Dưới chân núi Cư Pui
Lịch sử của một vùng đất ở đâu cũng vậy, là sự vận động không ngừng về địa lý, dân cư, mô hình và tổ chức xã hội… Cứ nhìn vào vùng đất dưới chân núi Cư Pui (huyện Krông Bông) ngày nay sẽ thấy rõ điều đó.
Dân tộc cư trú lâu đời nhất ở đây là người M’nông Kuênh và Êđê Mthul - dù trải qua không biết bao nhiêu biến thiên của lịch sử, giờ đây họ vẫn hiện diện ở đó với vai trò đại diện và tiêu biểu nhất cho vùng đất được gọi là núi lửa này.
Điều làm nên sự tiêu biểu ấy là đời sống vốn gắn bó mật thiết với rừng của các tộc người thiểu số tại chỗ. Ông Y Mak Brông ở buôn Năng Tưng (xã Yang Mao - huyện Krông Bông) bảo rằng, mặc dù không còn ở trên núi Cư Pui nữa, buôn mới được lập gần con lộ chạy vào trung tâm xã, nhưng bà con vẫn thân thiết với rừng và thuộc về rừng như xưa. Ông già này luôn tâm niệm - rừng (gắn với các vị thần) luôn có sức ảnh hưởng, chi phối sâu sắc trong đời sống của các tộc người ở đây. Giữa mênh mông rừng, nếu ai đó lạc vào sẽ đầy ám ảnh, thậm chí cảm thấy bất trắc và hiểm nguy, nhưng đối với cộng đồng người M’nông Kuênh, người Êđê Mthul ở đây, họ vẫn tự tại và an nhiên như thể đó là một phần cuộc sống không thể tách rời.
Giờ đây, nguồn sống của gia đình già Y Mak vẫn chưa bao giờ tách khỏi rừng. Không những mây tre, nứa lá giúp ông đan lát những gùi, giỏ xách, thúng, mủng… mà cả những sản vật khác như măng, nấm và rau rừng được con cháu ông lấy về đều là nguồn sống truyền đời của rừng ban tặng. Tất nhiên, cũng vì lẽ đó mà họ yêu rừng hơn ai hết. Và đến nay, điều đó vẫn tiếp tục hiển hiện sinh động trong suy nghĩ cũng như cung cách hành xử của mỗi người. Khi chưa được phép, mọi người không bao giờ cầm đến bất kỳ công cụ nào xâm hại đến rừng, dù là một cành cây, một con thú nhỏ. Dường như cách hành xử đó, cùng với phương thức luân canh mùa vụ có luật lệ rõ ràng của các tộc người sống dưới chân ngọn núi lửa này đã góp phần làm giàu có thêm vốn tài nguyên rừng ở đây.
Tiếng kèn đing năm luôn gắn bó với người Êđê M’Thul. |
Còn với Buôn trưởng buôn Ngô (xã Hòa Phong) - Y Săn Kduôn thì rừng luôn là người mẹ giàu ân sủng. Y Săn cho hay, ở cái buôn này có hơn 110 hộ dân, nhà nào cũng nhận khoán bảo vệ rừng cho Vườn Quốc gia Cư Yang Sin. Tất cả đều dành cho rừng một tình yêu không hề suy giảm. Hằng năm người M’nông Kuênh ở buôn Ngô vẫn tổ chức lễ cúng rừng, dù rừng không thuộc quyền sở hữu của họ nữa. Rừng bây giờ do Nhà nước quản lý, nhưng không gian thân thiết ấy vẫn cho họ nguồn sống tối thiểu, vì thế nghi lễ tạ ơn rừng vẫn được cộng đồng duy trì và thực hành. Nét văn hóa lâu đời ấy đã giúp đời sống tinh thần của bà con không loãng ra, mờ nhạt rồi có thể tan biến trước thực tại đầy biến chuyển diễn ra.
Bến nước truyền thống dưới chân núi Cư Pui được gìn giữ, bảo tồn. |
Với một tâm thế sống với rừng như vậy nên hàng chục nghìn héc-ta rừng của Vườn Quốc gia Cư Yang Sin giao cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ quản lý, bảo vệ hơn sáu năm qua luôn bình yên, chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào - Y Săn khẳng định như thế và tâm sự rằng, một khi quần thể di tích lịch sử (bao gồm những địa điểm diễn ra các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) nằm trên dãy núi Cư Pui được công nhận là di tích cấp quốc gia và được chính quyền địa phương đưa vào đầu tư, khai thác để phát triển du lịch thì đừng quên vai trò, tấm lòng yêu rừng của bà con. Ông thiết tha mong được tiếp tục gắn bó với rừng - nhất là những nơi đã từng diễn ra các sự kiện lịch sử trên nhằm từng bước nâng cao, cải thiện cuộc sống sinh kế cho người dân buôn làng của mình. Sự mong mỏi ấy, ai cũng nhận ra trong chuyến khảo sát thực địa để hoàn thiện hồ sơ di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến H9 - Krông Bông hồi cuối tháng 8-2016 vừa qua. Chuyến đi ấy, Y Săn là người dẫn đường nhiệt thành và hăm hở nhất. Bởi vì, ngoài việc thông thạo từng gốc cây, ngọn cỏ trong những cánh rừng Cư Pui ra, trong con người ấy còn mang cả niềm hy vọng một ngày dưới chân ngọn núi lửa này sẽ có đời sống khác, trù phú và tươi đẹp hơn nhờ hoạt động du lịch được đầu tư, xúc tiến mở ra trên cơ sở liên kết, hợp tác với các cộng đồng người dân tộc tại chỗ; đồng thời cũng là nhân chứng sinh động cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng trên vùng đất anh hùng này.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc