Chị dâu tôi
Chị về làm dâu nhà tôi vào một ngày ngâu tháng bảy. Tháng bảy năm ấy, trời đầy nắng lửa mưa dầu. Đài báo bão khẩn cấp. Những cây măng mọc nép vào trong. Nước sông Hồng vượt báo động cấp 3. Máy bay Mỹ sàn sạt trên đầu. Mặt người đen cháy, phấp phỏng lo toan. Bố tôi bảo: “Muốn lấy nhau thì cưới, không phải kiêng ngày. Thời chiến tranh ai cũng là vợ chồng ngâu cả”!
Chị mặc áo phin màu gụ, chiếc cúc bấm sáng ở trên cổ. Tóc chị dài, chảy dài qua thắt lưng, óng ả, tốt tươi sự sống đồng quê. Đám cưới thời chiến không có nhạc xập xình, chỉ có một cây nhị cót két, cọt kẹt mà để lại dư âm vang mãi trong lòng người. Bấy giờ đám cưới, cô dâu nào cũng phải hát. Chị đỏ mặt đứng lên hát bài “Em tiễn anh lên đường”. Tiếng hát run run, mộc mạc, chân tình gợi lưu luyến nhớ thương. Ngờ đâu, lời hát đó “vận vào”: Mười ngày sau khi cưới, anh tôi “lên đường”. Đọc xong tờ giấy gọi nhập ngũ, chị òa khóc, gục đầu vào vai anh mà khóc, nước mắt chan hòa, ướt hết một bên vai áo anh. Anh gỡ chị ra bảo: “Bình tĩnh! Đi là để chiến thắng trở về, chứ đi mà chết cả thì ai dám đi đánh giặc”.
“ – Dưng mà… bao giờ anh về?”
“Bao giờ anh về”? Câu hỏi đó cứ đeo đẳng chị, đeo đẳng anh, đeo đẳng mọi người trong nhà tôi khi chiến tranh ngày càng ác liệt. Hàng chục năm, anh đi biền biệt, hết chiến trường A, B, rồi chiến trường C. Đêm nào chị cũng ôm lấy cái gối cưới, nằm quay vào rồi lại quay ra, nhìn ánh trăng rười rượi ngoài cửa sổ mà nhớ mong, mà tưởng tượng… Đêm mưa dầm tí tách hạt rơi, chị nằm nghe chiếu mốc nửa giường, nghe vẳng tiếng ru “con sáo sang sông” như cắt ruột cắt lòng. Và tiếng mưa trong tâm hồn chị xa vắng và da diết dường bao!
Sáng sớm, cứ bốn giờ là chị trở dậy, bèo cám lợn gà, rồi đun cơm nấu nước, đánh thức chúng tôi. Chị ngồi đầu nồi, xới cơm ăn, nắm cơm cho chúng tôi đi học tận trường huyện. Bây giờ có tuổi, tôi còn thấy mùi cơm trộn khoai lang thơm lừng mỗi sớm. Và bây giờ tôi mới biết rằng: Có một niêu cơm, đơm cho chúng tôi mấy lần, chị đói lắm đấy, chị ơi!
Mùa đông giá rét, mùa hè nóng nung, chị ôm bó mạ trên đồng, lâu lâu lại ngẩng nhìn về phương Nam, tưởng tượng thấy đôi môi anh cười. Chị đã cấy xanh niềm hy vọng của một cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt nhất, vẻ vang nhất của một dân tộc anh hùng.
Rồi đột ngột, sau khi giải phóng miền Nam được vài tháng, anh tôi trở về. Anh ngồi trên chiếc xe lăn, hai chân cụt từ đầu gối, người đầy thương tích. Những vết cháy trên mặt anh đầy sẹo, kéo lồi cả mắt, kéo trễ cả môi. Chị lại khóc như hồi anh ra đi, nước mắt tích tụ, để dành hàng chục năm trời bỗng nhiên vỡ òa. Những giọt nước mắt đợi chờ, chung thủy, ngọt ngào và cay đắng! Tôi chợt nhận ra rằng: Trong một cuộc chiến tranh, vết thương trong lòng người phụ nữ là nặng nề nhất, là dai dẳng nhất!
Bây giờ anh chị vẫn ở bên nhau. Anh không còn khả năng làm chồng, chị không thể có con. Mọi hy vọng chị gửi vào chúng tôi. Các con tôi đã lớn, làm việc ở nơi xa, tháng bảy nào chúng cũng gửi quà về biếu chị. Chúng được học hành, được lao động và hiểu ra rằng: đằng sau mọi chiến công hiển hách của một con người, của một dân tộc là sự hy sinh không bờ bến mà những người phụ nữ vô danh, chân lấm tay bùn, đêm đêm vò võ ngóng chồng… đã gánh chịu.
Kim Dung
Ý kiến bạn đọc