Cõi bình yên
Năm đó Tịnh 26 tuổi còn nàng mới vừa bước qua tuổi hai mươi. Lần đầu gặp nhau nàng nhìn Tịnh bằng đôi mắt thờ ơ lạnh lẽo, nhưng chính giây phút ấy Tịnh lại cảm thấy lòng bồi hồi một thứ cảm giác lạ lùng mà Tịnh chưa từng trải qua. Tịnh chưa bao giờ quên lần đầu gặp gỡ ấy, nàng nhỏ bé như một con mèo ngồi nép mình vào một góc trên chiếc xích đu trong sân nhà nàng, nàng chỉ nhìn Tịnh một thoáng lướt qua vừa đủ thay lời chào cho người khách lần đầu đến nhà. Ánh mắt ấy theo đuổi Tịnh lâu lắm, rất lâu, mỗi khi Tịnh nhớ lại những ngày tuổi trẻ của mình.
Tịnh mồ côi rất sớm. Anh lớn lên cùng người chị hơn mình khá nhiều tuổi trong một ngôi nhà ở quê. Quê hương Tịnh hiền hòa và nổi tiếng giàu có nhưng nhà Tịnh lại nghèo. Cha mẹ mất đi chẳng để lại gì ngoài nếp nhà thanh bạch nằm trong một vuông sân chỉ đủ để trồng mấy luống hoa huệ. Những cành hoa huệ xanh mướt mà là phương kế sinh sống của chị em Tịnh. Mỗi tháng đôi lần Tịnh giúp chị cắt hoa mang ra chợ sau khi để lại dăm cành đơm lên bàn thờ cha mẹ những ngày sóc vọng. Hương hoa huệ nồng nàn ôm ấp tuổi thơ của Tịnh, bình yên và ôn hòa như tuổi thuở còn có cha mẹ trên đời. Nhưng rồi chị gái Tịnh đến lúc phải lấy chồng. Anh rể cũng không giàu có gì, đã về cùng chị em Tuệ dưới mái nhà của mẹ cha.
Khi không thể ở mãi với chị, Tịnh ra đi. Bỏ lại sau lưng ký ức mờ nhạt về làng quê, bỏ cả những ngày lưng trâu sáo thổi, mắt dõi theo cánh diều dán bằng giấy học trò trên bầu trời xanh ngắt. Và mỗi khi nhớ lại quê nhà Tịnh chỉ mang máng nhớ mùi hương thoang thoảng trên những cánh đồng xanh rì, rập rờn những sóng lúa mềm mại thời con gái.
Tịnh vào thành phố, sống với đám bạn trong những căn nhà thuê lay lắt qua đủ những con hẻm nhỏ trong thành phố, giấc ngủ mỗi đêm chập chờn với những tiếng rao đêm, tiếng gõ lóc cóc của những đứa trẻ bán mì dạo. Học hành, cơm áo trộn lẫn vào nhau đến nỗi Tịnh chẳng còn nhớ rõ rệt về những gì mình đã trải qua. Rồi Tịnh cũng học xong đại học, nhưng cũng không có gì khác với những ngày đi học, Tịnh làm đủ thứ việc, mỗi việc trong đôi ba tháng đủ cho những hộp cơm từng ngày và tiền thuê nhà góp với lũ bạn. Lâu ngày rồi cũng nản, Tịnh bỏ phố về quê.
Tịnh ghé qua nhà nàng trong lần đi cùng người anh rể, tình cờ hóa hay, công ty của bố nàng vừa khuyết một chân kế toán. Công việc mới phù hợp với những điều đã học nên cuốn hút Tịnh ngay. Văn phòng Tịnh làm việc nằm đầu một dãy nhà, có khuôn cửa sổ hướng ra khoảng sân rộng, ở đó thỉnh thoảng Tịnh nhìn thấy nàng đi ra đi vào. Đôi lần giáp mặt nhau ở cổng nhà, Tịnh chỉ nhận cái liếc mắt và cái gật đầu chiếu lệ. Không khó gì để biết tuổi biết tên của nàng nhưng nói chuyện với nhau cũng thật là khó. Tịnh vốn là người thiếu thốn tình cảm gia đình, sống vò võ một mình lâu dần nên Tịnh hóa ra khô khan, anh ít nói, ít cười, không có bạn bè, chỉ biết công việc.
Có một dạo Tịnh chợt nhận ra mình thường nghĩ về nàng. Nàng không đẹp lại có vẻ nghiêm trang hơn những cô gái trẻ cùng tuổi. Tịnh nghĩ nếu Tịnh và nàng ngồi đối diện nhau chắc là giống hai người mẫu được dùng để trưng bày thời trang – nghĩ rồi cười thầm một mình, rồi lại nghĩ và thấy nhớ nếu không gặp được nàng. Nhưng nàng không khô khan như Tịnh nghĩ, nàng cũng cười nói hồn nhiên với bạn bè, nàng cũng nghịch ngợm, vui vẻ với đứa em. Phát hiện ra tính cách thật của nàng Tịnh lại càng muốn đến gần nàng hơn. Nụ cười của nàng tươi mát tâm hồn vốn cằn cỗi của Tịnh, ánh mắt dịu dàng của nàng làm Tịnh muốn hụt bước chân và Tịnh biết mình không phải là gỗ đá.
Tịnh làm quen được với nàng khi ông bố muốn khoe cô con gái rượu giỏi giang. Ngồi trước Tịnh, nàng không phải là cô người mẫu bằng gỗ, nàng có thể nói được đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà Tịnh gợi ý. Tịnh thú vị khi được nói chuyện cùng nàng như tìm thấy người tri âm hiếm hoi gặp được trong đời.
Và Tịnh yêu đời hơn, anh nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Không ai nhận ra điều đó bởi anh chưa từng có một người bạn thân nào đến độ có thể chia sẻ mọi chuyện riêng tư. Vậy mà nàng cũng biết. Tịnh thật bất ngờ và khi tỉnh ra thì anh sung sướng đến nỗi muốn la hét lên cho mọi người thấu hiểu hết tâm can của anh. Đó là một buổi chiều thứ bảy, Tịnh nán lại văn phòng để làm cho xong bảng quyết toán công trình, khi Tịnh đóng cửa văn phòng thì trời chợt đổ mưa, nàng đứng ở hiên nhà trong gọi với:
- Anh Tịnh, mưa chắc là lâu, anh lấy áo mưa đi về kẻo ướt.
Tịnh cầm chiếc áo mưa, thầm cảm ơn cơn mưa bất ngờ – anh không vội đi về mà dừng lại nói với nàng ít câu:
- Hổm rày tôi không thấy Nhiên ở nhà.
- Tôi đi làm, tôi được nhận vào làm việc ở Viện Hải dương.
- À, ra thế! Vậy phải ăn mừng chứ, tôi mời Nhiên ly cà phê.
- Thôi, hôm khác, trời đang mưa mà anh.
Mỗi lần nhớ lại buổi chiều hôm ấy Tịnh lại phục mình, không hiểu bằng cách nào anh đã mời được nàng vào quán cà phê ở đầu ngõ. Nàng không uống cà phê mà gọi một ly trà lipton. Tịnh bỏ đường, vắt chanh và rất biết ơn vì nàng đã không từ chối sự săn sóc ấy.
Trời mưa suốt buổi chiều, cơn mưa nhởn nhơ vừa đủ để Tịnh và nàng thân thiết hơn. Nhưng Tịnh không đủ can đảm nhìn lâu vào mắt nàng, Tịnh nhìn những sợi mưa màu trắng phía sau nàng, những sợi mưa đọng lại trên mái hiên rồi xếp hàng rơi từng giọt và vỡ tan dưới thềm. Nàng hỏi: “Dạo này anh Tịnh có gì vui mà cười hoài, khác với lúc trước!”. Tịnh lúng túng không trả lời nhưng lòng êm ái với nụ cười dịu dàng của nàng lúc từ giã. Ánh mắt ấy, nụ cười ấy làm rung lên con tim vốn đơn điệu, nghèo nàn của Tịnh.
Đó là lần duy nhất Tịnh được cùng nàng sánh đôi trên phố, con phố ngắn củn ấy lại là kỷ niệm tình yêu của Tịnh với nàng. Tịnh thoắt giật mình khi lần đầu nghĩ đến tình yêu, và khi không thể nào dối mình được thì Tịnh nghĩ rằng phải nói cho nàng biết.
(Ảnh minh họa) |
Có những sai lầm không bao giờ có thể sửa chữa được, đó là sai lầm làm cho Tịnh ân hận mãi. Nàng rút nhanh tay lại, bỏ chạy vào nhà, Tịnh không bao giờ quên đôi mắt mở to đầy kinh ngạc của nàng. Tịnh đi về sau khi gửi lại cho nàng mấy câu thơ trong quyển sách nàng bỏ quên lại trên xích đu. “Em ngồi hong tóc sớm mai. Gió tàn thu thổi qua tay rất mềm. Mắt môi thiếu nữ ngoan hiền. Tóc mây em cõi bình yên ta về”.
Nhưng nàng im lặng, nàng tránh mặt Tịnh cho đến ngày Tịnh nghỉ việc ở công ty của ba nàng. Tịnh lại bỏ phố ra đi, cứ nghĩ là xong một mối tình và mọi chuyện sẽ xuôi vào lãng quên.
Thật ra thì Tịnh chẳng hề quên. Ở xa nhưng thỉnh thoảng Tịnh vẫn nghe tin tức về nàng, kỷ niệm ít ỏi giữa nàng và Tịnh cũng đủ để lòng Tịnh xao động khi nghe tin nàng đi lấy chồng. Rồi Tịnh cũng lập gia đình. Vợ của Tịnh là người phụ nữ hoàn toàn đối lập với Tịnh, chưa bao giờ Tịnh thấy người phụ nữ nào nói nhiều như vợ mình. Sống với nhau cho đến nửa đời người mà Tịnh với vợ vẫn cứ là hai người lạ với nhau, cô ấy không hiểu nổi những điều Tịnh nghĩ, còn Tịnh thì không hiểu nổi tại sao mình sống cạnh một người như thế được từng ấy năm. Công bằng mà nói thì Phụng là người phụ nữ tốt, lo lắng cho chồng và thương yêu con. Cuộc sống của Tịnh cũng tốt dần qua thời gian cho dù nó cứ đều đều tẻ nhạt. Tịnh cũng chẳng để ý mình có còn trông đợi điều gì cho đến khi Tịnh gặp lại nàng.
Không thể hình dung nổi là sau nhiều năm dài Tịnh và nàng mới gặp lại nhau. Nàng vẫn vậy và điều khó tin là tâm trạng của Tịnh cũng y nguyên như lần đầu tiên gặp nàng. Con tim của Tịnh bồi hồi, có lúc như muốn thắt lại, thật sự thì không ai biết sự xúc động trong lòng Tịnh, còn nàng vẫn nụ cười thật hiền khi chào Tịnh và hỏi han về công việc về gia đình của Tịnh. Nàng đằm thắm hơn, chững chạc hơn nhưng chính sự điềm nhiên của nàng lại làm cho Tịnh buồn hơn. Nàng hồn nhiên nói cười, hồn nhiên khoe những đứa con của nàng với dáng điệu rất tự tin, nàng đang bằng lòng với những điều nàng có được. Tịnh tự hỏi không biết nàng có nhớ buổi chiều hôm nào, có những gì đã xảy ra giữa nàng và Tịnh? Tịnh tự hỏi trong khoảng thời gian bằng cả một thế hệ, có bao giờ nàng nghĩ đến Tịnh như một kỷ niệm?
Tịnh yêu nàng như thế, và nàng vô tình hoặc cố tình không biết. Chuyện đó từ lâu đã qua đi cùng tháng ngày. Năm Tịnh sắp gả chồng cho đứa con gái đầu lòng, anh bệnh một trận ngỡ không qua khỏi. Tịnh không tiếc điều gì nhưng anh thương cho con, sợ nó vì mình mà lỡ làng duyên. Lạy trời là khó khăn cũng qua đi, anh lại khỏe mạnh.
Hôm sửa soạn lại căn phòng làm việc bề bộn trong thời gian anh ngã bệnh, Tịnh tìm thấy một số lá thư chưa xé, toàn là thư của bạn bè chúc anh mau lành bệnh. Trong đó có một lá thư chỉ độc một tờ giấy trắng viết mấy chữ, nét chữ lạ hoắc: CHÚC SỨC KHỎE VÀ SỐNG LÂU – nhưng bốn câu thơ phía dưới đã làm tim Tịnh hồi sinh thật sự: “Em ngồi hong tóc sớm mai. Gió tàn thu thổi qua tay rất mềm. Mắt môi thiếu nữ ngoan hiền. Tóc mây em cõi bình yên ta về”.
Tịnh bỗng thấy yêu đời hơn bao giờ, nàng không phải là con người vô tình. Dẫu cuộc đời có bao nỗi thăng trầm, lòng người trải qua bao nhiêu đổi thay thì trong cùng tận mỗi người vẫn có chốn bình yên của riêng mình.
Ngày gả con gái lấy chồng, Tịnh hoàn toàn bình phục để chúc phúc cho con. Tịnh cầu chúc cho con gái đã thật sự tìm được nơi chốn bình yên chứ không cần phải bỏ ra cả nửa đời người mới cảm nhận được như cha nó bây giờ.
Ý kiến bạn đọc