Duyên thơ với Tháng Tám mùa thu năm xưa
Có một cuộc cách mạng long trời lở đất tưởng như chẳng bao giờ có thể xảy ra ở một nước thực dân nửa phong kiến với những làng quê “bùn lầy nước đọng”, triền miên trong sự trì trệ, ứ đọng như ở nước Việt Nam trước 1945. Cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa thu 1945 ở dải đất hình chữ S đã làm bừng dậy ý thức con người trước những cuộc đổi thay kỳ diệu, lôi cuốn tất cả vào cuộc sống mới. Và trong đó có cả thơ ca.
Nói như Paul Eluard, một nhà thơ Pháp là: “Từ chân trời một người đến với chân trời của nhiều người”, hay như Chế Lan Viên đã diễn tả:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai như chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Các nhà thơ lúc ấy cũng hòa lòng mình với cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Một sự “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi” ở các nhà thơ của phong trào Thơ mới cũng thật rõ rệt. Có thể nói đây là sự chuyển mình của thơ ca vậy.
Nhà thơ Yến Lan trước Cách mạng có những câu thơ buồn, cái buồn như của ông già ở bến My Lăng, nơi nhà thơ sống là chùa Ông ngày nào, “đây tôi sống xanh nghiêm thánh thất”. Thế rồi cách mạng đến, Chế Lan Viên kể lại: “Hình như Lan cũng có tham gia bí mật vì ngay những ngày đầu tôi thấy Lan ở Ủy ban huyện, tôi đi nghe Lan leo lên cái xà cao lêu nghêu diễn thuyết về “80 năm nô lệ”, sau đó lại cầm gậy theo Lan qua bên kia sông đi trấn áp bọn phản động trong giới Cao Đài nổi dậy chống chính quyền. May không có ai, không có gì để mà trấn áp” (Tựa cho tập thơ “Thơ Yến Lan”, Nxb. Văn học, 4-1987). Và ngay từ đầu, Yến Lan đã viết được cảnh chào đón cách mạng trong các gia đình nghèo khổ như sau:
Ôi Bình Định hôm nay chào cách mạng
Đón bình minh trong nhà nhỏ không đèn
Đấy là hai câu thơ kết thúc bài “Bình Định 1945” của Yến Lan.
Và tác giả hân hoan trước sự đổi thay ấy, trong từng cuộc đời, trong từng cảnh ngộ, và trong tim, trong óc mình nữa:
Qua trường cũ thấy rạt rào sóng ngói
Lòng bỗng dưng thơm mùi giấy học sinh
Trên trang sách của cuộc đời mới
Nghe thơ về bay vút cả trời xanh
Chế Lan Viên không có được cái hạnh phúc như Yến Lan đã có. Nhà thơ “không biết trên núi rừng sắp dậy Tiến quân ca” (Hoa trước lăng Người). Nhà thơ diễn tả lại tâm trạng, nỗi lòng mình vào thời điểm ấy trong một bài thơ tặng anh Lành (tức nhà thơ Tố Hữu), bài Ngoảnh lại mười lăm năm. Đó là lúc nhà thơ viết: “Nhìn ra tha ma, hay quay vào trang sách; Ôi dân Chàm mất nước, kiếp dân mình đêm xa” để “Khi đã buồn hiện tại, thì quay về tháp xưa”. Đang bế tắc thì cách mạng đến, Chế Lan Viên thực quên thơ đi như quên cái gì đã cũ không thiết thực với cuộc sống mới bây giờ. Nhưng Cách mạng đã đổi đời, đổi cả hồn thơ Chế Lan Viên. Cách mạng giúp nhà thơ nhận ra chính mình, và nhà thơ nói: “Không có Cách mạng thì không có thơ Chế Lan Viên”. Chế Lan Viên đã có những câu thơ rất thực khi tâm sự với Tố Hữu:
Ngoảnh lại mười lăm năm
Cùng thơ anh chung dòng
Mười một năm đồng chí
Chung ngọn cờ công nông
Vẫn buồn câu chuyện cũ
Tự ngày Quy Nhơn nọ
Sao tôi vui đi học
Trong lúc anh tội tù?
Vây nên khi nhắc đến Cách mạng mùa Thu, Chế Lan Viên có những câu thơ đầy biết ơn, như “ánh sáng và phù sa” tràn ắp tâm hồn nhà thơ: “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” của cuộc đời, của thơ ca với Chế vậy.
Thật khó mà hình dung thi sĩ Xuân Diệu, “ông vua thơ tình” của nước Việt Nam – một nhà thơ lãng mạn, lại là một nhà thơ hiên thực xã hội chủ nghĩa sau này. Có biết được rằng, trước cách mạng, nhà thơ từng tuyên bố: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” (Hy mã lạp sơn) thì mới thấy Xuân Diệu có những bước chuyển dài trong tâm hồn thơ. Sau cách mạng, nhà thơ viết:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao
( Những đêm hành quân)
Duyên thơ của Xuân Diệu với Cách mạng mùa Thu thể hiện rõ ở 2 tác phẩm Ngọn quốc kỳ (11-1945) và Hội nghị non sông (2-1946). Tập Ngọn quốc kỳ là tập thơ đầu thành công về chủ đề cách mạng của Xuân Diệu. Ngọn quốc kỳ có những câu thơ tuyệt đẹp về cách mạng:
….Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo
… Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca
Âm hưởng hào hùng của dân tộc ấy luôn trở đi trở lại trong thơ Xuân Diệu sau này. Trong bài Lệ (1957) viết tặng Cách mạng tháng Tám và Cách mạng tháng Mười, Xuân Diêu bồi hồi một cách chân thật:
Đến bây giờ Cách mạng tuổi mười hai
Đã bốn mươi năm Cách mạng Tháng Mười
Vui khởi nghĩa, gian khổ cùng kháng chiến
Chia với nhân dân cay đắng ngọt bùi
Như gỗ thuyền ăn chịu cùng muối biển
Cách mạng dần dần thay đổi hồn tôi
Đó là cuộc đời người dân làm chủ vận mệnh như ông viết:
Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên…
(Nhớ mùa Thu tháng Tám - 1947)
Tháng Tám mùa Thu Cách mạng quả là kỳ diệu. Cả cái duyên thơ Xuân Diệu với Cách mạng tháng Tám mùa Thu cũng vậy. “Tôi tìm thấy một hạnh phúc giàu có hơn, trọn vẹn hơn, sáng tạo hơn, trong khi ở với cha tôi là Nhân dân, và mẹ tôi là Tổ quốc”- Xuân Diệu có lần tâm sự với bạn đọc nước ngoài như vây (Tạp chí Orion, số 12-1980, Buđapet ).
Và cả ngay khi Xuân Diệu “Tâm sự với Quy Nhơn ” sau này:
Tháng Tám Quy Nhơn dậy thắm cờ
Mùa xuân dân tộc nẩy chồi tơ
Ông cũng không bao giờ nguôi quên cái duyên thơ của mình với Cách mạng mùa Thu tháng Tám năm nào…
Trần Xuân Toàn
Ý kiến bạn đọc