn trên môi. Ông là Minoru Koura - kỹ sư ngành nông dược đến từ đất nước “mặt trời mọc”.

Thầy giáo Minoru Koura (người đứng thứ nhất từ trái sang) đang dạy tiếng Nhật cho người Việt.
Thầy giáo Minoru Koura (người đứng thứ nhất từ trái sang) đang dạy tiếng Nhật cho người Việt.

Trước đây, ông làm việc tại Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), còn giờ là giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học New Star. Ông say sưa nói về đất nước Việt Nam, về mảnh đất Dak Lak với một tình cảm trìu mến: “Không như Nhật Bản lúc lạnh quá, lúc nóng quá, khí hậu Dak Lak mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người chất phác, đôn hậu, thân thiện, gần gũi. Đặc biệt, nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch”. Sự tương đồng về văn hóa để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và “níu chân” vị kỹ sư già gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Khi Dự án tại Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ kết thúc, ông Koura tình nguyện ở lại Dak Lak dạy tiếng Nhật miễn phí cho người Việt. Để học viên không bị “khớp”, thầy giáo Koura chia lớp học thành 2 nhóm: du học sinh và nông dân, với mỗi nhóm thầy có phương pháp giảng dạy riêng. Ông cho biết, trong 5 thứ tiếng được coi là khó học nhất thế giới có tiếng Nhật. Tương tự như tiếng Trung Quốc, những người học tiếng Nhật cần phải ghi nhớ hàng ngàn ký tự… Chia nhóm theo mục đích học sẽ giúp học viên lĩnh hội kiến thức nhanh, vững vàng hơn. Trong số những học viên, có người sẽ qua Nhật Bản để học chuyên ngành nông nghiệp, đem những kiến thức được học về áp dụng vào sản xuất ở Việt Nam. “Đất nước Việt Nam cũng đang trên đà phát triển như Nhật Bản cách đây 30-40 năm về trước. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, sự an toàn trong bữa ăn đã từng là vấn đề nhức nhối ở nước Nhật lúc bấy giờ. Người Nhật khao khát tìm những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Tôi cũng nhận thấy điều đó ở con người và cuộc sống nơi đây. Vì vậy tôi quyết định đến Việt Nam và gắn bó với mảnh đất này”, thầy Koura chia sẻ. Cũng như Nhật Bản, Việt Nam tất yếu phải phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Mở rộng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để nâng cao giá trị và gia tăng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Diện tích đất canh tác không nhiều, nhưng với hướng phát triển trên Nhật Bản đang dần trở thành một cường quốc nông nghiệp bên cạnh thế mạnh về công nghiệp và công nghệ điện tử. 

“Chuối hữu nghị Nhật-Việt”

Từ 3 mầm chuối ban đầu, ông Phan Qua đã nhân rộng giống chuối “hữu nghị Nhật-Việt” tại nhiều địa phương.
Từ 3 mầm chuối ban đầu, ông Phan Qua đã nhân rộng giống chuối “hữu nghị Nhật-Việt” tại nhiều địa phương.

Chưa một lần đặt chân đến “đất nước mặt trời mọc”, song qua một vài lần tiếp xúc ngắn ngủi với những người Nhật đến Dak Lak tìm kiếm cơ hội đầu tư đã để lại trong lòng ông Phan Qua, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak nhiều ấn tượng khó quên. “Nhật Bản là một trong những nước có nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới. Nó có sự bí ẩn, thanh tao và cũng cầu kỳ, phép tắc như chính con người Nhật Bản vậy!”, ông Qua nhận xét. Người Nhật vốn được biết đến với sự nghiêm khắc và nghiêm túc trong công việc, hiếm khi thể hiện cảm xúc hay nói đúng hơn là rất chừng mực trong ứng xử. Đặc biệt, giờ giấc của người Nhật bao giờ cũng đúng răm rắp nhưng không vì thế mà thiếu đi nụ cười thân thiện, cởi mở. 

Ông Qua cho biết, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, nhưng Dak Lak và Nhật Bản (nói đúng hơn là tỉnh Dak Lak và tỉnh Okinawa) kết nghĩa với nhau từ năm 2000. Sau Đại hội Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Dak Lak lần thứ I, ngài Zenei Yogi, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam tỉnh Okinawa tặng tỉnh Dak Lak 3 mầm chuối. Ngài Zenei Yogi nói: “Chuối có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho người lớn và trẻ em. Ở bên Nhật, một nải chuối có giá từ 3-4 USD. Vì vậy, không ít nông dân Nhật Bản giàu lên nhờ trồng chuối. Khí hậu, thổ nhưỡng của Dak Lak đặc biệt thích hợp trồng chuối. Nếu nông dân Dak Lak phát triển mạnh loại cây này, ông tình nguyện làm “cầu nối” xuất khẩu chuối sang Nhật”. Chưa biết triển vọng của giống chuối này đến đâu, nhưng trước tình cảm của người bạn Nhật dành cho Dak Lak, ông Qua đã đem 3 mầm chuối chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay mà ngài Zenei Yogi phải kỳ công “giấu kỹ” trong hành lý về trồng ở khu vườn sau nhà (ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Qua đưa tay chỉ một cây chuối mới trổ buồng và nói: “Cũng như các cháu bây giờ, tôi và nhiều người có mặt hôm ấy đã hỏi ngài Zenei Yogi: Đây là chuối gì?” Nở nụ cười thân thiện, ngài Zenei Yogi nói: “Chuối hữu nghị Nhật-Việt”. Loại chuối này không khác chuối ngự ở Việt Nam, nhưng có vị ngọt thanh, bùi và hàm lượng bột nhiều. Một điều đặc biệt, “chuối hữu nghị Nhật-Việt” phải đốn buồng khi còn xanh, nếu già quá quả sẽ bị nứt không ngon. Mỗi khi có khách quý đến thăm, ông Qua đều chiêu đãi “chuối hữu nghị Nhật -Việt”. Ai nấy đều tấm tắc khen ngon và xin giống về trồng. Đến nay hầu hết các hộ gia đình ở xã Hòa Thắng đều có một bụi chuối này. Tiếng lành đồn xa, bạn bè của ông Qua ở các tỉnh Dak Nông, Bình Phước, Gia Lai cũng đã xin giống về trồng… Vì nhiều lý do nên mong muốn của ngài Zenei Yogi chưa thành hiện thực, nhưng tình cảm thắm thiết của người Nhật, sự quan tâm chăm lo cho sức khỏe của người dân bắt đầu từ một loại trái cây quen thuộc là quả chuối thật đáng trân trọng.

Mê công nghệ trồng rau hữu cơ

Võ Mai Thảo chăm sóc những luống rau hữu cơ để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ.
Võ Mai Thảo chăm sóc những luống rau hữu cơ để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ.

Say mê phim Nhật từ nhỏ, nên khi đọc mẩu thông báo chiêu sinh dạy tiếng Nhật của một cơ sở đào tạo, chàng trai trẻ Võ Mai Thảo (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đăng ký học ngay. Càng học, Thảo càng “say” tiếng Nhật. Với vốn tiếng Nhật kha khá và tính cách nhanh nhẹn, Thảo được một công ty chọn sang Nhật đào tạo lĩnh vực nông nghiệp. Một năm sống, làm việc cùng nông dân Nhật (tháng 1-2010 đến 1-2011), Thảo đã học, trải nghiệm nhiều điều thú vị. “Nông dân Nhật rất thân thiện, niềm nở, sẵn sàng hướng dẫn thực tập sinh kỹ thuật trồng trọt. Học lý thuyết luôn đi đôi với thực hành. Chúng em được học từ cách chọn lựa, phân tích đất, khí hậu, thời tiết và những đặc điểm sinh trưởng của từng loại cây, cây trồng nào phù hợp với đất, khí hậu nào...”, Thảo cho biết. Hầu hết nông dân Nhật Bản rất am hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc rau sạch như một kỹ sư nông nghiệp do đó hiệu quả kinh tế đem lại cao. Không như ở Việt Nam, người Nhật trồng rau trong nhà lồng, không dùng hóa chất và sử dụng hệ thống đo nhiệt độ, lượng mưa để kiểm soát độ ẩm phù hợp cho rau quả tăng trưởng… May mắn một lần nữa lại mỉm cười với Thảo, những kiến thức nông nghiệp học ở Nhật Bản có cơ hội áp dụng ở Việt Nam khi làm việc ở Công ty THNH Nico Nico Yasai chuyên sản xuất rau sạch. Hiện nay, “rau hữu cơ Nico Nico Yasai” đã có mặt tại 5 siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên do giá thành cao nên khách hàng của loại rau này chủ yếu là người Nhật. Thảo so sánh, có thời điểm, giá một bó rau cải ngọt 5 kg tại Chợ Duy Hòa là 4.000 đồng, nhưng 1 bó rau của Nico Nico Yasai cao gấp 100 lần. Điều này, đặt ra trong Thảo một câu hỏi, tại sao người Nhật được dùng rau hữu cơ còn người Việt thì không? Cách đây không lâu, trong một lần đến nhà chơi, một người bạn của Thảo kể: “Mình trồng rau nhưng lại không dám ăn rau do chính mình trồng!”. Câu chuyện này một lần nữa thôi thúc Thảo quyết tâm mở cửa hàng rau sạch để người tiêu dùng Buôn Ma Thuột có cơ hội được ăn “đúng rau sạch”. Thảo chủ động liên kết với 4 hộ nông dân ở TP. Buôn Ma Thuột trồng 2 ha rau theo tiêu chuẩn Nico Nico Yasai, với giá chỉ cao hơn giá rau bình thường khoảng 3-4 lần. Ông chủ trẻ với ý tưởng táo bạo “bán 100% rau sạch” với ngổn ngang nào giỏ, bịch ni lông đựng rau... rất tự tin nói về dự án của mình: “Ban đầu người tiêu dùng Buôn Ma Thuột có thể chưa biết đến rau hữu cơ Nico Nico Yasai, nhưng một ngày không xa họ sẽ chấp nhận bởi chất lượng sản phẩm và cam kết về giá. Em thích trồng rau hữu cơ vì nó đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, cho môi trường. Vợ em, người Nhật cũng vậy. Cô ấy đang học để làm một cô dâu Việt thực sự”. 

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc