Multimedia Đọc Báo in

Những người "giữ lửa" cho buôn làng

07:55, 13/09/2015

Sưu tầm, truyền dạy sử thi Êđê, dạy diễn tấu cồng chiêng và sử dụng các nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, các nghệ nhân ở huyện M’Đrắk được ví như những người “giữ lửa” cho các buôn làng.

Suốt thời thơ ấu, nghệ nhân Ama An ở buôn Choă (xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) sống trong không gian thấm đẫm tiếng cồng chiêng, tiếng đing năm, đing tặc tà, đing puốt... Lớn lên, thừa hưởng vốn văn hóa truyền thống của ông bà, Ama An thành thạo kể khan (hát kể, diễn xướng sử thi), hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ, nhạc khí dân tộc. Ông tham gia nhóm các nghệ nhân của huyện, vừa có dịp đi biểu diễn, vừa có điều kiện để học hỏi các bậc đi trước. Những lúc rảnh rỗi, ông thường mang các nhạc cụ ra đánh, chỗ nào không biết, ông lại hỏi các nghệ nhân khác. Tâm huyết với việc giữ gìn, bảo tồn những hoạt động văn hóa tâm linh, đậm bản sắc truyền thống của buôn làng Êđê, nghệ nhân Ama An đã tích cực tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng nhạc cụ cho thế hệ trẻ. 
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện M'Đrắk năm 2015.          									    Ảnh: T.N
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện M'Đrắk năm 2015. Ảnh: T.N

Cũng với mong ước tiếng cồng chiêng của đồng bào mãi ngân vang giữa đại ngàn, nhiều năm qua, nghệ nhân Ama Phin (ở buôn Cư Prao, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) tích cực tham gia truyền dạy diễn tấu cồng chiêng và kể những chuyện xưa cho thế hệ trẻ, thanh niên tại các buôn làng. Bước sang tuổi 56, với gần 10 năm tham gia các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh và thanh niên, Ama Phin không khỏi trăn trở khi giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, hình ảnh các chàng thanh niên đánh chiêng, các cô gái nắm tay nhau trong điệu múa xoang quanh đống lửa bên những ché rượu cần ở các buôn làng đã dần phai nhạt. Ông nghĩ rằng, việc gìn giữ và phát huy truyền thống của cha ông để lại, lưu giữ nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình là một việc làm cần thiết, cần những người tiếp lửa tâm huyết. Vì vậy, ai có niềm đam mê nhạc cụ, muốn học đánh chiêng, chế tác nhạc cụ, ông đều sẵn sàng giảng dạy để truyền và giữ lửa truyền thống của cha ông để lại.

Không chỉ Ama An, Ama Phin, nhiều nghệ nhân khác của huyện M’Đrắk như Y Wit Mlô, Y Nha Niê, Y Bin Byă, Y Niu Êban... ai cũng đau đáu với việc giữ gìn văn hóa truyền thống, tự nguyện trở thành những người “giữ lửa” tiếp bước từ cha ông đến con cháu sau này đồng thời là “cầu nối” quan trọng truyền thụ nền văn hóa của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ các lớp học của nghệ nhân, nhiều thế hệ thanh thiếu niên ở các buôn làng đã được khơi dậy niềm say mê với cồng chiêng, nhạc cụ, dân ca, dân vũ. Tại lớp dạy đánh cồng chiêng cho học sinh do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức mới đây, em Y Biêng Hwing, học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện chia sẻ: “Chúng em được các nghệ nhân tận tình chỉ dạy về phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống của người Êđê, đồng thời được các nghệ nhân truyền dạy các điệu múa, cách đánh cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống, nên chúng em thấy yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình hơn”.

Theo số liệu công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2011, trên địa bàn huyện M’Đrắk có 40 buôn còn lưu truyền 32 sử thi; 29 chuyện cổ; 101 nghi lễ, lễ hội; 136 dàn chiêng; 51 bài chiêng; 28 bến nước; 105 bài cúng; 177 người biết diễn tấu chiêng và 58 người biết xử luật tục. Mong rằng, với những nỗ lực của huyện và sự góp sức của các nghệ nhân, danh sách này sẽ không bị mai một mà ngày một dài thêm...

Mỹ Sự - Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc