Nơi tình yêu gặp nhau
Tối thứ năm, sinh hoạt tiểu đội, Hưng bị cảm, cuộn mền nằm. Mưa đổ ào ào trên mái ngói nhưng những lời phê bình của tiểu đội trưởng từ bên kia tường vọng sang, anh nghe cả: “Đồng chí Hưng không được thức đêm quá quy định, ảnh hưởng đến huấn luyện ngày hôm sau”. Lần trước, Hưng cũng bị phê bình, mấy cậu trong tiểu đội xúm lại chọc: “Tình yêu thời mở cửa, “miệng nói tay làm”, còn cậu đêm đêm sản xuất những bức thư sũng nước, quá xưa!”. Không như nhiều người chỉ cần bấm điện thoại là có thể hôn gió với người yêu xa vạn dặm, anh biết làm gì hơn viết thư mỗi khi nhớ Thảo.
Chẳng “tìm” nhưng cứ như lời các cụ, Hưng là “trai khôn” đấy. Anh gặp Thảo nơi cái chợ ven sông, trên bến dưới thuyền, nhộn nhịp từ buổi hừng đông. Lần đó đơn vị dã ngoại, giúp dân làm đường. Tiểu đội trưởng đưa ra sáng kiến, mỗi người đi chợ nấu cơm một ngày để xem “tâm hồn ăn uống” tới đâu. Lý do “tôi không biết đi chợ” của Hưng khiến tiểu đội cười ầm. Thì ai biết đi chợ?! Không biết càng phải tập để sau này nuôi vợ đẻ-tiểu đội trưởng bảo. Bữa đầu đi chợ, Hưng bỏ tiền túi ba chục ngàn đồng thêm vào nhưng vẫn bị chê: “Cậu mua phải thịt con heo lên lão rồi!”. Lần sau, Hưng đến hàng cá. Cô bán cá có nước da bồ quân, đôi mắt tròn to tươi cười chào mời. Thấy anh chỉ vào chỗ cá phèn, cô khoát tay, nói nhỏ: “Cá này hơi ươn, anh mua loại khác đi”. Hưng ngây thơ: “Với ai em cũng nói vậy?”. “Với ai lớ ngớ đi chợ thôi”- cô gái mỉm cười, ngước nhìn Hưng rồi lúng túng quay đi. Quay đi nhưng họ có nhau từ đó. “Mua đắt rồi chú bộ đội ơi - có lần Thảo, cô gái ấy xem những thứ Hưng mua rồi bảo - lần sau, anh trông hàng, em mua cho”. Cả tiểu đội nức lời khen Hưng đi chợ tài. Không còn chối đây đẩy như ngày nào, giờ anh ham đi chợ một cách đáng ngạc nhiên. Hôm chuẩn bị làm cơm chia tay bác chủ nhà trước khi trở lại đơn vị, tiểu đội trưởng lúng túng không biết nên làm món gì cho ngon. Hưng xung phong “em thiết kế cho” rồi đi chợ. Lúc trở về trên xe, anh lỉnh kỉnh chở nào thịt cá rau củ và phía sau... là Thảo. Mọi người trố mắt. Cô gái, sau phút bẽn lẽn đã vào bếp làm cơm, tự nhiên như người nhà. Ba tháng đã qua kể từ lần dã ngoại đáng nhớ ấy.
Ngày mai, Thảo đến. Nghĩ tới lúc gặp nhau, Hưng bồi hồi. Kẻng ngủ đã lâu nhưng anh vẫn thao thức; anh mong ngày này hệt đứa trẻ chờ Tết vậy. Anh sốt ruột nghe mưa càng lúc càng dữ dội; mưa quất rào rào trên mái ngói; mưa đan thành tấm lưới bất tận trùm mọi nẻo. Đang chập chờn trong giấc ngủ không sâu, Hưng bị dựng dậy bởi tiếng kẻng báo động thúc giục. Mọi người vội vã cuộn chăn màn, mặc quần áo. Cúp điện, tiểu đội trưởng cầm đèn pin đứng giữa nhà, nói lớn:
- Tất cả chú ý, nước sông đang lên cao. Ngay bây giờ chúng ta đi cứu đê. Riêng đồng chí Hưng ốm, ở lại trông đơn vị.
-Không, tôi đi - vừa lúi húi buộc dây giày, Hưng vừa nói-Trông nhà đã có vệ binh.
Tiểu đội trưởng bước tới vỗ vai Hưng:
- Cậu đang ốm, vả lại hôm nay Thảo đến...
- Không sao đâu - giọng Hưng ngàn ngạt - ở nhà sao được.
Mọi người đội mưa hướng về chiếc ô tô đang nổ máy ở sân bóng mà chạy. Tiếng cuốc xẻng va vào nhau lẫn trong tiếng xuýt xoa vì lạnh. Hưng chạy lại chỗ anh vệ binh đang gác, nói gì đó rồi bu thành xe, vọt lên sau.
Cơn lũ dữ bị chặn lại bởi bờ đê càng lúc càng cao. Dầm mình trong mưa, những người lính tất bật lao vào trận. Khi cơn lũ đuối sức, co lại và buông mình về xuôi, các anh dừng tay. Mệt nhưng đứng trên đầu mép nước nhìn khói lam chiều tỏa ra từ những mái nhà dưới chân đê, Hưng vui. Anh chợt nhớ Thảo. Chắc nàng chờ lâu lắm-phỏng đoán ấy phập phồng trong anh suốt chặng về. Lúc xe đang chạy chậm, chờ mở cổng đơn vị, Hưng vọt xuống, chạy lại trạm gác... Thảo không đến! Đặt bao giả thuyết để tự an ủi vẫn không cho Hưng yên lòng sau những ngày dài chờ đợi. Bấy giờ, những mệt nhọc qua một ngày khiêng đất cùng trỗi dậy khiến anh rã rời.
(Ảnh minh họa) |
Khi ngày mới bắt đầu, đơn vị lại lên đường giúp dân gặt lúa. Chiều qua, khi ngang qua những đồng lúa chín vàng đang tan tác trong dòng nước bạc, Hưng lặng người, thương bà con lặn lội giữa mênh mông nước, cố vớt từng bông lúa. Được đón những người lính đến giúp sức, nỗi lo trên gương mặt bà con vợi đi. Những nụ cười hiếm hoi cùng vui buồn trong lũ râm ran. Chị chủ nhà hết kể những mất mát đến ân tình trong hoạn nạn; những mẩu chuyện được kết thúc bằng dấu chấm than và khoảng lặng sau đó. Hưng chột dạ khi nghe chị kể về cô gái vừa cứu được ba em học sinh trong dòng nước xiết. “Chẳng biết tên, chỉ nghe mấy bà chứng kiến nói hay gặp cô ta bán cá ở chợ bên kia sông, đang đi thăm bạn”. Nghe Hưng hỏi, chị chủ nhà thật thà: “Lúc ghe sắp cập bến thì một súc gỗ từ trên nguồn trôi xuống đâm vào, chìm luôn. Cô ấy vừa bơi vừa dìu được hai đứa nhỏ vào bờ rồi bơi ra kéo tiếp đứa nữa nhưng đuối sức, chới với, may là ghe cứu hộ tới kịp. Giờ cô ấy còn nằm trên trạm xá xã ấy. Sáng nay, có mấy ông “truyền hình” hỏi thăm rồi thấy bơi ghe lên hướng đó”. Mọi người chăm chú cắt lúa, không ai để ý thay đổi trên sắc mặt Hưng.
Và vội bát cơm trưa, Hưng gặp riêng tiểu đội trưởng rồi vội vã đi. Sau ba mươi phút bì bõm trong nước, anh đến trạm xá xã. Hồi hộp, Hưng bước lên tam cấp dãy nhà dài, nơi có những khuôn mặt nhăn nhó của người bệnh. Mùi thuốc tây lẫn mùi cồn phảng phất khiến anh cảm giác lành lạnh. Đến phòng thứ ba, anh thấy cô gái nằm một mình, đang thiêm thiếp ngủ; tấm ga trắng kéo đến cổ khiến khuôn mặt thêm nhợt nhạt. Thảo! Hưng lặng người rồi bước vội vào phòng. Nghe động, Thảo thức giấc, chớp mắt:
-Ôi, anh! Sao biết em ở đây?
- Anh nghe bà con nói-Hưng nắm chặt tay người yêu - em đỡ chưa?
Thảo nhìn anh mỉm cười, khẽ gật đầu, giọng chợt nhỏ lại:
- Bữa qua chờ em lâu không?
- Không, anh cũng đi cứu đê. Nhưng cứ lo em tới, không gặp lại buồn...
Họ im lặng nhìn nhau. Anh đưa tay vén những sợi tóc vương trên má người yêu:
-Vậy là tụi mình đã gặp nhau trong lũ rồi.
Ý kiến bạn đọc