Multimedia Đọc Báo in

Chim phóng sinh

09:06, 12/02/2012

Giàu nhờ bạn'', những điều cổ nhân đã nói dĩ nhiên là hợp lý. Nhưng với anh, cái tên cha mẹ đã đặt cho anh thì thật sự đúng y bản tính người đã mang nó. Cao đạo, cao ngạo và cao...

Vốn khinh những thằng ỷ chút địa vị, của cải lên mặt hợm hĩnh với đời, với bạn bè phường xóm. Anh bộc trực ngang bướng, nên hễ thấy điều gì trái tai gai mắt là choảng liền, không nể nang dè chừng, cứ lòng nghĩ miệng nói, không cần che giấu lựa lời. Với cá tính ấy, thì làm sao anh có được một thằng bạn giàu, một chỗ ngồi tốt trong cuộc sống. Nên vì thế mà hơn nửa đời người vẫn công chẳng thành, danh chẳng toại. Cộng với ông trời thích chơi khăm, chẳng chịu se giùm anh một mối tơ hồng, suốt mấy chục năm trời không có phước "sang vì vợ" nên anh vẫn đơn độc lủi thủi giữa trần ai với cái nghèo, cái hèn như bộ đồ tàng dính đít với chiếc xe đạp cà tàng.

Từ thuở bỏ ra đi, cho đến bây giờ trở về, thằng Cao vẫn là thằng Cao giữa phố phường, giữa con người chốn cũ đã thoát thai hoán xác toàn diện. Những ngôi nhà vườn thâm u trầm mặc, thoắt đã biến dạng thành từng dãy nhà cao tầng, đủ màu sắc thời thượng. Những con người điềm đạm giản dị bỗng mất tăm giữa dòng xe cộ, bạc tiền bụi bặm phong túc.

Có còn chăng một chút mà anh thấy gần gũi là bức tường thành phong rêu, con cầu trắng nhịp và chiếc tháp hình nấm của nhà máy nước nằm trên cái cồn chẻ đôi dòng sông. Đó cũng là những cảnh quan, vị trí từng gắn liền với cái thú đầy đam mê, đầy kỷ niệm êm đềm của anh ngày xưa.

Những ngày cuối đông của Huế bao giờ cũng lạnh, lạnh đến ẩm ướt khó chịu, nó len qua tất tần tật những lớp áo dày cộm, bò vào đến tận xương tủy. Đạp xe đi loanh quanh từng con đường được ủ kín dưới những tàng cây, anh cố tìm kiếm một vài gương mặt quen, xem thử còn thằng bạn nào khả dĩ nghèo như anh để  ghé thăm. Rồi như một thói quen ẩn kín trong tiềm thức, anh dừng xe giữa chiếc cầu, nơi rất quen thuộc với đôi khuỷu tay tỳ xuống hàng lan can sắt lạnh ngắt, còn sũng ướt cơn mưa đêm.

Gió lồng lộng từ phía thượng nguồn thổi rát cả mặt, anh đứng lặng lẽ như bức tượng, mắt đăm đăm nhìn, đồng tử giãn lớn ra cố tìm, cố nhìn một cái gì đó như nghiệp dĩ tiền duyên với mình dưới chiếc tháp chứa nước vươn cao lên bầu trời xám xịt tựa chiếc nấm khổng lồ. Và anh đã nhìn thấy nó, không phải từ tầm mắt nhìn, mà từ sự rung cảm trong ký ức sâu thẳm.

Hàng ngàn, hàng vạn con chim én nâu xanh lao xao trở về trú ngụ dưới mái tháp. Kỳ lạ! Anh mê loài chim này cực kỳ, chẳng phải vì chúng biểu tượng cánh thiệp báo tin xuân như người ta thường gọi. Đối với nếp nghĩ của anh, bốn mùa, mười hai tháng, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng giống ngày nào. Cũng chẳng phải vì sự đồng cảm của một đời sống di trú, mà ngay hồi còn bé tẹo anh đã si mê loài chim sống thành đàn, hiền hòa này.

- Chú kia ơi, đứng làm gì ở đây?

Tiếng hỏi khá lớn vang lên phía sau lưng làm anh giật mình quay lại. Một thanh niên mặc sắc phục cảnh sát đang nhìn anh với ánh mắt hồ nghi.

Anh vội vàng phân bua:

- À... Tôi ở xa về, đi ngang qua đây nhớ chút kỷ niệm xưa... Cậu thông cảm...

- Chú không nhìn thấy bảng cấm dừng lại trên cầu à?

- Xin lỗi, tôi hơi vô ý. À cậu hút điếu thuốc cho ấm... - Vừa nói anh vừa lôi trong túi áo ra gói thuốc: Thời tiết thế này cậu gác ở đây chắc lạnh lắm ?

Người cảnh sát mỉm cười, đôi môi tím tái, hai bàn tay cứ chà xát vào nhau cố tìm một chút hơi ấm.

- Dạ lạnh lắm chứ! Nhưng nhiệm vụ phải làm mà... Giờ này được về nhà cuốn chăn đánh một giấc là tuyệt cú chú nhỉ.

Anh bật ngọn lửa ga, người cảnh sát vội cúi xuống bập bập điếu thuốc nhăn nhúm rồi rít một hơi rõ dài.

- Cám ơn... Nãy giờ thấy chú đứng ở đây khá lâu, trời thì lạnh...

Câu dò hỏi lấp lửng làm anh bật cười.

- Không có gì đâu. Tôi đã nói là ở xa lâu ngày mới về, muốn tìm lại chút kỷ niệm thôi mà. Chẳng ai dại chi nhảy xuống sông mùa này đâu.

- Cháu biết, nhưng là quy định xin chú thông cảm!

- Vâng! Tôi đi liền bây giờ. 

Dắt chiếc xe xuống khỏi lề đường, lóng ngóng trèo lên yên, bên tai anh còn vẳng nghe tiếng lẩm bẩm của anh chàng cảnh sát trẻ măng đang co ro bước về phía cái trạm gác đầu cầu: "Họa là khùng nên trời này mới đứmg phơi gió giữa cầu..."

Đạp qua hết những vài cầu, anh quẹo xe, đi tà tà dọc con đường phố chính. Mặc dù trời vẫn còn mưa, gió còn buốt lạnh nhưng hình như phố đã bắt đầu xôn xao. Lướt qua mặt anh những khuôn mặt đang tất tả ngược xuôi mua bán hàng tết. Trên cái công viên nằm dọc bờ sông, đã lác đác mọc lên vài mái lều bày bán những chậu hoa đủ sắc đủ màu. Đi hết con phố ngắn, anh rẽ  sang con đường dẫn vào Thành Nội. Vừa qua hết cái cổng gạch mốc thếch màu rêu, anh đã thấy ấm áp hẳn lên. Đột nhiên anh thắng xe dừng lại bên lề đường. Dưới tán cây nhãn cổ thụ, một hình ảnh rất quen của ngày xưa đập vào mắt anh. Đó là chiếc lồng tre nhốt đầy nhóc lũ chim én, và một bé phong phanh bộ đồ mòn mỏng, chiếc nón lá cũ mèm, mốc màu ngồi thu mình sau chiếc lồng chim lớn xấp xỉ thân hình chủ nhân nó.

- Này cháu bé...

Anh gọi nhỏ, con bé ngước mắt nhìn lên, đôi mắt mở lớn lộ vẻ mừng rỡ:

- Bác mua chim à?

Anh trả lời ậm ừ. Con bé chăm chú nhìn, nó đang đánh giá túi tiền của ông khách và có lẽ nó không mấy vui khi nhìn từ bộ đồ anh mặc, từ chiếc xe đạp cà tàng anh đi, nên ánh mắt mau mắn mừng rỡ dần chuyển sang màu tối. Nó hỏi dửng dưng:

- Bác mua nhiều hay mua ít?

Anh dựng xe, bước đến gần chiếc lồng, nhìn bầy chim nhỏ nhoi tội nghiệp đang đập cánh sau những chiếc nan tre, hai tay lục túi móc ra xấp tiền lẻ bèo nhèo, đưa hết cho con bé.

- Cháu đếm xem chừng ấy mua được bao nhiêu?

Cẩn thận vuốt thẳng lại mấy tờ giấy bạc, nó lẩm nhẩm tính toán.

- Tám ngàn rưỡi. Mỗi con một ngàn, bác bắt tám con còn dư của bác năm trăm đây nì.

Con bé đưa trả  rồi xoay chiếc cửa lồng chim về phía anh.

- A! Bác không mang chi theo để nhốt chúng à...      

- Mua phóng sinh cầu phúc. Bộ cháu đi bán mà không biết người ta mua chim én để thả hay sao?

- Dạ biết chứ.

Con bé mau mắn trả lời. Anh thấy nó ngồ ngộ, muốn đùa nên hỏi dồn:

- Đã biết sao cháu còn hỏi đố.

- Dạ tại con thấy lạ, thường thường ai đi mua chim để phóng sinh là họ mua hết cả lồng, chứ chưa gặp ai chỉ mua vài con như bác

- Thả vài con thôi cũng thừa đủ công đức rồi.

Anh cười, con bé nhanh nhẩu hơn anh tưởng nhiều, nó đốp chát liền miệng:

- Rứa bác nghĩ thử coi, mấy con chim còn lại trong lồng sẽ đau khổ chừng mô khi thấy những con khác được thoát kiếp tù túng tung cánh tự do trên bầu trời lồng lộng kia.

Chà chà! Con bé muốn câu độ khách hàng đây... Anh nhủ thầm... Nó có vẻ khôn ngoan, rành rõi hơn khuôn mặt loắt choắt và thân hình bé tẹo rất nhiều. Anh buột miệng nhại lại đúng y giọng điệu của con bé:

- Vậy cháu cũng nghĩ thử coi, ai lại nhẫn tâm bắt nhốt lũ chim hiền lành dễ thương trong chiếc lồng chật hẹp ni… rứa.

Vừa dứt lời, anh chợt cảm thấy những điều anh nói tưởng như để bông đùa con bé, lại mang đầy nỗi chua chát và độc địa đối với một đứa bé con. Trong mắt nó thoáng có chút lúng túng. Nhưng chỉ một thoáng thôi, nó vặn lại anh:

- Rứa theo bác thì người mua để phóng sinh và người đi bắt để bán, ai có tội hơn?

Anh trả lời với nụ cười hóm hỉnh:

- Dĩ nhiên người bắt có tội. Nó đang bay lượn , nhảy múa tự do giữa đất trời lại săn đuổi rồi đem nhốt trong chiếc lồng…Có phải tội nghiệp không?

Con bé cười chua chát:

- Không có người mua ai hơi mô tìm bắt giống chim nuôi không được, ăn thịt không xong này làm chi.

"Khá lắm!..." Anh khen thầm. Nghĩ cũng buồn cười cái chuyện rởm của thế gian. Suốt cả năm tháng toàn mưu toan tranh giành, lừa lọc nhau, để rồi nghĩ rất đơn giản, chỉ cần bỏ ra chút tiền còm phóng sinh vài con cá, chú chim là xem như đã rũ sạch mọi tội lỗi, mọi ác tâm.

Bỗng dưng anh có cảm tình khác lạ với con bé bán chim. Nó chừng như có cái gì đó vừa lạ lùng vừa rất gần gũi thân quen. Anh nói rất chân tình:

- Nói đùa với cháu cho vui chút thôi, chứ thật tình chú cũng rất muốn mua hết cho cháu. Nhưng chú nghèo lắm, làm sao phóng sinh hết những con chim bị nhốt trong lồng được. Thôi thì được chút nào hay chút ấy. Mà có lẽ chim cũng giống như người, đều có số mệnh riêng, may nhờ rủi chịu vậy.

Anh ngồi xổm xuống bên chiếc lồng, đẩy bật cái chốt cửa rồi thò cả hai tay vào, hai mắt nhắm kín, quờ quạng, khua khoắng bắt hú họa theo phần số may rủi của từng con chim đang đồng cảnh ngộ ngục tù. Bắt mù một lúc khá lâu, hai tay mới túm được hai chú, anh vội lôi chúng ra khỏi lồng, ném tung lên bầu trời. Nhìn theo từng đôi cánh chập choạng rồi bay vút, anh thấy hả hê sung sướng, quên tuốt cánh cửa lồng đang bị mở toang.

Cả bầy chim tìm được lối thoát vội bay túa ra làm anh cuống quýt. Đến lúc cả anh lẫn con bé lấy được bình tĩnh đóng sập cánh cửa, thì trong chiếc lồng chỉ còn lèo tèo dăm ba con chậm bước đang đập đôi cánh tuyệt vọng, ngơ ngác nhìn theo lũ bạn mới đây còn bị nhốt chung trong chiếc lồng, giờ được tự do tung cánh bay lượn giữa bầu trời thoáng đãng. Con bé sững sờ nhìn theo, miệng cứ lấp ba lấp bắp... "Trời ơi! Bác làm sẩy hết chim rồi... làm răng chừ..." Thấy gương mặt tái mét của nó, anh cười xòa, vỗ tay lên vai con bé:

- Chẳng sao đâu, cháu cứ yên tâm. Cứ thả luôn mấy con còn lại ấy đi. Xem như chú đã mua hết.

Con bé tỏ vẻ ái ngại:

- Lỗi tại cháu không chịu bắt giùm bác, giống chim én ni lanh lắm...

Anh cắt ngang lời nó:

- Đã nói là không sao cả. Nhưng cháu phải đi theo chú về nhà chú để lấy tiền, đồng ý chưa?

Dĩ nhiên là con bé phải gật đầu bởi nó chẳng còn cách nào khác.

**

*

Con đường đất trơn ướt nhầy nhụa, chạy dài ngút mắt giữa mênh mông đồng ruộng. Buổi xế chiều, gió bắc càng thổi mạnh, anh cố còng lưng đạp từng vòng xe lăn ngược gió. Bầu trời sẫm đậm dần. "Có lẽ khi quay về vất vả lắm đây", anh nghĩ thầm và tự vấn không hiểu cái động lực quái quỷ gì thúc đẩy mình tình nguyện chở con nhóc về nhà nó, sau khi đã thanh toán thừa tiền cho bầy chim bị sẩy. Có lẽ nào lại do anh cảm thấy hụt hẫng, thiếu vắng tình cảm giữa cái thành phố rất quen và cũng rất lạ này sau hơn hai mươi năm ly hương… Hay từ những mẩu đối thoại vừa ngây thơ, vừa lọc lõi già dặn của một đứa bé khiến anh thích thú. Nó mới chừng mười lăm, mười sáu tuổi, cái tuổi dễ thương nhất của một đời người, vậy mà phải lặn lội kiếm sống... Nếu hồi đó anh đừng bỏ đi, đừng in đậm mãi trong đầu một mối tình, có lẽ bây giờ anh cũng đã có những đứa con chừng chừng tuổi nó:

- Cháu năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?

Con bé đặt nhẹ bàn tay lên lưng anh liến thoắng:

- Dạ mấy ngày nữa là cháu được mười bảy. Người ta nói con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu phải không bác?

Anh vừa lách tránh một cái ổ gà sủng nước vừa trả lời:

- Ừ…Nhưng trông cháu ốm yếu hơn tuổi nhiều... Cháu học lớp mấy rồi.

Giọng con bé đang loắng nhoắng vui vẻ chợt trầm xuống hẳn:

- Lớp chín…nhưng bỏ học lâu rồi.

Anh biết con bé buồn, an ủi nó lúc này chỉ là sáo rỗng nên không hỏi thêm điều gì.

Con đường, cánh đồng bây giờ đã nhập nhoạng tối thỉnh thoảng chiếc xe lại vấp ổ gà nhảy dựng lên. Anh bắt đầu cảm thấy lo lắng, không biết con nhóc này sẽ dẫn mình đi tới tận đâu. Chợt bàn tay con bé vỗ nhè nhẹ lên sống lưng anh:

- Dừng lại bác ơi, nhà cháu đây rồi.

**

*

Ngôi nhà con bé vách đất mái tranh, nằm đầu một con xóm nhỏ cũng toàn nhà tranh vách đất. Bốn bề là gò hoang, ruộng vắng, trông rất bơ vơ đơn độc. Không khước từ được lời mời chân tình và bàn tay nắm chặt vạt áo trì kéo của con bé. Nên mặc dù anh rất sợ khi liên tưởng tới con đường làng lầy lội, tối mù lúc quay về một mình, anh vẫn lặng lẽ dắt chiếc xe đi theo nó.

Dựng xe dưới chái nhà, đang còn lóng ngóng chưa  kịp bước vào bên trong anh đã nghe vang lên một giọng nói lè nhè, khàn đục:

- Con Hạnh về đó hả? Mi buôn bán kiểu chi mà chừ mới vác xác về. Có mấy con chim mà đi suốt cả ngày trời. Răng không đi thẳng luôn hở con ranh?

Con bé nhỏ nhẹ:

- Dạ bữa ni trời lạnh quá, lại gặp ngày xấu nên không ai mua... Rứa mẹ mô rồi ba?

Vẫn một âm giọng khàn đục:

- À! Mẹ mi vô trong xóm mua dầu hỏa... Mua một chút dầu thắp đèn cũng đi mất tiêu cả tiếng đồng hồ... Mà này, bộ không bán được vài con à.

Giọng con bé vui lên:

- Dạ bán hết. Nhờ bác ni mua giùm rồi chở cho con về luôn.

Vừa trả lời, con bé vừa rướn người kéo bừa anh vào bên trong căn nhà. Trong cảnh nhập nhòa của ngọn đèn dầu, anh thấy một gã đàn ông gầy rộc, luộm thuộm râu tóc đứng tựa hẳn người trên chiếc nạng gỗ, chằm chằm nhìn anh với vẻ soi mói, nghi ngại. Đã nghe giọng nói, bây giờ lại thấy dáng bộ, ánh mắt, anh hoàn toàn mất cảm tình với gã. Gã cũng chẳng thèm thốt ra lời nào với anh mà quay sang con bé, lớn tiếng quát nạt, phả nồng nặc mùi rượu.

- Tau đã dặn mi, con gái lớn nhồng rồi, phải biết ý tứ giữ gìn. Thời ni không tin ai hết, ngộ nhỡ hắn chở mi...

Con bé thảng thốt cắt ngang:

- Ba…ba ăn nói chi lạ rứa ba.

Nghe luận điệu bẩn thỉu tuôn ra từ cái miệng đầy hơi men của gã đàn ông đang gượng mình trên cặp nạng, và sự chống chế của con bé con. Thay vì giận dữ vì đã làm ơn mắc oán, anh lại cảm thấy trống rỗng đến kỳ lạ. anh nhìn con bé nở nụ cười, rồi điềm đạm:

- Ba cháu nói đúng đó, thời buổi này không còn mấy ai tốt bụng giúp đỡ người khác mà không vụ lợi đâu… Cháu đã đến nhà…bác về đây.

Nói xong anh vụt quay người bước ra bên ngoài. Gió lạnh từ bốn phía bóng đêm đặc quánh như chờ chực để ập hết lên người anh, đầu óc anh ù đặc nỗi buồn. Lùng bùng bên tai anh âm giọng khàn đục của gã đàn ông say xỉn quyện lẫn những âm thanh gió,  nghe mường tượng như tiếng đập cánh của bầy chim én trong chiếc lồng tre tù túng chật chội.

Nguyên Quân


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Sẻ con và đại bàng
16:01, 11/12/2011
Sẻ con và đại bàng
16:01, 11/12/2011
Hồn hoa
04:16, 28/11/2011
Hồn hoa
04:16, 28/11/2011