Multimedia Đọc Báo in

Cơn gió bé bỏng

07:08, 16/07/2011

Dạo gần đây, mỗi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, Hùng thường rủ tôi đến cô nhi viện của quận để dạy học và chơi đùa cùng các em nhỏ.

Lúc đầu nghe Hùng đề nghị, tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên:
- Tớ có thể đến được sao?
- Hẳn nhiên là cậu có thể rồi, cô nhi viện luôn chào đón tất cả các tình nguyện viên. Đến đó, tớ cảm nhận được cuộc sống ý nghĩa là như thế nào. Thay vì những giờ dán mắt vào màn hình vi tính để chơi game, tớ có thể biến khoảng thời gian ấy trở nên vô cùng giá trị! – Hùng trả lời quả quyết.
- Nhưng... nhưng tớ chỉ sợ mình không thể giúp được gì? – Tôi e dè hỏi lại Hùng.
- Tớ tin rằng cậu sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ ở bản thân mà lâu nay cậu không nhận ra đấy. Cậu có thể dạy học và chơi cùng các em nhỏ, bọn nhóc sẽ quý cậu lắm – Hùng mỉm cười.

Cuối cùng, tuy chưa hoàn toàn tự tin, tôi vẫn quyết định nhận lời đề nghị của Hùng. Xưa nay, tôi luôn thích làm những việc tốt. Nhưng thành thật mà nói, tôi thấy xung quanh mình mọi người đều hạnh phúc, không ai có vẻ cần sự giúp đỡ của một con bé như tôi, có lẽ. Điều ấy đôi khi khiến tôi có cảm giác mình chẳng thể làm điều gì ra trò, đó là một cảm giác tồi tệ. Nhưng lần này, cậu bạn thân quả quyết rằng tôi có thể làm được những việc tuyệt vời hơn là tôi thường nghĩ. Và tôi tin cậu ấy.

 

  * * *

Đúng như Hùng nói, tôi đã cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống ngay từ buổi tình nguyện đầu tiên. Các em nhỏ ở Cô nhi viện đều rất hồn nhiên và dễ thương, như những thiên thần trong trẻo nhất. Mỗi em là một câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều quá bé để phải xa vòng tay ba mẹ. Tôi chợt nhận ra, mình may mắn biết nhường nào. Vậy mà lâu nay, chỉ cần gặp một chút rắc rối, tôi đã tỏ thái độ thiếu thiện chí với cuộc sống hạnh phúc của mình.

Vào các sáng chủ nhật, tôi thường kể những câu chuyện cổ tích do chính mình nghĩ ra cho các em nghe. Những câu chuyện ấy không hề có trong một cuốn sách nào, tất cả đều do trí tưởng tượng của tôi nhào nặn. Nhưng cổ tích luôn thế, luôn nuôi dưỡng các ước mơ, dạy cho con người biết hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và truyện cổ tích của tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bọn trẻ nghe chăm chú, đặc biệt hứng thú với câu chuyện cơn gió nhỏ bị lạc ba mẹ. Nhưng trong số đó, duy chỉ có một thằng nhóc nằm ngoài “vùng phủ sóng” lời kể của tôi. Thay vì ngồi quây quần cùng các bạn, nó thường lủi thủi một mình trong góc phòng. Mặc dù đã nhiều lần tôi lại gần bắt chuyện và đề nghị nhập hội, nhưng chú nhóc phớt lờ tất cả. Nó luôn nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh băng và gương mặt bướng bỉnh. Thậm chí, không ít lần nó hét vào mặt tôi: “Đừng làm phiền!”. Câu nói đó khiến tôi vừa tức vừa buồn cười, làm sao một thằng nhóc 6 tuổi lại có giọng điệu như ông cụ 70 đã quá mỏi mệt với cuộc đời vậy nhỉ.

Qua lời kể của cô quản lý, tôi và Hùng được biết cậu nhóc đó tên là Hải Đăng. Nó là đứa trẻ khó bảo nhất trong cô nhi viện, lại lầm lì và hay đánh các bạn khác. Năm 2 tuổi, Hải Đăng bị bỏ rơi trước cổng cô nhi viện, và đến giờ vẫn chưa có ai đến nhận lại em. Nghe xong câu chuyện ấy, tôi quyết tâm uốn nắn cậu nhóc trở thành một đứa trẻ ngoan.

Những buổi sau đó, tôi cố dùng mọi cách để gây chú ý đến Hải Đăng. Ngoài kể chuyện, tôi còn tập múa, dạy hát cho bọn trẻ. Nhưng cậu nhóc ấy dường như chẳng bận tâm đến nỗ lực mà tôi gắng thực hiện. Các “chiêu bài” của tôi lần lượt đầu hàng trước vẻ thờ ơ khó hiểu của cậu nhóc Hải Đăng. Dường như một đứa trẻ thiếu đi tình yêu của ba mẹ nên cũng không biết cách yêu thương người khác. Giờ đây, ngoài vẻ mặt bất cần, nó còn tỏ ra muốn gây chuyện với tôi nữa. Những câu đại loại như: “đồ ngốc”, “bà cô nhiều chuyện”, “bà già khó tính”... được nó lặp lại nhiều lần trong một ngày. Chưa dừng lại ở đó, mới đây thằng nhóc còn sử dụng... bạo lực với tôi nữa. “Hành vi” của nó rất tinh vi, vào lúc tôi không ngờ tới nhất, nó mon men lại gần, đánh một cú “chí mạng” rồi le lưỡi bỏ chạy. Tất nhiên, với một tiểu thư quen được chiều chuộng, nó đã khiến tôi tức điên lên như thế nào. Dạy dỗ một đứa trẻ ngỗ ngược quả thật không dễ dàng.

Sau một thời gian, tôi thấy mình bắt đầu mất kiên nhẫn với cậu nhóc Hải Đăng. Thật tệ khi trước đây tôi đã tuyên bố hùng hồn với Hùng rằng: “Tớ sẽ cảm hóa thằng quỷ nhỏ đó”. Đôi khi, có những chuyện không phải cứ quyết tâm là thực hiện được. Giờ tôi mới thấm thía câu nói đó. Có lẽ tôi không phù hợp để trở thành cô giáo mầm non.

Nhưng, việc tôi đầu hàng Hải Đăng không có nghĩa là nó để tôi yên. Dường như nó đã quen thói “bắt nạt” tôi rồi. Hôm nay cũng vậy, sau khi le lưỡi nói tôi là đồ ngốc, nó chạy lại cầm tay tôi vùng vằng:

- Đi ra hoa viên chơi!
- Chị đã dặn bao nhiêu lần rồi, với người lớn em phải ăn nói lễ phép chứ - Tôi cúi xuống, cố nhẹ nhàng nhất có thể.
- Ra hoa viên! – Nó phớt lờ lời dạy của tôi, âm điệu càng tỏ ra ương bướng.
- Em thật hư, Hải Đăng ạ! Em có biết điều đó làm mọi người rất mệt mỏi không? Nếu em cứ tiếp tục thế này, sẽ chẳng có ai đủ nhân ái để đến nhận nuôi em đâu – Tôi “xả” một hơi dài, không nhận ra là mình đang nói với một thằng nhóc lên 6.

* * *

Chiều hôm ấy, cả cô nhi viện rối lên khi không thấy bóng dáng Hải Đăng đâu. Cậu nhóc như bị một cơn lốc cuốn đi, không dấu vết. Tôi gần như chết lặng khi nghe tin đó. Mọi người nhanh chóng chia nhau đi tìm Hải Đăng, báo cho cả công an của phường để nhờ hỗ trợ tìm kiếm. Tôi lao ra các con phố cùng những bước chân chếnh choáng, nghe mình gọi tên cậu nhóc trong từng tiếng nấc: “Hải Đăng à, em ở đâu? Hải Đăng...”.

 “Chị xin lỗi! Chị sai rồi! Chị xin lỗi!...”. Tôi đã gào lên điều ấy trong tâm trí mình không biết bao nhiêu lần. Tôi là một kẻ chẳng ra gì, tại sao lại có thể nói những lời nặng nề ấy với một đứa trẻ non nớt. Người ta thường không nhận ra lời nói của mình có thể làm tổn thương người khác như thế nào, cho đến khi mọi việc đi quá xa. Ngồi bệt xuống lề đường, tôi bật khóc thành tiếng.

Bất chợt, một dữ kiện lóe lên trong đầu tôi. Đúng rồi, hoa viên! Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy Hải Đăng đang ngồi trên chiếc xích đu ở hoa viên gần đó. Dáng ngồi của cậu bé lặng lẽ và buồn một cách khó lý giải. Lau vội đôi mắt ướt nhòe nước, tôi bước đến gần Hải Đăng rồi ngồi xuống chiếc xích đu bên cạnh.

- Em đã làm mọi người phát hoảng lên đấy, biết không? Chị định nếu tìm thấy em, sẽ cho một trận ra trò. Nhưng tại sao bây giờ, chị chỉ muốn ôm em thật chặt thế này – Tôi nhìn thằng bé, mắt lại bắt đầu ngấn nước.
- Chị ghét em rồi, đúng không? – Hải Đăng lên tiếng, lần đầu tiên nó gọi tôi là chị.
- Không, chị không ghét em. Hoàn toàn không. Không bao giờ. Hải Đăng à, chị sai rồi... Chị xin lỗi! – Tôi lại gần Hải Đăng, ngồi xuống ngang tầm cậu nhóc, thành tâm nói những gì mình nghĩ.

Bất giác, Hải Đăng ôm chặt lấy tôi. Rồi òa khóc...

* * *

Tối hôm đó, Hải Đăng nhất mực muốn tôi ngủ lại cùng. Làm sao tôi có thể từ chối lời đề nghị dễ “ghét” ấy, ngay cả ba mẹ tôi cũng không thể không phê chuẩn đề nghị của cậu nhóc lém lỉnh. Hôm nay, Hải Đăng bỗng nhõng nhẽo một cách bất ngờ, cậu nhóc nói với tôi:

- Chị kể cho em nghe tiếp câu chuyện về cơn gió nhỏ bị lạc ba mẹ đi!
- Lộ tẩy rồi nhé! Vậy ra trước giờ em chỉ làm bộ phớt lờ các câu chuyện của chị – Tôi nhéo mũi cậu nhóc.
- Nhiều chuyện quá, chị kể tiếp đi – Hải Đăng ậm ừ.
- Lúc trước chị kể đến đâu rồi nhỉ? - Tôi hỏi dò.
- Đến đoạn cơn gió nhỏ gặp đàn chim đi trú đông đó – Hải Đăng nói ngay.
- Chị nhớ rồi. Nhưng trước khi tiếp tục kể, em phải nhắm mắt lại đã.

Sau một lúc lắng nghe, Hải Đăng say ngủ khi nào không biết. Cậu nhóc ôm chặt tôi, gương mặt trong veo như một thiên thần. Vậy mà đã có lúc tôi nhầm lẫn Hải Đăng là thằng quỷ nhỏ cơ đấy.

* * *

Hôm sau, Hùng đến cô nhi viện sớm, gọi chúng tôi dậy bằng giọng nói lanh lảnh của cậu ta. Sau bữa sáng ấm áp, Hùng gọi Hải Đăng ra một góc, hai người thì thầm to nhỏ điều gì ra bộ bí mật lắm. Lúc trở lại, mặt cả hai đều tỏ ra vô cùng hí hửng. Tôi khoanh tay trước ngực, điệu bộ kiểu như “Này các chàng trai, có điều gì giấu tớ đúng không?”. Hùng nháy mắt nhìn Hải Đăng vẻ “đồng loã”, rồi quay sang nói với tôi: “Chuyện riêng của cánh đàn ông ấy mà”.

Ngay khi Hùng xách nước tưới cây, tôi quay sang “tra hỏi” Hải Đăng:
- Khai với chị mau. Anh ấy nói gì với em thế?
- Chuyện của cánh đàn ông ấy mà – Hải Đăng lặp lại câu nói, giọng điệu như người lớn.
- Được rồi, chị sẽ không kể chuyện cho em nghe nữa – Tôi giả bộ làm mặt giận.
- Anh ấy nói chị hay khóc nhè, lại hay dỗi, không được gọn gàng lắm – Hải Đăng chặm rãi kể xấu tôi – Nhưng chị cũng rất dễ thương – sau đó nó nhanh chóng làm tôi hạ nhiệt.
- Rồi ảnh còn nói gì với em nữa không? – Tôi tiếp tục gặng hỏi.
- Anh ấy nói lúc nhỏ ảnh không biết thể hiện tình cảm của mình với người khác, nhất là với chị. Vì vậy ảnh thường đánh chị rồi bỏ chạy. Cũng như em, thực ra em rất quý chị – giọng Hải Đăng thuật lại, rồi bỗng dưng nhỏ dần.

Không biết từ bao giờ, tôi thấy mình lặng lẽ khóc...

* * *

Một chủ nhật đẹp trời. Như mọi lần, Hùng đến nhà rủ tôi cùng đến cô nhi viện. Vừa thấy tôi, cậu ấy ngay lập tức thông báo tin vui: “Cậu biết tin gì chưa? Có một gia đình Việt kiều ở Đức đã quyết định nhận Hải Đăng làm con nuôi. Hôm nay mọi người sẽ tổ chức tiệc chia tay...”. Hùng còn nói điều gì nữa thì phải, nhưng tôi đã không nghe thấy nữa rồi. Đầu óc tôi đang mải mê với những cảm xúc khó hiểu đan xen. Đúng là một tin vui, nhưng không hiểu sao lại khiến tôi thoáng buồn.

Tôi đến bữa tiệc nhỏ trong trang phục và khuôn mặt được tô vẽ như một anh hề để tặng cho Hải Đăng cùng các em nhỏ tiết mục hài hước. Có lẽ, điều đó sẽ phần nào che giấu được khuôn mặt phảng phất nét buồn của tôi. Tôi đã dặn mình không được khóc, nhất quyết không được khóc trong một ngày vui như thế này. Nhưng điều khiển đôi mắt của mình là một việc chẳng dễ dàng gì, tôi biết điều đó. Bộ dạng trước đó của Hải Đăng thật trầm tư, nhưng khi nhìn gương mặt tô vẽ của tôi cũng phải bật cười. Nụ cười khoe hai chiếc răng cửa chưa kịp mọc của em thật đẹp, như một thiên thần bé bỏng.
Sau tiết mục hài của tôi, Hải Đăng chạy lại nói:

- Chị kể cho em nghe kết thúc của cậu chuyện về cơn gió nhỏ bị lạc ba mẹ đi.
- Hải Đăng à, em hãy viết tiếp hộ chị kết thúc của câu chuyện ấy. Và nhớ là kết thúc phải thật hạnh phúc, em nhé!

Phạm Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Chuyện làng ngày ấy
16:20, 12/07/2011
Chuyện làng ngày ấy
16:20, 12/07/2011
Cõi bình yên
11:27, 19/06/2011
Cõi bình yên
11:27, 19/06/2011
(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.