Ngọt ngào sông nước miền Tây
Men theo dòng sông Tiền, băng qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn cây trĩu oằn quả chín, những cù lao xanh ngắt nổi cộm giữa dòng sông, những làng quê thanh bình yên ả, đẹp như tranh khiến Nhu mát rượi lòng.
Dừng lại trên bến đò quê nghe câu hò xứ sở thấp thoáng trong ánh chiều, anh tự hỏi không biết từ bao giờ miền sông nước này sản sinh ra những câu ca hay đến thế. Đến như đám lục bình, bông điên điển, bờ lau sậy cũng như trao gửi được tâm tình. Người sống miền sông nước, lòng họ cũng bao la như sông nước. Trong văn vắt, sâu thăm thẳm, nhưng cũng bềnh bồng như chợ nổi, như những chiếc xuồng ba lá mỏng manh nhưng dẻo dai diệu kỳ. Đưa ta đến mọi ngóc nghách của miền Tây Nam bộ mênh mông nắng, mênh mông nước.
Lần đầu ngồi tắc ráng sang sông, nhìn người ta vắt chân chữ ngũ trên yên xe máy nói cười, vô tư, Nhu phục người miền sông nước quá. Chiếc xe cúp cà tàng của anh được chủ đò đưa lên và dựng trên sàn đò, ông bảo :
- Ngồi lên, giữ cho xe khỏi ngã.
- Dạ, sợ lắm, ngồi đây mà còn run nữa là.
Ông chủ đò nhìn Nhu ngồi bệt xuống sàn như đàn bà, không nhịn được cười:
- Bộ, lần đầu “ dìa “ miền Tây hả.
- Dạ.
- Hề..hề...ề…
Tại Tân Châu, dòng Cửu Long chia thành hai nhánh: sông Tiền, và sông Hậu trước khi đổ ra biển. Nơi đây có làng bè vào loại lớn nhất Nam bộ. Cá bông lau, cá ngát, cá lóc, cá ba sa… làm nên những thương hiệu nổi tiếng như mắm thái, mắm ruột, khô cá tra phồng, khô sặt rằn, khô cá dứa thơm…Những thương hiệu và sản phẩm của nó đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Say sưa ngắm nhìn sắc đẹp muôn màu của nàng sông nước, Nhu buông tay nắm ra từ hồi nào. Bỗng dưng, xuồng quặt ngang chín mươi độ do tránh vật gì đó. Mọi người đồng thanh la ó, Nhu bừng tỉnh cũng là lúc anh rơi tỏm xuống nước. Có biết bơi đâu, anh bị uống liền mấy ngụm nước to tướng. Một cú giáng như trời đánh vào đầu, khiến anh lịm người đi. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên bờ mới hay mình còn sống. Người chủ đò đã cứu anh. Ông thân hành đưa Nhu đến trạm y tế xã, giao anh cho họ săn sóc.
Với sức trẻ, ngày hôm sau Nhu đã hoàn toàn bình phục. Công việc đầu tiên anh làm là quay trở lại bến đò tìm người đã cứu mình. Cân trà Thái Nguyên mà trước đó anh định biếu cha đỡ đầu là lễ vật duy nhất anh có để đền ơn ông. Ông chủ đò tươi cười, niềm nở đón Nhu :
- Bày vẻ làm gì chú em.
- Dạ, đâu có gì.
- Qua bển thăm ai.
- Ông Hai Chử.
- Phải ông Hai “mặc nưa “ không?
- Dạ, đúng rồi.
- Ổng là gì của chú em.
- Dạ, đồng đội của cha cháu thời chiến tranh biên giới Tây Nam.
- Bạn nhậu của tui à nghen, nhà tui cũng gần đó.
- Vậy hả chú.
- Ừa.
Buổi chiều trên cù lao Long Khánh thật đẹp. Nắng xiên qua hàng cây mặc nưa đứng thẳng tắp hai bên đường, hắt lên áo, lên tóc các cô gái màu hoàng phi quý phái. Vài cỗ xe bò đủng đỉnh chở cây trái về nhà, chở theo mấy câu hò lơ, hò lờ tình tứ. Một khung cảnh thanh bình đến thơ mộng.
Hai Chử dọn “ đồ chơi “ ra hàng hiên. Đó là thau nước đá đập nhỏ và cái ly cơ cụt chân cùng với mấy cái chén năm cha bảy mẹ, sứt đầu mẻ trán. Một rổ rau to tổ chảng, đủ thứ hương đồng cỏ nội : đọt cóc, đọt xoài, bông điên điển, dọc mùng, càng cua…Một cái lẩu bắc trên bếp cồn sôi sùng sục, những lát cà chua và khóm tranh nhau nhảy múa trông thật vui mắt. Mấy đĩa mồi sống với đủ thứ sơn hào hải vị, lòng mề cá hô, ruột cá lóc, lươn huyết…nói lên sự trịnh trọng của chủ nhà. Khách mời của Hai Chử là ông chủ đò và hai người thợ nhuộm mặc nưa của ông, còn Nhu là người nhà chớ đâu phải khách. Nhu thắc mắc :
- Uống thức gì mà cháu không thấy.
- Cháu khỏi lo. – Hai Chử cười khì. - Ở đây, người được mời nhậu thì phải mang rượu theo.
Khách đến, rượu đổ chung vào thau, đủ mùi, đủ loại. Cái ly cơ cụt chân xoay mòng mòng quanh mâm tiệc. Chạy thông suốt được vài vòng thì chững lại chỗ Nhu, ông chủ đò pha trò: “Thượng điền tích thủy hạ điền khan”, xả đập đi. “Một hai ba…dzô…”. Nhu nhắm mắt, nhắm mũi tống khứ thứ nước cay và nồng ấy vào cổ họng. Ngậm miệng,
mím môi không nhổ choẹt nước bọt ra đất như cánh lưu linh ở đây thường làm sau khi uống cạn cốc rượu. Anh hớp ngụm trà nóng xua tan mùi men, vừa lịch sự, vừa để giải rượu. Rồi khi không chịu nổi nữa, Nhu xin phép rút lui. Nói là lui chứ lăn kềnh ra đó, đánh một giấc ngon lành. Hai người thợ cũng xin phép cáo từ, chỉ còn lại Hai Chử và ông chủ đò.
- Bữa nay, con Xoàn có đi làm không.
- Không.
- Gọi nó qua đây ăn cơm luôn thể.
Hai Chử nói vọng xuống bếp :
- Bà ơi… Gọi điện bảo con Xoàn qua đây có việc, nghe không ?
- Nghe rồi, - vợ Hai Chử chanh chua – gia trưởng dữ nghen.
Vài phút sau Xoàn tới, vừa chào hỏi xong thì cô líu quíu chạy tới chỗ Nhu nằm.
- Bệnh hả ?
- Say chớ bệnh tật gì đâu. – Ông chủ đò phân bua.
- Cha cứ ép người ta hoài, mới ở trạm xá về sáng nay.
Nói rồi, Xoàn đi lấy khăn nóng lau mặt cho Nhu, pha cho anh ly nước chanh. Nhu thì thào những lời gì mà Hai Chử và ông chủ đò chẳng thể nghe rõ. Hình như Nhu nắm tay Xoàn và cảm ơn cô thì phải. Chỉ có trời mới biết đêm qua ở trạm xá hai người làm gì. Đêm qua Xoàn đút cháo cho Nhu ăn tình tứ đến nỗi ngọn đèn cũng không dám ước. Nhu cảm ơn Xoàn bằng cách hôn lên bàn tay trắng ngần của cô, đến nỗi cô cầm kim dứ dứ hăm dọa nhưng anh nào chịu buông ra. Ở cái tuổi hăm sáu, Xoàn đầy đặn như trăng rằm, thân hình nở nang cân đối, hai gò má ửng hồng tự nhiên. Nước da trắng bóc, đủ sức mê hoặc mọi ánh mắt trai xuân trên đời. Ấy vậy mà Xoàn có tình yêu đâu. Ở cái tuổi cô, trai gái làng này đã lấy vợ, lấy chồng cả rồi. Nếu có chăng mà nghèo thì không dám vói, còn giàu thì chê ỏng, chê eo. Gặp Nhu độc thân, đẹp trai, hiền lành, có công ăn việc làm ổn định, tuổi ngoài ba mươi trách sao lửa gần rơm cháy ngùn ngụt. Sáng nay, trước khi chia tay Nhu còn ôm hôn Xoàn say đắm thêm lần nữa. Họ hứa sẽ dìu nhau đi đến cuối cuộc đời. Xoàn đâu biết là cha cô đã hứa gả cô cho con trai Hai Chử. Hứa thì hứa, nhưng con trai Hai Chử còn mải mê công việc trên Sài Gòn, chắc gì cậu ấy chịu lấy vợ miệt vườn. Giờ, thấy cảnh Xoàn và Nhu âu yếm nhau thế, Hai Chử đâm ra khó xử.
Một bên là con của đồng đội cũ đã hy sinh, một bên là con ruột. Hai Chử đưa ngón trỏ che môi, mắt nhìn ông chủ đò gật gật đầu :
- Không thể cãi được mệnh trời.
Ông chủ đò cũng gật gật đầu thỏa hiệp. Ông đã mến tính Nhu từ phút ban đầu, khi Nhu cúi đầu chào ông. Một người khách xa lạ và một vạn đò với áo quần nhớp nhúa bụi bặm xăng dầu. Rồi đến khi ông đánh một cái thật mạnh vào đầu cho Nhu lả đi để ông đẩy anh lên mặt nước, đưa vào bờ. Ông thương anh lắm nhưng không làm vậy, thì người sắp chết đuối sẽ ôm chầm người cứu mà chẳng bao giờ buông ra thì người cứu cũng chết. Hơn nữa, trai gái bây giờ đủ khôn khéo để chọn vợ, chọn chồng. Không hiếm trường hợp, chúng đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy. Ông hỏi vọng sang con gái:
- Ủa, tụi mày quen nhau hả.
- Sơ sơ à cha, bác Hai xúi ảnh về đây lấy vợ.
- Đó là chuyện của bác Hai chớ đâu phải chuyện của mày.
- Dạ, cũng tại bác Hai ảnh mới về đây..
- Rồi, nó nói thương mày ?
- Dạ.
- Thằng này quá lắm, dậy đi, ra đây tao biểu- Ông nói với Nhu.
Mặt Nhu đỏ bừng như trái gấc, khép nép ngồi xuống cạnh Hai Chử. Hai Chử âu yếm quàng tay qua vai anh, cười cười.
- Chà, ăn hiếp con trai qua quá. Qua nói cho biết nghen, rượu mời không uống mà đòi uống rượu phạt thì chịu. Lúc ấy, đừng trách sao qua ở ác.
- Ý ông muốn nói…
- Con Xoàn và thằng Nhu đặt đâu thì ông và tui phải ngồi đó.
Xoàn xấu hổ chạy ù xuống bếp để mặc tiếng cười của hai ông già kéo dài tới khuya.
Lý Thị Minh Châu
Ý kiến bạn đọc