Multimedia Đọc Báo in

Đồng bạc rách

20:25, 08/04/2012

Từ khi mà nó đau bệnh qua đời, nó sống vất vưởng không nhà. Ngày ngày nó nhặt nhạnh những chiếc lon bia để bán kiếm dăm nghìn sinh nhai. Đêm về, nó tìm xó xỉnh yên tĩnh ngủ vùi. Mới mười tuổi đầu, nó đã lăn lóc, chai sạn với đời và biết suy tư như người lớn. Một hôm đi nhặt nhạnh phế liệu, nó bắt gặp tờ giấy bạc một trăm nghìn đồng nằm ven đường, mắt nó sáng lên, tim đập thình thịch. Tờ giấy bạc nằm gọn trong lòng bàn tay, nó còn dáo dác nhìn quanh sợ có người trông thấy. Tất cả mọi người đi qua dường như không ai chú ý đến nó cả. Nó mừng quýnh sải bước về nơi trú ngụ. Đó là ngôi nhà bỏ hoang lâu năm thấp lè tè, dột nát, nên lổn nhổn gạch đá ở ngoại thành. Cu cậu từ từ mở tờ giấy bạc vuốt thẳng. “Ôi! Cái gì thế này?”. Nó than thầm khi trước mắt hiện lên tờ giấy bạc rách nhiều chỗ được dán bằng băng keo trắng. Thay vì rạng rỡ lúc đầu, giờ nét mặt nó buồn hiu. Nó nhìn ra ngoài trời, rồi lại nhìn tờ giấy bạc đặt trong tay, tự nhủ một mình: “Được thôi, tao sẽ có cách làm cho mày mua được những điều tao cần mua. Tao sẽ mua một bộ quần áo cũ, hoặc ít ra cũng là bộ đồ nghề đánh giày”.

Nó cho tiền vào túi quần, miệng huýt sáo bài “Ngày xưa em như chim sáo”, rồi bước vào quán dụng cụ đánh giày. Thấy cậu bé đứng lấp ló trước cửa, cô chủ quán sẵng giọng: “Ê nhóc, mày làm gì đó?”. Nó đánh bạo tiến vào nhà, lễ phép: “Dạ thưa cô! Cháu muốn mua cái bót và hộp xi-ra đánh giày”. Cô chủ quán đổi giận làm vui: “Cháu muốn mua loại nào, cô bán cho?”. Nó thủng thẳng: “Cô bán cho cháu loại tốt nhất”. Cô chủ quán đẩy chiếc kính tủ sang một bên, lấy ra cái bót và hộp xi-ra mới toanh, trao cho nó, giọng ngọt như mía lùi: “Cô thấy cháu có lẽ là con nhà nghèo nên bán rẻ cho cái bót và hộp xi-ra năm chục nghìn đồng. Khi nào dùng hết xi-ra, cháu nhớ lại đây cô bán rẻ cho nhé!”. Nó lần tay vào túi quần lấy tiền, miệng dẻo quẹo: “Cảm ơn cô!”. Không ngờ mới nhìn đến đồng giấy bạc, cô chủ quán như bị tát nước lạnh vào mặt: “Này! Này! Thằng nhóc kia, trả hàng lại cho tao ngay! Tiền rách. Đồ lừa đảo!”. Vừa chửi cô chủ quán vừa vứt tờ giấy bạc xuống đường. Nó cúi xuống nhặt rồi co giò phóng thẳng một nước. Thế là một ngày trôi qua với bao điều dự định tan theo bọt nước. Thêm phần không nhặt được cái lon bia nào. Nó lục túi quần, còn ba nghìn đồng mua ổ bánh mì ăn lót dạ đỡ đói. Trong lúc thất vọng, buồn chán, trong đầu nó bỗng lóe lên tia sáng. Nó quyết tâm tiêu thụ đồng bạc rách lần nữa. Đối tượng mà nó chọn là một bà lão bán bánh mì nhà ở cuối phố. Đợi đến lúc chiều về, nó vắt bao hàng phế liệu nhặt được trong ngày dừng lại trước tủ bánh mì, cất giọng lanh lảnh: “Bà ơi! Bán cho cháu ổ bánh mì”. Bà lão từ trong nhà bước ra, xởi lởi: “Mua mấy ổ bánh mì vậy cháu?”. Nó dứt khoát: “Dạ, hai ổ bà ạ. Tiền đây bà”. Bà lão cầm tờ giấy bạc mân mê trong tay: “Cháu đưa cho bà tờ giấy bạc bao nhiêu vậy hả?”. Nó đáp giọng hơi run: “Dạ, một trăm nghìn đồng”. Bà lão thốt lên: “Chà! Để coi bà có chín mươi bốn nghìn thối cho cháu không đã. May quá, có đây rồi”. Bà lão kéo hộc bàn lấy từng đồng giấy bạc vuốt phẳng phiu, trao cho cậu bé. Nó kinh ngạc khi thấy bà lão đưa cho nó đúng chín mươi bốn nghìn đồng. Nó nhìn chằm chằm đôi mắt trắng đục của bà lão, rồi quày quả bước đi. Nó có trong tay xấp xỉ một trăm nghìn đồng, nhưng chẳng thấy vui tí nào cả. Suốt đêm nó trằn trọc không ngủ, lúc nào cũng hình dung thấy cảnh bà cụ phát hiện ra đồng bạc rách, mếu máo khóc.

Trời vừa sáng, nó đã có mặt ở cuối phố. Nó vào quán bánh mì gặp bà lão, giọng lí nhí: “Bà ơi! Cháu mang tiền đến trả cho bà đây. Tiền hôm qua cháu đưa cho bà là tiền rách… Cháu đói quá nên… Cháu có lỗi với bà”. Thật lạ lùng! Bà lão không hề trách mắng nó, mà còn thân mật xoa đầu nó: “Cháu ngoan! Biết hối lỗi như vậy là tốt. Bà tặng luôn số tiền ấy cho cháu. Chắc là cháu rất cần tiền. Cầm đi đừng ngại!”. Nó tròn vo đôi mắt, kêu lên: “Ấy, bà ơi! Bà đừng nói thế cháu không dám!”. Bà lão cầm chặt bàn tay của nó dúi nắm tiền vào: “Bà cho cháu đấy, hãy nhận cho bà vui nào”. Tự nhiên nó câm lặng. Bà lão không nhìn thấy 2 dòng nước lăn dài trên má nó. Có lẽ lâu lắm rồi nó khóc…

Trần Quốc Cưỡng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ánh trăng
15:08, 17/03/2012
Ánh trăng
15:08, 17/03/2012
Làng...
07:08, 19/02/2012
Làng...
07:08, 19/02/2012
Chim phóng sinh
09:06, 12/02/2012
Chim phóng sinh
09:06, 12/02/2012
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.