Sông xuôi về biển
1. Ông già ngồi trước dòng sông đã lâu, đâu như từ xế trưa nắng chao trước mặt giờ ngả sang chiều đổ về phía sau. Mỗi tháng có một lần, vào mùa gió, ông ngồi chỗ ấy, dưới gốc cây si già rợp bóng.
Ngày lại ngày, mùa qua mùa, cây si dần thành cội rễ đến vài vòng tay con người, các nhánh rễ đâm xuống hút nước dòng sông trông xa như tấm mành trước gió. Ban đầu dân trong xóm thấy lạ, lâu dần hóa quen, thành lệ từ nhiều năm nay, ông già bên gốc si già, bên dòng sông cũng già vì nước đã dần cạn kiệt nhường cho một thứ nước, đó là nước mặn từ cửa biển len vào mỗi mùa gió nam, nó cứ âm ỉ tràn vào, thấm vào, khiến đất đôi bờ dần ngả màu đỏ quạch.
... Có tiếng cười của bầy trẻ nhỏ lúc chiều chưa đi, còn le lói bóng nắng nhàn nhạt trên đoạn sông vắng nằm dọc theo các quả đồi lô nhô, gối đầu trông tựa bát úp mà chồng lên nhau, cái to cái nhỏ xanh rì. Lũ trẻ làng từ nhỏ, lớn dần lên hết thò lò mũi dãi, hết quần thủng đáy, hết tóc xác xơ đưa tay chỉ lên những quả đồi bát úp đấy mà bảo: “Cặp này là vợ chồng thằng Thục, cặp kia là vợ chồng con Mây”… rồi cười ré, nắm vai rung lắc đấm thùm thụp vào nhau và ào chạy về những sợi dây cột bò, những thúng mủng đựng đầy trái bầu bí, mướp dưa hay những bó củi cao có ngọn được siết chặt bằng những sợi dây mây rừng và tất cả đều lần lượt theo con đường mòn mà về xóm nhỏ nằm khuất trong cụm đồi bát úp…
Đó cũng là những mùa gió. Sau mưa, sau lũ, là gió đi qua; là xào xạc và vung vãi cành lá. Gió cứ tràn qua, thốc lại, thổi hun hút vào hốc núi có những quả đồi bát úp án ngự. Những quả đồi nhiều bụi sim tím cứ rùng rùng chuyển động, xô dạt hết quãng này đến quãng khác như trò chơi cút bắt của bọn trẻ. Và gió, và mưa, và lũ lụt cứ đẩy bọn trẻ lớn dần lên, phổng phao, vỡ giọng để bất chợt, cũng vào một mùa gió, chúng đã cảm thấy ngại ngùng khi vô tình trong các trò chơi đã nắm phải tay nhau hay những lúc nhảy xuống khúc sông cạn để hiện lồ lộ da thịt mình trong làn nước.
2. Đó là quãng thời gian thơ ấu của già Ngự (tên người đàn ông); quãng thời gian tươi nguyên, sáng rỡ, không vết xước cuộc đời. Nếu cứ như thế mãi, lão cũng chẳng ngồi ở nơi này làm gì, mà có khi lão cũng là chồng của một cô gái nơi xóm nhỏ ấy. Nhưng vào độ có gió quăng quật, đã xuất hiện bóng lính và những cụm lô cốt án ngữ con đường đi lên các ngọn đồi bát úp.
Già Ngự và đám bạn làng quay về khúc sông có nhiều bụi rù rỉ che rậm. Buổi trưa, từ nhánh cây gạo kề bến sông, cả bọn con trai hò hét lao mình xuống nước; còn bọn con gái ngồi dưới tàn cây chụm đầu trò chuyện. Nắng lắm, nắng chao chát, vàng cháy từng bụi cỏ gà. Nắng làm ông lấy tay che trán nheo mắt nhìn về phía đồn bót, dãy hàng rào thép gai cùng gã lính gác ngồi im như tượng. Vậy mà mỗi lần làm vậy, ông lại thấy Mây cũng làm động tác như ông và thêm nữa, cũng nheo mắt nhìn ông rồi cúi xuống bẽn lẽn cười một mình. Một lần, ông lấy tay che trán nhưng không nhìn về phía dãy đồi bát úp mà nhìn thẳng vào Mây. Mây cười, cặp mắt nâu nhìn ông không chớp và lại cúi xuống cười.
Những bụi rù rì nơi bờ sông không biết có tự khi nào, lúc ông nhận biết ở trên đời thì nó đã mọc dọc theo khúc sông. Rễ đâm thẳng xuống nước, ngoặc sâu vào bờ đất, cành đan ngang dọc, quấn nhau chằng chịt bền vững dù mưa nắng, bão lũ bời bời, vẫn một màu xanh của lá. Trong bụi rù rì che rậm, khuất tầm nhìn bên ngoài chỉ còn lỗ chỗ bóng nắng nhảy múa vì gió xao xác; ông nhìn Mây, gần lắm và chỉ có hai người. Ông nghe cả tiếng thở dồn rồi nắm tay Mây, lần đầu tiên nhưng mắt thì lại nhìn ra ngoài, phía đồn bót thỉnh thoảng bắt nắng lóe sáng những chùm lon rỗng treo trên hàng rào thép gai nham nhở.
Súng đã nổ, đêm dài hơn cũng những chùm hỏa châu treo lơ lửng trên dãy đồi bát úp, tiếng chân người đã rậm rịch ngoài đường khi không một tiếng chó sủa trăng. Cha nói, lính đóng đồn chặn ngã về của anh em du kích. Mẹ bảo, làng này sẽ chẳng yên. Còn ông nhìn thấy những bụi rù rì ven sông bị đám lính ngày ngày chặt phá để tạo khoảng trống. Nhưng rù rì vẫn vậy, xơ xác rồi xanh sắc lá khi màu xanh của những ngọn đồi bát úp dần dần đen nhẻm, trơ ra từng cụm đá màu gan gà thi gan với nắng, với mưa, với đì đùng tiếng súng.
Một lần ông cùng Mây ngồi trong bụi rù rì, dưới chân nghe tiếng nước chảy nhẹ, Mây hỏi Nước này về đâu anh?”; ông trả lời “Xuôi về biển”. Mây lại hỏi “Nơi này, mai kia ra sao hở anh? Nghe bảo…”.Ông chặn lời và nắm tay Mây “Không sao cả, vẫn còn mọi người”. Tán là rù rì phủ kín, cái hôn nhẹ như gió thoảng đã không phủ kín được đôi mắt to tròn, đen thẳm đầy lo âu của Mây. Và ngày đó cũng đến, khi trực thăng quần xéo bầu trời cùng sự càn quét của lính. Mọi người đã túa ra đồng bỏ mặc cánh quạt trực thăng xáo tung mọi thứ, từng nóc nhà bốc cháy lẫn trong tiếng kêu gào. Những ngọn đồi bát úp như đang nhìn về khúc sông vật vờ trong khói lửa, cuồn cuộn những tàn tro từ phía những bụi cây rù rì. Ông tìm Mây trong sự hỗn độn cùng cực và lần cuối cùng, trước khi lao đi, nhắm thẳng vào hẻm núi là bóng Mây, dáng Mây đang chới với trong đám người bị xô về các khung cửa máy bay đang từ từ nhấc càng rời khỏi mặt đất. Từng chiếc, từng chiếc hối hả quạt cánh lao lên bầu trời và nhỏ dần, nhỏ dần trong mây bụi.
3. Đó là quảng thời gian ông kiếm tìm, quãng thời gian ông trở thành một người giao liên qua mỗi cung đường, mỗi binh trạm, mỗi thôn làng ngoại ô. Ông hỏi, ông kể, ông muốn tìm cái kết cuối cùng là Mây đang ở đâu. Những lá thư, tin tức đi qua trạm xuất phát từ các vùng bị chiếm đóng là ông nôn nao, hồi hộp như chính của Mây, Mây đang ở đó. Có người bảo ông, lần ấy, lính lùa dân về các ấp chiến lược, có người cho rằng đợt ấy dân bị thanh lọc và chuyển đi vùng khác. Mà chiến tranh thì việc gì chẳng xảy ra. Và ông lại tìm, lại về làng khi mọi việc qua đi, khi đồn bót trên đồi bát úp vẫn còn, khi những bụi rù rì đã xanh sắc lá trở lại. Có lần, ông bám trụ ở lại giữa tán lá rù rì, nhìn dãy đồi bát úp trước mặt mà nhớ một thuở yên bình, nhớ lúc ông nhè nhẹ vén tóc Mây để Mây nghiêng mặt sang ông chờ một nụ hôn dài; nhớ lúc cả hai trốn mọi người đưa nhau vào giữa bụi rù rì chen đầy cành rễ và đong đưa như cánh võng, ông lại thấy ánh mắt to tròn nhìn ông, thèn thẹn nghiêng mặt về ông…
4. Quãng thời gian sau chiến tranh, ông trở lại ngọn đồn bát úp và khúc sông đã cạn, lơ thơ những bụi rù rì cằn cỗi. Dĩ nhiên, chẳng còn gì hết. Có chăng, nghĩa trang làng thêm nhiều ngôi mộ mới và những người mới từ nơi khác đến. Những vạt sim, mua chen mọc trên các gộp đá màu gan gà với tiếng chim từ quy gọi bạn lảnh lót khắp các triền đồi vào giữa mùa gió. Ông về phố, nơi đơn vị là cơ quan bưu chính và dựng căn nhà nhỏ ở cuối dòng sông xuôi về cửa biển, nơi có rất nhiều bụi rù rì ven bờ mọc xanh tán lá. Giờ thì ông đã biết, Mây đi xa lắm, đã cách nửa vòng trái đất. Thục, người bạn làng cũ, người cuối cùng trong đường dây giao liên trước khi dẫm phải quả mìn định hướng địch cài, bảo “Lúc ấy, con Mây kêu tên mày là nhớ tìm nó, dù gì cũng phải tìm…”. Sông thì xuôi về biển, ông cũng xuôi về để đợi một ngày nào đó, Mây sẽ trở lại.
Ông già ngồi trước dòng sông đã lâu, lâu từ xế trưa nắng chao trước mặt dần ngả sang chiều đổ về phía sau nơi ông ngồi. Mỗi tháng có một lần, vào đận gió, ông lại ra ngồi chỗ ấy, dưới gốc cây si già rợp bóng. Ngày lại ngày, mùa lại mùa… ông già ngồi bên gốc si già, bên dòng sông cũng già… quanh ông là những bụi rù rì dọc theo triền sông. Phía bờ bên kia, là kè đá trải dài, là phố. Năm tới, cây cầu bắt qua sông cong như vành mi của một người con gái sẽ hoàn thành. Người ta sẽ thấy sông xuôi về gặp biển khi đi trên ấy. Và chắc chắn rằng, nơi ông ngồi sẽ là bờ kè tiếp theo, sẽ không còn cây si già mọc sát dòng nước, không còn những bụi rù rì xanh lá trong tiếng nước xô bờ. Chỉ còn nơi xa kia, là tiếng sóng biển rì rào vỗ bờ, vỗ tràn lên bãi cát, tràn lên mãi hết ngày này lại qua ngày khác.
5. Mây đã về cách đây 5 năm, khi đặt chân lên ngọn đồi bát úp thì những gì của ngày cũ đã không còn. Nhà mới, người mới, cái tên của làng cũng mới, tên người làng ngày cũ chỉ còn trong tâm tưởng và đâu như nếu còn, thì ở xa lắm. Jack, chồng Mây, ân cần bảo “Em hãy về bên ấy một lần như sông xuôi về biển”. Jack ôm vai Mây lúc ở chân cầu treo Goldengate thuộc bang Francisco vào hạ, có nắng, có mây, có gió để cả hai nhớ về một thời. Thời của hai kẻ bị chiến tranh dồn ép, gặp nhau, người thì mất quê, người thì nhiễm chất độc da cam lúc đồn trú trên những cánh rừng nhiệt đới.
Jack mất. Mây lại theo chuyến đi về nguồn, cô ngồi ở cuối dòng sông trong một mùa gió nam non thổi. Bên kia là bờ sông có nhiều bụi rù rì và cây si già. Bên này là kè đá trãi nhìn ra cây cầu cong cong hình vành nón lá, xa nơi kia là những làn sóng cuộn xô bờ. Sông đã xuôi về biển, dòng nước nơi Mây ở qua những bến bờ xa lạ, của bao thác ghềnh, bao cây cầu, bao làng mạc để hòa làm một. Ngày mai cô vào thành phố, cũng có thể sẽ đến đài truyền hình nhờ tìm người thân như bao đứa trẻ khác và cũng có thể không, thời gian đã qua, dài gần hết một đời người. Mây nhìn bên kia sông đã chiều nhập nhoạng có những bóng người qua lại dưới lũy tre, bên cây si già, thấp thoáng qua những bụi rù rì. Bất giác cô nghiêng người vén tóc, hình như có ngọn gió nhẹ vờn qua, nhẹ như nụ hôn ngày cũ…
Ý kiến bạn đọc