Multimedia Đọc Báo in

Một tình huống

15:50, 16/07/2010
Về đến nhà, ông thấy Thu – con gái ông ngồi khóc tấm tức trong phòng học. Ông ngạc nhiên định hỏi thì Thu nói: “Bố chở con qua nhà cậu!”. “Việc gì vậy? Sao phải qua nhà cậu?”. “Qua nhà cậu để con hỏi có tội gì mà cậu nói con mất dạy”.
 
Câu trả lời của con gái làm ông thấy như chính ông bị xúc phạm. Sự tức giận bùng lên khiến ông định làm theo lời con gái, nhưng trách nhiệm làm cha đã ghìm chân ông lại. Việc đâu còn có đó, ông phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định, không thể để cảm tính chi phối hành động. Mỗi lời nói, việc làm của ông đều là mỗi bài học dạy con cái nên người, ông không thể để sơ suất.
 
Ông kéo ghế ngồi đối diện với con gái, nói: “Bố biết mắng một người mất dạy là liên đới xúc phạm đến cả gia đình, dòng họ. Người sống có văn hóa không bao giờ buông lời mắng ấy với người khác. Về phần cậu con, bố sẽ hỏi vì sao với tư cách người lớn với nhau. Về phần con, con xem lại có làm điều gì thất lễ với cậu không? Nếu có thì phải biết tự sửa mình”. “Nhưng thưa bố, nếu không nói được thì con ức lắm. Híc… híc… Nếu con sai thì làm cậu phải chỉ bảo con chứ sao đi nói với người khác là con mất dạy”. Thu vừa nói, vừa khóc. Nước mắt của con làm lòng ông xốn xang. Nhưng không thể chiều theo ý nó được. Dù đang học lớp 12 nó vẫn chưa phải là người lớn. Không khéo xử sự sẽ đổ vỡ tất cả. Ông phải làm sao để vừa giữ được hòa khí anh em, vừa giải tỏa được nỗi ấm ức của con?
 
Để xoa dịu sự căng thẳng, ông nói: “Xem kìa… lớn rồi mà khóc như trẻ con vậy. Nín đi! Nghe bố nói đây: Học đến lớp 12 con có hiểu câu: “Ai đội mũ lệch người ấy xấu” không?” Thu lau nước mắt, đáp: “Dạ con hiểu. Câu ấy ngự ý nói người nào làm điều không tốt thì bản thân người ấy xấu”. “Tốt. Vậy thì thay vì tức tối vì bị người khác xúc phạm, con hãy tự kiểm xem mình có vô tình làm điều gì thất lễ không? Phải biết suy nghĩ điều lợi hại trước khi nói hoặc làm một điều gì. Nếu một người không biết giữ mình thì người ấy là một con rối luôn bị người khác điều khiển mà không biết. Nếu tự xét không phạm điều gì lầm lỗi thì con cũng không nên đôi co với cậu vì con là cháu, sẽ vô tình thực hiện dụng ý không tốt của người cho con thông tin. Giả sử cậu có nói và cho rằng cậu đúng tất nhiên con sẽ vì oan ức mà tức giận lớn tiếng. Con cháu mà lớn tiếng với người lớn là vô lễ. Vô tình con đã gián tiếp chứng minh cho mọi người thấy lời cậu nói đúng. Giả sử cậu không nói và yêu cầu con cho biết kẻ dựng chuyện, con sẽ tốn thời gian chạy rông cho những việc vô bổ… Con hãy tránh xa người cho con thông tin ấy, bởi bố tin rằng đó không phải là người tốt. Một người biết sống hòa thuận sẽ không đem chuyện người này đi nói với người kia. Tóm lại, việc con đi gặp cậu là không nên. Con hiểu chứ?"
 
Thu ngồi yên, nét mặt đã tươi trở lại, trong lòng không còn ấm ức. Bố nói đúng. Điều quan trọng là mình không làm điều gì thất lễ với cậu. Còn cậu có nói hay không thì “ai đội mũ lệch người ấy xấu”. Thu nhoẻn miệng cười, nói với bố: “Con hiểu rồi thưa bố”.
 
Nhìn con gái cười tươi, lòng ông thư thái. Ông mừng vì đã giải quyết xong một tình huống khó xử đặt ra cho người cha. Về lời nói của cậu nó, nếu có, vào dịp thuận tiện ông sẽ nói trên tinh thần xây dựng. Ở đời, xây thì khó chứ phá bỏ thì dễ, nhất là lĩnh vực tình cảm.
Trần Xuân Thụy

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Sông xuôi về biển
17:49, 28/05/2010
Sông xuôi về biển
17:49, 28/05/2010
Tác phẩm để đời
15:16, 22/05/2010
Tác phẩm để đời
15:16, 22/05/2010