Dấu tích Chăm trên đất Tây Nguyên
Có giả thuyết cho rằng, Tây Nguyên là một vùng cư trú biệt lập, không liên quan với thế giới bên ngoài, ít nhất cho đến thế kỷ 14 - 15 (?!)
Đến nay, điều đó đã được “giải mã” và cho thấy giả thuyết ấy không đứng vững được nữa khi một loạt di chỉ khảo cổ học được phát hiện trên vùng đất kỳ bí này từ những năm 90 thế kỷ trước cho đến nay.
Ngoài những di chỉ tiêu biểu như Buôn Triết (Đắk Lắk), Kiến Đức (Đắk Nông), Lung Leng (Kon Tum) và gần đây nhất là An Khê (Gia Lai)… với hàng nghìn hiện vật đồ đá, đồ gốm, đồ đồng được giới khảo cổ học phát hiện và công bố đã cho thấy hàng vạn năm trước, con người ở đây vốn có sự giao thoa, gần gũi với cư dân vùng đồng bằng Duyên hải miền Trung cũng như vùng Trung du Bắc Bộ trên các mặt văn hóa, xã hội và kinh tế… thì những dấu tích người Chăm còn tồn lưu, phát lộ trên vùng đất Tây Nguyên càng góp phần củng cố vững chắc cho nhận định trên.
Thực tế đã có rất nhiều di tích kiến trúc, văn hóa Chăm được tìm thấy rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Ngoài 4 di tích Chăm được khám phá tại Đắk Lắk: Tháp Yang Prông (Ea Súp), quần thể kiến trúc Chăm (Krông Ana), giếng Chăm và phế tích Chăm (chưa xác định chính xác là gì) tại Krông Bông, những nhà nghiên cứu văn hóa và khoa học còn tìm thấy nhiều công trình kiến trúc Chăm tiêu biểu như tháp Yang Mum, đền Drang Lai, thành Quai King (tỉnh Gia Lai) và Kon Klor (TP. Kon Tum). Những cái tên đó được nhiều nhà nghiên cứu (chủ yếu là người Pháp) tiếp cận và mô tả cặn kẽ, chuẩn xác để làm rõ mối quan hệ, giao thoa giữa các cộng đồng người ở khu vực Tây Nguyên – đồng bằng Duyên hải miền Trung trong suốt chiều dài lịch sử.
Tháp Chăm Yang Prông (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, Đắk Lắk). |
Với tháp Yang Mum thì từ năm 1901, Viện Viễn đông Bác cổ đã có thông tin về nó và cho đó là của người Chăm, nhưng không gọi tên tháp là gì. Tháng 6-1902, một học giả người Pháp - H. Parmentier đã đến đây và ghi nhận ngôi tháp được xây dựng trên nền đất đá ong, còn có một tấm bia và bức tượng thần Siva cưỡi trên con bò thần Nandin…
Tháng 3-1904, H. Parmentier quay lại thăm tháp, lúc này nó đã có tên là Yang Mum (theo cách gọi của người Jrai là tên một bà tổ của thị tộc Rchăm - dẫn lời của nhà dân tộc học J. Dourner). Còn Drang Lai cũng được nhắc đến như một dấu tích về đền tháp của người Chăm. Tuy vậy, theo tài liệu của Viện Viễn đông Bác cổ thì vào thời điểm đó, Drang Lai đã là phế tích được mô tả như “một cái nền đá ong và một chồng gạch”) cách Yang Mum chừng 4 km về phía tây (thuộc Buôn Đê, thị trấn Phú Thiện, thị xã Ayun Pa ngày nay). Dù vậy, các nhà khoa học Pháp cho rằng, những ký tự mà người ta tìm thấy ở ngôi tháp trên là của người Chăm có từ thế kỷ XV. Mặc dầu đến nay, cả Yang Mum và Drang Lai đều không còn hiện hữu ở Ayun Pa, Gia Lai với những dấu vết rõ ràng của đền tháp, nhưng từ những dấu tích này cho thấy người Chăm đã tồn cư ở Tây Nguyên từ cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15. Và những cộng đồng người ở đây đã có ảnh hưởng lẫn nhau trong qua trình chung sống.
Đáng lưu ý là TS. Nguyễn Thị Kim Vân (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai) còn cho biết: Từ những năm 1993, chị đã có những thông tin thực địa về các di tích Chăm ở Ayun Pa, sau đó lần lượt có các bài viết “Bức phù điêu Phật ở Gia Lai”, “Dấu tích văn hóa Chăm ở thị trấn Ayun Pa” và “Bức phù điêu Chăm ở chùa Bửu Tịnh” công bố trong các Hội nghị “Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học” do Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức, càng minh định thêm một điều: Tây Nguyên không phải là một vùng cư trú, hay một vùng văn hóa biệt lập.
Có thể nói rằng trong quá trình cộng cư hơn 300 năm ấy, các tộc người ở Tây Nguyên đã có điều kiện tiếp xúc, giao thoa với người Chăm để chắt lọc làm nên vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của mình. Vì thế, việc quan tâm, tìm hiểu và nhất là “giải mã” thông điệp từ những dấu tích Chăm trên vùng đất này cần được quan tâm hơn.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc