Multimedia Đọc Báo in

Trượt dốc

10:29, 05/05/2012

 

Tùng đứng dưới con hẻm lẹp nhẹp nước thải đen ngòm túa ra từ những căn hộ chung cư bốc mùi khăm khẳm. Gần cả tháng nay hễ đến cơn say là anh ta mò tới con hẻm mà chẳng có ma nào bén mảng, trừ những sinh viên nghèo ở các tỉnh lẻ thuê phòng trọ. Son đứng trên ban công tầng hai nhìn xuống thấy Tùng mặt đỏ như gà chọi, bước chân khệnh khạng, nó thở dài:

- Tùng lại say nữa rồi. Hòa đã đoạn tuyệt thì tội tình gì mà hành xác cho khổ cơ chứ! Yêu đơn phương như đuổi bắt chiếc bóng. Ta đứng, nó đứng. Ta đuổi, nó chạy.

Tôi kéo tay Son:

- Hay là mình xuống khuyên ảnh về thôi, Son ơi!

Son bặm môi, lắc đầu:

- Chỉ hoài công vô ích. Nỗi đau đã ngấm vào tận xương tủy Tùng mất rồi.

Tiếng còi xe ô tô ở đầu con hẻm vọng lại. Hòa hiện ra rực rỡ trong chiếc váy hoa vàng in trên nền vải đỏ với những bước đi đỏng đảnh, rồng rắn như người mẫu thời trang. Nó chợt khựng lại khi nhác thấy Tùng, rồi sải bước như ma đuổi. Vào đến cửa phòng trọ, nó còn lải nhải:

- Chán quá! Nay mai đi thuê nơi ở khác cho yên thân.

Tôi và Son lặng im như ngậm hạt thị. Hòa vứt cái xắc trên giường, cúi xuống tháo giày, miệng càu nhàu:

- Các cậu sao thế? Mặt lạnh như tiền. Tôi làm điều gì không phải với mấy người à?

Son không kiềm chế được nữa. Nó vênh mặt, cau mày:

- Này, mi bảo ai làm mặt lạnh hả? Cái đó dành cho mi đúng hơn. Mi có biết Tùng vì mi mà đau khổ như thế nào không?

Hòa dửng dưng:

- Ô hay, tớ mượn anh ta đau khổ chắc?

Thật tàn nhẫn, khi tình yêu đã nguội lạnh, con người ta xem nhau như hai kẻ xa lạ. Tôi thầm tiếc cho cái nhóm “tứ chiến” – biệt danh mà các bạn học trong lớp ban tặng cho tôi, Hòa, Son và Tùng để ca ngợi tài năng trong học tập, giờ rã rời như những mảng lục bình trôi dật dờ ở cuối sông. Có chăng chỉ còn là “tứ chán”. Tùng buồn tình bỏ dở việc đèn sách, làm công nhân cho hãng bia Sài Gòn. Còn Hòa bắt bồ với anh chàng giám đốc chi nhánh công ty hàng mỹ nghệ xuất khẩu tại thành phố, đẹp trai như tài tử xi nê. Nghe nói anh chàng đã có vợ con ở quê tận miền Trung xa ngái, Hòa thì kiên quyết bác bỏ: “Người ta có thành kiến nên ác khẩu, chứ ảnh đã có vợ con gì đâu”. Tôi và Son hết lời khuyên nhủ: “Hòa bỏ học ngang như thế thật uổng phí bao năm đèn sách”. Nó chu môi son như quả cà chua chín, leo lẻo:

- Học làm đếch gì cho mệt xác. Ra trường chắc gì đã tìm được việc làm. Chúng mày về quê xem có hàng đống cử nhân không xin được việc làm. Tiếng là trí thức mà đi làm thuê như dân lao động chân tay, chán chết. Có tiền là có tất cả.

Từ ngày Hòa trở thành vợ không chính thức của anh chàng giám đốc hào hoa, phong nhã thì cái dáng vẻ quê mùa của cô gái vùng nông thôn tỉnh lẻ biến đi đâu mất. Thay vào đó là một cô Hòa sang trọng, ăn mặc đúng mốt thời thượng. Vốn đã xinh xắn từ thuở nào, nay được chăm chút đúng mức, sắc đẹp càng thêm lộng lẫy. Nhà doanh nghiệp ngày hai buổi tự tay đánh xe con đưa, đón cô thư ký – nhân tình trẻ đẹp làm lác mắt bao sinh viên khu chung cư tôi ở.

Đêm qua, tôi ra hành lang đón gió, tình cờ nhìn xuống con hẻm, ánh lửa lập lòe làm tôi sởn tóc gáy. Tôi ùa vào phòng dắt tay Son ra chỉ chỏ, nó cười chua chát:

- Tùng đấy chứ ma quỷ gì đâu. Cái kiểu đốt thuốc lá liên tục như thế, ngày kia tránh sao khỏi lao phổi, ung thư.

Dạo này ban đêm Hòa thường ngủ lại công ty để hú hí với bồ. Tùng làm đốm lửa cô đơn trong ngõ nhỏ. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên can Tùng hãy quên đi mối tình ngang trái để làm lại từ đầu, Tùng nào chịu nghe. Thật chua xót!

Chiều nay trên đường chúng tôi đi học về chợt nghe đám thanh niên choai choai nhà gần khu chung cư kháo nhau: “Cái gã say ngày ngày mò mẫm vào con hẻm sinh viên vừa bị công an bắt”.

Mặt Son tái mét. Nó sấn tới hỏi dồn:

- Anh ơi! Vì sao anh ấy bị bắt, anh có biết không?

Gã thanh niên mặt còn non choẹt, đầu tóc húi cao, nhuộm màu vàng chạch, hai tay cho vào túi quần bò, ra vẻ dân anh chị, cười ngạo nghễ:

- Cô là người yêu?

Son cố nhịn, mềm mỏng:

- Dạ không! Chúng tôi là bạn học.

Gã thanh niên bặm trợn buông một câu nghe sặc mùi giang hồ:

- Đến công an quận mà hỏi. Thằng cha chơi được đấy. Đập vỏ chai vào đầu gã giám đốc công ty mỹ nghệ gì đó. Tiếc là hắn xỉn quá chẳng làm nên trò trống gì, lại còn bị gã giám đốc cho đám nhân viên quật cho một trận tơi bời.

Nghe tin Tùng bị bắt, Hòa có vẻ động lòng trắc ẩn, vội vã đến chỗ chúng tôi với giỏ quà nặng trĩu trong tay. Cũng có thể nó đứng ra xoa dịu hậu quả do người yêu của nó gây ra cho Tùng. Hòa ngồi chưa ấm chỗ thì trước cửa phòng xuất hiện một phụ nữ có gương mặt đanh đá, trét đầy son phấn. Cô ta nhìn chúng tôi bằng cái nhìn vừa ác cảm, vừa soi mói:

            - Xin hỏi quý cô đây ai là cô Hòa?

Nhìn sát khí hiện lên trên nét mặt của người đàn bà xa lạ, bỗng nhiên tôi thấy lo sợ cho Hòa nên tìm cách nói trớ đi:

- Dạ, cô Hòa vừa đi khỏi. Xin lỗi chị là ai? Tìm cô Hòa có việc gì không?

Người đàn bà chưa kịp đáp thì cô gái cùng đi vụt la toáng lên:

- A! Má ơi! Nó đây rồi! Má xem ảnh đây này! – Cô gái đưa tấm ảnh cho người đàn bà. Xem xong cả hai nhảy xổ về phía Hòa:

- Chết này! Chết này! Con đĩ giật chồng bà!

Tôi kịp nghe Hòa rú lên kinh hoàng. Hai bàn tay nó ôm mặt. Máu trào ra từ mười đầu ngón tay. Sự việc diễn ra quá nhanh, tôi và Son còn bàng hoàng, không kịp can ngăn thì hai kẻ thủ ác đã phóng ra khỏi nhà.

Tháng sau kẻ ác trả giá. Án tù cho cô vợ cùng nhóm máu với Hoạn Thư. Ông chồng mèo mả gà đồng thì bị cách chức, đuổi việc về địa phương. Người chịu nhiều đau khổ nhất là Hòa, xách gói về phòng trọ khóc sướt mướt mấy ngày liền. Tôi và Son an ủi thế nào Hòa cũng không vơi đi nỗi đau. Nó lấy gương ra soi. Nhìn những vết sẹo ngang, dọc như bàn cờ trên gương mặt, nó rũ xuống như tàu lá úa.

Thật lạ, sau biến cố đau thương của Hòa, Tùng trở lại là Tùng của ngày nào. Anh tiếp tục học và còn dạy kèm kiếm thêm tiền phụ giúp Hòa ăn học. Đêm đêm tôi nằm gác tay lên trán, lòng buồn man mác. Hạnh phúc chính là những gì mình đang có trong tầm tay, chứ đâu phải chạy theo ảo ảnh xa vời. Tùng vẫn thường xuyên lui tới an ủi, chăm sóc Hòa. Song, ai đoán chắc Tùng còn yêu Hòa thiết tha như buổi ban đầu khi mà niềm tin của Tùng đối với Hòa đã một lần đổ vỡ?

Trần Quốc Cưỡng 


Ý kiến bạn đọc