Multimedia Đọc Báo in

Bão rớt

14:28, 13/04/2012

Mới cuối tháng ba mà đã có gió giật, thứ gió mang theo mưa và sấm chớp rất nguy hiểm với tính mạng con người. Phố chợ nơi chị ở có quá nhiều cây cối và dây điện, điện thoại ken dày như mắc cửi. Thật bất hạnh nếu ai đó xem thường sấm sét, mưa bão mà chui vào cái bẫy giăng sẵn ấy, đứt dây điện, ngã trụ, đổ cây… kiểu nào cũng chết. 

Tin báo bão được thông báo nhiều lần trên đài phát thanh, truyền hình nhưng tuyệt nhiên không có tên thành phố nơi chị ở. Cũng đúng thôi bởi thành phố của chị xa biển, không nằm trên đường đi của bão. Quan trọng hơn là từ hồi giờ xứ này có bão tháng ba bao giờ đâu. Chẳng mấy ai thèm quan tâm tới nó để có cách đối phó, thậm chí họ còn giễu cợt cái tin bão giật, bão cấp kia nữa. Trúng trật gì, nhớ năm nào dân miền Trung chạy bão bạt mạng, mà nó có tới đâu. Lại đổ thừa con Bò gù nghịch tính, chuyển hướng bão sang nơi khác. Có người còn chắc như đinh đóng cột là bão chỉ tới Vũng Tàu là tan, sức đâu mà qua Đồng Nai, Bình Phước…Và cứ thế họ vô tư sống, vô tư chạy ngược, xuôi mặc cho mái tôn, chái bếp không được neo buộc chắc chắn.

Thế mà bão đến thiệt, mà đến ban đêm mới oái ăm. Chắc chỉ là cái ngọn, cái đuôi gì thôi nhưng cơn bão đã cuốn sạch sành sanh mái tôn, mái ngói của khu phố lụp xụp này. Nói là phố chứ thực chất nó là làng, hơn làng một chút, bởi trước kia nó thuộc huyện, một huyện nghèo của tỉnh. Người ta sáp nhập huyện vào thành phố cho đủ lượng dân để lên đô thị loại một, loại hai gì đó. Kế hoạch thì nhiều, dự án cũng không ít nhưng chưa đâu vào đâu. Chị nghiễm nhiên thành cư dân thành phố nhưng vẫn ở quanh cái chợ làng ngày xưa.

Bão đến, điện đuốc tắt ngúm, không mấy gia đình chuẩn bị đèn pin nên con phố chìm nghỉm trong màn đêm, trong tiếng kêu cứu oai oái của chị và xóm giềng. Nhà tốc mái, gió mưa xối xả, gầm bàn có lẽ là nơi duy nhất để chị ngồi ôm con và khóc. Cái gì mất, cái gì còn cũng mặc. Lo tính mạng cho mình còn chưa xong nữa là. Cây lá ngã đổ ào ào. Ngói, tôn bay sàn sạt. Điện thoại không dây là phương tiện duy nhất có thể liên lạc, kêu cứu. Nhưng tỉnh, thành phố thì xa, còn làng thì có gì mà cứu. Mình đồng da sắt cũng chả dám ra đường trong đêm đen bão tố thế này nữa là đầu trần thân trụi. Thôi thì tự mình cứu mình. Nhà nào hai, ba tầng thì còn đỡ, nóc bay thì xuống tầng dưới trú thân. Nhà nào trệt lết như nhà chị thì chịu, tận dụng được cái gì để quấn để che thì tận dụng, miễn sao sáng ra biết mình còn sống là phúc tu ba đời. Khi tấm bạt ni lông và mấy cái mền cũ kỹ che chắn mẹ con chị khỏi mưa gió cũng là lúc chị nhớ tới bà cụ nhà bên kia đường. Không già lắm nhưng khắc khổ nên trông bà cứ như người gần đất xa trời, lom khom lọm khọm trong căn nhà nhỏ xíu và cũng ọp ẹp như nhà chị. Cụ sống bằng nghề nướng bánh đa, chỉ nướng bánh đa thôi, không làm gì khác. Chị không hiểu bà cụ sống bằng cách nào, khi mà cái bánh nướng xong bán ra giá chỉ ngàn bạc, còn than củi, còn vốn? Ấy vậy mà cụ vẫn cho bánh con chị ăn hoài. Chị thường khuyên con không nên lấy của cụ nhưng chắc khó thực hiện, bởi bà cụ thương nó lắm. Có việc gì đi đâu thì chị gửi con sang nhà cụ, nhờ cụ trông giùm, khi về lại thấy mồm thằng bé nhai ngấu nghiến những bánh là bánh. 

“Không biết cụ có sao không?”. Chị nghĩ đến cái chết, đến cảnh cây đè lên người cụ mà rơm rớm nước mắt. Rồi tiếng thở dài cũng đưa chị vào giấc ngủ mệt mỏi mặc mưa gió vẫn hung hãn thét gào. Một tiếng sét long trời lở đất vang lên, tiếng la hét kêu cứu bai bải. Trong cơn mơ, chị thấy có chiếc xe cứu thương màu trắng lạnh toát đến đậu trước nhà bà cụ rồi đưa cụ đi xa. Trước khi đi, chiếc xe ấy còn kéo một hồi còi dài giã biệt. Để rồi không biết bao lâu nữa, chiếc xe ấy lại đưa bà cụ về, bà cụ đã chết, và nó lại chào vĩnh biệt bằng một hồi còi dài bi thương.

Hàng xóm và chị vây quanh cái thân xác cứng đơ tội nghiệp ấy nhưng chẳng ai động tĩnh gì, họ đưa mắt nhìn chị. Họ biết chị là người thân thích nhất của cụ, chỉ có chị mới xứng đáng lãnh trọng trách cho việc lễ nghĩa kia. Nghĩa là phải nhang khói, mộ táng cho người đã khuất. Trăm dâu đổ đầu tằm ư, chị làm sao mà làm được. Chị nhớ là bà cụ có cô con gái lấy chồng ở tận miền Trung xa xôi, nghe đâu vợ chồng người ấy cũng nghèo, nhưng nghèo cũng không thể không về ma chay cho mẹ. Chị lục tung khắp nhà cụ, trong người bà cụ, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một thông tin nào về cô con gái ấy. Đến nước này thì chỉ còn cách trông cậy vào ban khu phố, chị nhờ người sang báo cho họ. Chị xuống bếp nấu ấm nước, nhặt ít lá bưởi, lá chanh mà bão đêm qua tàn phá cho vào nồi nước để tắm cụ. Nấu bát cơm, luộc cái trứng để đơm lên bàn vong. Tìm mãi không thấy tấm ảnh nào của cụ để vọng, chị đành lấy chứng minh nhân dân của cụ nhờ người đi phóng lớn ảnh cụ trong đó. Rồi trống chiêng của làng cũng được người ta đem đến, liễn phúng điếu của Hội Người cao tuổi được treo lên; đàn cò, đàn nhị, kèn đám ma réo rắt, buồn buồn. Sạp bán bánh tráng nướng của cụ thành điểm hội của mấy tay trà dư tửu hậu, mấy con bạc khát chiếu. Trẻ nhỏ cũng có dịp thử  “thời vận” với mấy con bầu cua cá cọp. Không tiếng khóc, không lời chia buồn, không người đầu rơm mũ bạc. Đám tang cụ chỉ có tiếng cười đùa, tiếng cãi cọ, tiếng chửi thề của vài con bạc vận đen, cộng thêm tiếng ồn ào của cánh đàn bà, con gái trong gian bếp nặc mùi xào nấu. Người ta ăn uống vui cười như dự giỗ, rượu uống xả láng bởi món này người tham gia phải tự cung tự cấp. Ai cũng biết, với tuổi già và gia cảnh của cụ, chuyện ma chay cho cụ nhà nước sẽ chu cấp. Với ba triệu đồng đó, ở thành phố không là gì cả, nhưng ở quê thì gói ghém được. Người nhượng ván, kẻ góp công, không mấy chốc chiếc áo quan đã sẵn sàng mặc cho người quá cố.

Cơn bão đã qua, bình minh ló dạng. Phía cuối đêm một quầng sáng rực rỡ nở khai, ánh sáng chói chang quá, chị nhắm nghiền mắt lại. Chị nghe tiếng người đưa quan nhỏ dần, nhỏ dần…Chị khóc, khóc đến lả người đi và quỵ xuống.

Không biết bao lâu thì chị mới tỉnh giấc, chị nghe toàn thân mình đau ê ẩm. Khi mở được mắt ra, chị mới biết mình đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện, vây quanh chị là những người mặc áo trắng và bốn bức tường trắng. Chị còn đang ngơ ngác thì bác sĩ trực đã gọi người nhà đem sữa vào đút cho chị. Một bà già lọm khọm bước vào. Trời ơi, là cụ, bà lão bán bánh đa nướng trước nhà chị. Thì ra chị đã trải qua một giấc mơ kinh hoàng. Chị nhìn mình, thấy toàn thân quấn băng trắng, chị nghĩ tới con, chị thều thào với bà cụ:

- Thằng bé…

- Gửi cho cô giáo rồi, con đói không ?

- Không…

- Hai ngày đêm rồi có ăn gì, chắc nhờ dịch truyền…

Chị hiểu, người hoạn nạn trong cơn bão kia chính là chị, mẹ con chị. Chị thương tích đầy người thế này thì thằng bé làm sao an lành. Chị biết người ta dối chị, có khi thằng bé…Chị không dám nghĩ tiếp. Hai dòng nước mắt nóng hổi tuôn trào ra khóe mắt, chị khóc. Muỗng sữa trên tay bà cụ run run.

-  Ráng uống, con nhé. Phải sống để về nhà, về với con. Nào, nghe mẹ, há miệng ra nào…

Ôi, tiếng mẹ sao mà thiêng liêng quá, mạnh mẽ quá, nghe mẹ, chị không thể nào không há miệng ra được dẫu chẳng muốn ăn uống gì. Chị nhìn cụ, mắt cụ cũng ướt sũng. Cụ kể cho chị nghe về cái đêm kinh hoàng đó, cụ bảo nếu hàng cây ngã quách ra đường cái thì hay quá, ngã sạch hết cũng được, chẳng làm khổ ai. Đằng này, nó ngã ngang mới quái ác, không nhà chị thì nhà cụ. Còn sống là may mắn lắm rồi, là phúc đức lắm rồi…

- Ráng uống miếng nữa con nhé…

Chị lắc đầu, nước mắt lại trào ra.

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Đồng bạc rách
20:25, 08/04/2012
Đồng bạc rách
20:25, 08/04/2012
Ánh trăng
15:08, 17/03/2012
Ánh trăng
15:08, 17/03/2012
Làng...
07:08, 19/02/2012
Làng...
07:08, 19/02/2012
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.