Ngoại tôi
Dựng xe đạp trước ngõ, tôi la toáng lên: “Ngoại ơi, ngoại!”. Ngoại thoáng giật mình, nhưng không quay lại, đôi bàn tay cầm chổi bện lá cau, quét sàn sạt trên vuông sân. Ngỡ ngoại không nghe thấy, lần này tôi gào như cháy nhà: “Ngoại ơi! Con về đây! Tý của ngoại về đây!”. Ngoại vẫn điềm nhiên cắm cúi quét, lưng áo nâu oằn xuống lấm tấm mồ hôi. Tôi lạ lẫm, chường mặt ra, hỏi: “Ngoại sao vậy?”. Giọng nói của ngoại buồn nao lòng: “Sao không ở luôn trên đó, còn về làm chi? Tui già cả rồi đâu còn ai cần đến tui nữa”. Thương ngoại quá, tôi chộp bàn tay của ngoại, giành cái chổi quét lấy quét để. Ngoại bật cười hóm hém: “Giỏi nịnh hông! Quét xong vào nhà ngoại cho cái này”.
Giờ tôi đã là một thanh niên nhưng với ngoại vẫn là thằng Tý thuở nào hay vòi vĩnh và hờn giận. Tôi sà xuống bên ngoại, thò tay vào rổ chộp ngay một trái mãng cầu, bóc vỏ vội vàng, nước bọt chực tứa ra. Nhìn những trái mãng cầu có trái còn tươi, nhưng cũng có những trái khô quắt, tôi chợt hiểu vì sao ngoại hờn mát với tôi. Ngoại nhìn tôi ăn mà nét mặt hoan hỉ đến vô cùng. Tôi cam đoan cả xã này, cả huyện này nữa không ai có cái bồ đựng lúa hình chữ nhật, đan bằng gốc tre già, trát đất thịt, chính giữa mặt tiền chừa cửa lắp ván. Quanh năm bồ lúa của ngoại tôi đầy ăm ắp. Ngoại thường bảo: “Nhà quê, hạt lúa là cái gốc. Lúa đầy bồ, đầy bịch lòng khỏi âu lo”.
(Ảnh minh họa) |
Ngày cưới, ngoại cho chị tôi đôi hoa tai mà ngày trước ngoại sắm sẵn để cưới vợ cho cậu Ba. Cậu tôi từ căn cứ về làng bị giặc giết ở bến sông trước khi chuẩn bị đi hỏi vợ đúng ba hôm. Chị tôi trải qua những năm tháng sống kham khổ giữa đời thường, nhưng đôi hoa tai ngoại tặng năm nào chị vẫn giữ mãi đến bây giờ.
Tôi đang dự khóa đào tạo cán bộ Đoàn thì hay tin ngoại mất, tức tốc nhảy tàu về ngay, nhưng vẫn không kịp nhìn mặt ngoại lần cuối, lặng lẽ đứng hàng giờ trước bàn thờ ngoại khói hương nghi ngút. Dòng nước mắt tôi chảy ngược vào tim. Nỗi đau như tê dại trước sự mất mát không gì bù đắp nổi. Chị tôi mếu máo: “Trong cơn mê sảng, ngoại luôn gọi tên em”. Còn bà lão nhà hàng xóm kéo tôi ngồi xuống chiếu, đưa vạt áo chậm nước mắt, nghèn nghẹn: “Tội nghiệp! Trước lúc qua đời, bà cụ mắt nhìn chòng chọc ra cửa đợi cháu về. Bà cử lẩm bẩm: “Mãng cầu chín hết rồi mà thằng Tý chưa về. Nó thích ăn mãng cầu lắm đó bà ơi!”.
Tôi vụt đứng dậy, bước vội xuống nhà dưới. Cái bồ lúa của ngoại vẫn đầy đặn. Khi tôi kéo tấm ván cửa nhìn vào, trước mắt tôi là một rổ mãng cầu chín khô quéo quắt.
Ý kiến bạn đọc