Quả bầu trong văn hóa dân tộc Êđê
Trong sinh hoạt hằng ngày người Êđê dùng quả bầu đựng nước uống hoặc đựng rượu. Để tạo ra được một quả bầu hoàn chỉnh về chức năng cũng như thẩm mỹ thì phải mất khoảng vài tháng từ lúc gieo hạt đến lúc trang trí hoàn thiện sản phẩm. Trong quá trình sáng tạo đó họ cũng đã đúc rút kinh nghiệm để dần dần vật dụng của mình trở nên đẹp và tiện dụng hơn.
Quả bầu sau khi hái xuống được người Êđê lấy hết hạt trong bầu rồi mang đi ngâm dưới bùn trong thời gian một tháng, mục đích là để tạo cho màu sắc của quả bầu trở thành màu đen xám. Sau một tháng họ đổ nước lã vào quả bầu và để trên giàn bếp cho khói từ dưới bếp bốc lên phủ đều quả bầu. Khoảng một tháng sau, họ lấy xuống và cứ 2-3 ngày lại thay nước một lần để khử mùi trong quả bầu và cuối cùng đưa ra ngoài trời phơi nắng. Để làm cho quả bầu đẹp hơn người Êđê đã sử dụng các hoa văn trang trí truyền thống của dân tộc mình để khắc, vẽ lên quả bầu như: trăng, sao, cá sấu, mái thuyền, các hoạt động sản xuất như giã gạo cũng được thể hiện thật đặc biệt trên thân của quả bầu.
Các cô gái Êđê dùng vỏ quả bầu đổ nước vào ché trong nghi thức mời rượu. (Ảnh minh họa). |
Không chỉ để phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, quả bầu còn được nâng tầm giá trị khi được đưa vào sử dụng trong các lễ hội dân gian, các nghi thức cúng Giàng trong tín ngưỡng của người Êđê. Trong các lễ hội, đặc biệt là lễ cúng bến nước, quả bầu được sử dụng như một phần không thể thiếu bên các lễ vật dâng lên Giàng. Đối với người Êđê, nước có vai trò đặc biệt quan trọng; dòng nước là mạch nguồn của sự sống, nên người Êđê có tục thờ thần nước như tổ tiên của mình vậy. Nước có ý nghĩa quan trọng như vậy nên vật đựng nước cũng giữ vai trò quan trọng tương xứng. Quả bầu đối với người Êđê là một “vật bất ly thân”, đi đâu họ cũng mang theo bên mình.
Dân tộc Êđê hướng về nguồn cội của cộng đồng mình thông qua sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật trong các lễ hội. Quả bầu tham gia vào các sinh hoạt văn hóa đó cũng là để nhắc nhở họ nhớ về cội nguồn của mình, khi họ cùng uống chung một nguồn nước, cùng uống chung một bầu nước, bầu rượu.
Ngoài giá trị hướng về cội nguồn, quả bầu còn là kết quả của nguồn cảm hứng sáng tạo các giá trị văn hóa của tộc người Êđê. Trên thân quả bầu được tạc, vẽ hình mặt trời, mặt trăng… Việc trang trí quả bầu đã phản ánh ước mong về cuộc sống sung túc, phồn thực. Hệ thống các hoa văn trang trí trên quả bầu được xem là một trong những giá trị văn hóa độc đáo của văn hóa Êđê và cả văn hóa Việt Nam. Việc tạo ra quả bầu đã thể hiện tài năng và sức sáng tạo, những cách làm đơn giản nhưng kỳ công về thời gian cũng như các công đoạn đã tạo nên sự gắn kết các cá nhân trong gia đình lại với nhau.
Tuy nhiên hiện nay một số gia đình Êđê không còn sử dụng đến quả bầu nữa. Thay vào đó là các loại nước lọc đóng chai và họ cũng không uống nước từ các dòng suối mát lành như trước. Thiết nghĩ việc bảo lưu các vật dụng truyền thống của người Êđê nói chung và quả bầu nói riêng chính là bảo lưu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Êđê. Vì vậy việc phát triển và nhân rộng hơn nữa những giống cây bầu để tạo ra các sản phẩm du lịch đưa vào phục vụ du khách ở các địa điểm du lịch trên địa bàn Tây Nguyên chính là một việc làm thiết thực để quảng bá văn hóa địa phương, đồng thời để bảo tồn và phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cho chính đồng bào Êđê…
Nguyễn Hồ Nhật
Ý kiến bạn đọc