Hóa trang
Chị là người đàn bà đẹp bởi chị có mái tóc dài óng ả, khuôn ngực đầy đặn, dáng người hơi đậm nhưng không thô cứng. Không quần là áo lượt, không phấn son lòe loẹt, chị là mẫu người lý tưởng để hoàn thành những công việc vất vả của nhà nông. Chị hành nghề đan lát, cái nghề tuy không mấy nặng nhọc nhưng tốn nhiều thời giờ, nhiều công đoạn và phải có tay nghề để hoàn thành một sản phẩm. Chính vì vậy mà người làm nghề này không nhiều. Từ rổ rá, nong nia đến cái làn đi chợ, cái giỏ đựng rau nếu chỉ một người làm có khi mất cả ngày mới xong một sản phẩm. Từ chọn tre, ra lạt, đánh bóng nan cho tới đan lát, niền vành. Niền vành bằng sợi dây mây chẻ nhỏ rồi ngâm nước bùn cho dẻo để khi siết chặt không bị nứt rạn. Chẳng đơn giản chút nào nhưng mỗi sản phẩm giá chỉ vài mươi ngàn, cho là lãi ròng hết đi cũng không sánh nổi với thu nhập của một lao động bình thường. Không đan thì không có tiền, đan vội cũng không được. Quy luật ở đời này không tự nhiên có, nếu mình không làm. Muốn giàu cũng đâu dễ dàng gì, đôi khi thành công cũng không phải do mình quyết định. Thế mới có câu thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Không ít người nhặt lông vịt, mua bán ve chai mà giàu nứt đố đổ vách, đừng vội nghĩ đó là chuyện cổ tích.
Không ai biết tại sao chị không lấy chồng. Chỉ có chị mới trả lời được. Ba mươi tuổi, không giàu nhưng chẳng nghèo, có nhà, có xe hơi, có đủ thứ vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Xe hơi của chị là loại xe vừa đi chơi vừa chở hàng nhẹ được. Nhiều người bảo chị bóc lột sức lao động của đám thợ vô gia cư học việc. Chị cười. Không có ông thầy dốt nào mà có nhiều học trò tới xin làm đệ tử và cũng không có ông chủ nào có nhiều công nhân khi mà lương hướng chẳng ra gì. Nghề đan lát của chị đâu phải từ trên trời, từ cung trăng mà từ ông bà xưa truyền lại. Ai cũng biết, ai cũng có thể làm nhưng vì ai cũng thích chạy theo khoa học kỹ thuật, văn minh hiện đại mà không suy nghĩ là mình có kỹ năng gì. Sản phẩm mà người ta chuẩn bị vứt đi thì mình đun đầu vô nghiên cứu, mày mò. Khi có thành phẩm thì lỗi thời, hao tiền tốn của mà chẳng ích lợi gì. Ít người chịu nhìn vào thực tế là có những nghề không bao giờ thất nghiệp như hớt tóc, may mặc. Bởi con người còn nhu cầu thì công việc đó phải còn tiếp tục. Đan lát cũng vậy, thương trường sôi sục, hàng hóa ngày một nhiều, không có đồ đựng thì không thể bảo quản. Từ khâu thu mua, chuyên chở, tồn trữ, phân phối đến người tiêu dùng hàng hóa nào cũng phải có bao bì thích hợp. Rau tươi thì không thể đóng trong thùng giấy kín, trứng các loại không có vỉ xốp thì phải có rơm bao bọc, che chắn. Nghề của chị làm dâu mọi nhà từ người buôn gánh, bán bưng đến các công ty mua bán hàng nông sản lớn. Tùy theo nhu cầu thương trường mà có quy mô sản xuất thích hợp. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, nghề nào còn kiếm ra tiền thì cứ theo đuổi. Sản phẩm mình làm ra mà ít người cạnh tranh thì giá cả ổn định, sống được… Người ta thấy cứ mười bốn, rằm, ba mươi, mồng một chị thường đi lễ chùa. Ăn năn, hối lỗi chăng. Có thể. Tu ư. Sao không. Bởi nhân vô thập toàn, tu nhiều càng tốt chứ sao. Chị có một đứa con gái nuôi xinh xắn. Hồi ấy chị ôm con bé bị bỏ rơi trước cổng chùa về nhà. Người bảo phúc, kẻ bảo quả báo. Riêng chị thấy sung sướng vô cùng, bởi chị nghĩ thật đơn giản chẳng phải mang nặng đẻ đau mà có con cái để nuôi nấng là nhất rồi. Quả báo hay phúc phần thì chẳng ai tài giỏi gì đoán trước được. Cái quan trọng là chị có người để truyền nghề, để thừa kế. Vô thừa tự chết không nhắm mắt. Con bé ngoan và dễ nuôi. Ai ẵm cũng được, ai nựng cũng cười, bú bình bú vú da gì cũng xong. Chị sắm cho nó cái nôi có bánh xe đẩy, thợ thầy thích đưa đi đâu thì đưa. Ban đầu chỉ có chị và đứa bé, đêm nằm nghe tiếng bi bô của nó cũng thích thật nhưng sau đó đành phải chào thua. Khi chị thích ngủ thì nó thức, khi chị thích yên lặng thì nó la hét ầm ĩ, khi chị khóc thì nó cười. Bao nhiêu công việc bị dở dang, trở ngại chị đành trông cậy vào cô công nhân độc thân nhưng am hiểu về việc nuôi dạy con cái. Thế là đứa bé có hai bà mẹ.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Đứa bé ngày xưa – tên là Lượm - đã là một thiếu nữ xinh xắn, trong thâm tâm nó cô công nhân kia mới là mẹ của mình - chị biết nhưng không nói gì và cũng không có ý định ngăn cản hay chia cắt. Lợi dụng tình thuơng yêu và sự tin tưởng của mẹ nuôi, Lượm thâu tóm gần hết mối lái và tiền bạc bởi thương trường đâu thiếu kẻ hám lợi và hám sắc. Rồi khi hay tin Lượm và cô công nhân mở điểm đan lát riêng, chị kiểm tra lại tiền bạc mình dành dụm bao năm thì ôi thôi chẳng còn gì! Nổi giận, chị giáng cho Lượm mấy bạt tai và tình mẫu tử từ đó chia lìa. Lượm về ở với “ mẹ “ là cô công nhân, hoàn tất các giấy tờ cần thiết cho mình như giấy khai sanh, nơi cư trú. Dĩ nhiên không phải là con chị và cư trú nhà chị.
Bây giờ, chị vẫn chung thủy với nghề bởi hàng xóm biết chuyện không hề bỏ chị. Gian nhà của chị lại tràn ngập tiếng cười, tiếng ho hen của người đứng tuổi, tiếng ví von của những cô gái nhỡ nhàng. Đó là cơ sở làm từ thiện đích thực, lương hướng công nhân tăng lên vù vù, lợi tức phần chị bằng không. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Một công ty tầm cỡ biết chuyện, góp vốn đầu tư cho chị mà không yêu cầu hoàn trả. Họ cũng làm từ thiện. Hàng hóa nơi chị làm ra họ bao tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Lợi tức càng nhiều khi mà hàng hóa đa dạng, nhiều mẫu mã đẹp lại không tốn nhiều công sức và vật tư như nong nia thúng mủng. Đó là những lọ đựng hoa khô bằng tre nhuộm phẩm màu rồi sơn bóng hay những khay đĩa đựng trái cây, bánh kẹo chỉ xông lưu huỳnh cho trắng là được.
Do yêu cầu của đối tác, cơ sở sản xuất của chị mọc lên như nấm khắp dọc dài miền Trung. Ở đâu chị cũng tổ chức theo mô hình tự quản, ở đâu chị cũng không lấy lợi nhuận nên ở đâu chị cũng được chính quyền cấp đất, hỗ trợ xây dựng để giải quyết công ăn việc làm cho người neo đơn, cơ nhỡ của địa phương đó. Chị thành người của công chúng hồi nào không hay.
Về phần Lượm, do sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa nên sau một thời gian ngắn là bão hòa. Hàng hóa tồn đọng, nợ chất chồng, công nhân tứ tán may là không vướng vào lao lý. Thời gian là liều thuốc diệu kỳ giúp người ta ăn năn hối cải, chị cho Lượm và “ mẹ “ của nó một cơ hội làm lại cuộc đời. Một phân xưởng sản xuất nhỏ, dưới sự quản lý của một hội đồng toàn những người đứng tuổi có tâm huyết và uy tín do chị lập ra.
“ Chữ tài liền với chữ tai…” Chị qua đời do tai nạn, hội đồng công ty đành quản lý mọi việc bởi thấy chưa thể giao cho Lượm lúc này. Lượm đâm đơn kiện theo luật thừa kế hiện hành và theo biện minh của Lượm là chị đẻ ra nó rồi thoái thác để người khác nuôi nấng, nhưng bị công nhân và dân làng cực lực phản đối. Người ta đồng lòng xác nhận chị không chồng, không con; nhặt được Lượm về nuôi nấng, có người làm phụ chăm sóc nó đến trưởng thành. Khi đã trưởng thành thì Lượm ra riêng, đã dứt tình mẫu tử với chị rồi còn gì.
Hôm làm lễ tịch điện cho chị, sư trụ trì chùa không chịu làm phép cho hồn xuất quan ngay. Sư bảo: “Khi còn tại thế ai muốn đóng giả vai gì cũng được, gian dối lọc lừa thì có pháp luật nghiêm trị. Khi đã về với cõi không thì không thể không trở về với bản ngã thật của mình. Chị là đồng tính nam nên phải thi hành theo luật giới. “ Phải đốt bảy cây đèn trên nắp quan…
Lượm suy sụp, không tìm đâu ra lý lẽ biện minh cho mình. Cô rút đơn kiện.
Bây giờ, trong sân nhà chị có bức tượng bán thân nam với mái tóc dài khá nghệ thuật, bảnh bao, nghiêm nghị nhưng không ai thấy có sợi râu nào. Người ta bảo chị giỏi hóa trang.
Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu
Ý kiến bạn đọc