Từ quê lên phố
Khi máy móc được đưa vào đồng ruộng thì những nông dân như vợ chồng anh chị bỗng khỏe nhẹ hẳn ra. Với người làm ruộng quê anh, những hình ảnh đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương…giờ còn ý nghĩa kỷ niệm hơn là thực tế, kéo theo ngày tháng nông nhàn dài ra. Thế nên, sau những ngày mùa bận rộn, anh lại giao ruộng vườn cho vợ, xách bay theo bạn lên phố làm thợ xây.
Những ngày lem luốc cùng vôi vữa để có bữa cơm đồng bạc của thiên hạ đây đó, anh hóng hớt được bao chuyện. Những câu chuyện thoáng qua, cứ như vào tai này ra tai kia, cùng lắm đem lại tiếng cười làm vơi chút mệt nhọc. Duy có chuyện kinh doanh nhà đất cứ đọng lại ngày càng dày lên, khiến anh ước ao nung nấu. Đấy, lắm anh tay không bắt giặc nhờ ngửi thấy mùi tiền từ những ao bèo ở ven đô; mặc can gián của người thân, thậm chí bị cho là ngu, những người biết làm giàu kia vẫn quyết nhào vô để sở hữu những miếng đất vốn là lãnh địa của côn trùng và lau lách. Đến ngày kia, tiền từ đất chảy vào túi những ông chủ ấy ùn ùn, nhiều như quân Nguyên. Thấy mà ham!
Anh đem chuyện đất cát chia sẻ với vợ. Chị tròn mắt rồi giãy nảy khi nghe anh bảo bán lúa bán heo để lấy tiền lên thành phố làm cuộc cách mạng thổ địa. Đồng đất đó, nhà cửa đây, còn ông bà tổ tiên nữa…mắc mớ chi phải đi đâu? Thấy chị chối đây đẩy, anh dịu giọng: “Cứ mua để đó, nó thiu thối đâu mà sợ”. Thế là anh mon men trên con đường kinh doanh địa ốc. Tất nhiên, chẳng thể chen ra mặt đường, khu trung tâm càng không dám nghĩ, anh tìm một xó và mua để đó chờ thời. Hôm anh dẫn đi xem đất mới mua, chị từ manh nha hy vọng chuyển sang thất vọng não nề. Ở thành phố sao lại có chỗ heo hút như vùng sâu vùng xa thế này; lại gần nghĩa trang nữa, ai dám ở!? Thấy chị nhăn mặt, lộ rõ sợ hãi, anh động viên: “Em đừng lo, khi được giá mình sẽ đổi chủ”. Lâu lâu sau đó, khi chị không còn nghĩ tới mảnh đất ấy thì anh đem tin vui về. Niềm vui khiến người anh như nhấc khỏi mặt đất, giọng đắc thắng vút cao: “Đấy, nhân bảo như thần bảo mà!” Chỉ nói được thế rồi anh cười rần rật, quay cuồng lắc lư trong vui sướng ngất ngây. Thì ra, chính quyền quyết định giải toả cái nghĩa trang cạnh đất của anh để xây trường học. Hiển nhiên đất khu ấy vùn vụt tăng giá.
Anh giã từ nghiệp cầm bay, làm nhà trên đất vừa mua. Thôi làm thợ xây, cũng không muốn quay về đồng ruộng, anh sống nhờ vào trường trung học bên cạnh khi biến nhà mình thành tiệm photocopy. Nghề in sao của anh đem lại thu nhập khá, làm chơi chơi nhưng hơn cả một mùa cày cấy mẫu ruộng. Những khi việc đồng áng rảnh rỗi, chị lại chạy xe lên phố phụ giúp anh trông coi quán xá. Chị thấy khách đến quán chủ yếu là học sinh trường bên cạnh. Ngoài photo bài vở để học, các cô cậu còn in sao tài liệu để đem vào phòng thi; thứ này được những kẻ đứng sau quỷ và ma gọi là phao. Những bản sao nhỏ hơn bàn tay với những dòng chữ li ti như đàn kiến là đặc điểm nổi bật của phao. Và nữa, nó được gấp theo hình nan quạt, nhỏ như bao diêm; vào phòng thi cứ từ từ xoè ra, sao y bản chính. Sự gian dối quả là tinh vi- suy nghĩ ấy khiến chị áy náy không yên. “Sao các cháu lại làm thế?”- Có lần chị buột miệng hỏi mấy khách nhí. “Sự học mênh mông như biển rộng, không có phao thì bấu víu vào đâu, hả cô!?” - Cả đám cười vang rồi kéo đi, bỏ lại bà chủ quán ngơ ngác. Làm thế này khác nào tiếp tay cho sự gian dối - Chị vẫn không thôi day dứt. Nghe chị bày tỏ nỗi niềm, anh chế giễu: “Nghĩ lẩn thẩn như thế chắc thần kinh em có vấn đề thật rồi. Việc chống gian lận trong thi cử, để ngành giáo dục lo nhé; phần mình cứ theo lời các cụ - tiền trao cháo múc”. Chị chưng hửng, nhìn anh như người lạ. Thấy vẻ mặt băng giá của chị, anh hạ giọng: “Chúng không làm phao chỗ mình thì làm chỗ khác, cũng thế thôi”. Điều này anh nói đúng. Khi gần cổng trường có thêm hai tiệm photocopy thì khách nhí dồn vào đó, quán anh ế thấy rõ.
Anh chuyển sang mở dịch vụ trò chơi điện tử. Anh bảo, trong thời đại bùng nổ thông tin, dịch vụ này ngon ăn lắm. Quả có thế, quán vừa treo biển hôm trước, hôm sau khách ùn ùn kéo tới. Chưa kịp vui, chị đã phập phồng nỗi lo khi thấy khách đến quán toàn là học sinh trường bên cạnh. Lắm cô cậu vào quán rồi ngồi luôn từ sáng tới chiều, dường như quên hết mọi sự. Có đứa đi tiểu mà chạy thình thịch như nhà cháy vì sợ gián đoạn cuộc chơi; đói quá thì ngấu nghiến nhai bánh mì nhưng mắt vẫn không rời màn hình. Với những trường hợp đó, chị không đuổi thẳng mặt nhưng nhắc khéo “tới giờ học rồi kìa”; “về đi kẻo bố mẹ mong”. Anh lại nhắc chị: “Đã phục vụ thì phải chiều khách”. Nhưng chị làm sao yên lòng để chiều khách khi những trò ảo kia cứ như nam châm hút lấy bọn trẻ. Chị giật mình, hốt hoảng mỗi khi thấy công an đến quán di lý mấy cô cậu choai choai về đồn. Đó là những thủ phạm giựt dọc, móc túi để có tiền “cứu nét”, chơi game. Chị cũng không ít lần chứng kiến những người mẹ đến quán lôi con về. Nước mắt đau khổ và ánh mắt tức giận của những người mẹ ấy khiến chị quay đi, cảm thấy như mình có lỗi. Đặt mình vào vị trí những người mẹ kia, lòng chị trào lên nỗi đau mơ hồ nhưng rất thật. Mỗi ngày mở cửa quán, chị như bị phân thân, vừa mong có khách lại vừa sợ đám học sinh kéo tới ngồi lì cả ngày.
Khi con trai chuẩn bị thi vào lớp mười, anh làm hồ sơ xin chuyển nó từ quê lên phố học. Dù anh đưa ra bao dẫn chứng về điều kiện hơn hẳn mà học sinh ở phố được hưởng so với chúng bạn ở quê cũng không làm chị yên lòng trước việc thuyên chuyển này. Bao cạm bẫy đang giăng mắc ra đó, lỡ dính vào thì hết đời con trẻ! Hình ảnh những thằng bé mụ mị vì game, sống sờ sờ mà cứ lơ ngơ như lạc vào cõi mê cứ ám ảnh chị, khiến chị dự cảm bao điều không hay đang lởn vởn đâu đó. Anh cười to khi biết nỗi lo của chị: “Cứ như em, học trò ở phố hư hết chắc?!” Chị không hồ đồ vơ đũa cả nắm nhưng rõ ràng không yên.
Bất đồng giữa anh chị bắt đầu từ việc anh giao con trông coi quán game mỗi khi nó không đến lớp. Để con tiếp xúc với tiền sớm qúa, không hay đâu! Ngược với suy nghĩ ấy của chị, anh bảo, cứ cho nó làm quen với kinh doanh để khi vào đời khỏi ngơ ngơ như gà công nghiệp. Chị không cãi anh nhưng lẳng lặng để ý con từ đó. Chị nhận ra sự khác thường đầu tiên của con là những khi nó trông quán, thu nhập vơi đi thấy rõ. Thường thường vào thứ Bảy và Chủ nhật, quán đông khách nên thu nhập tăng nhiều nhưng hôm nào giao quán cho con thì ngược lại. Chị vừa có ý thăm dò, nó đã chối leo lẻo: “Con không bớt xén tiền đâu, mẹ đừng nghi ngờ!” Không nghi ngờ sao được khi chị cảm thấy con nói dối ngày càng trơn tru. Có những hôm đi học thêm nhưng nó không cầm vở, nghe mẹ hỏi, nó bảo cho bạn mượn vở rồi. Lắm bữa không có lịch học ở trường và học thêm nhưng nó vẫn đi, với lý do học nhóm. Chị giặt đồ, phát hiện quần áo con sặc mùi thuốc lá nhưng nó bảo: “ Con không hút, do bạn ngồi gần hút nên khói thuốc ám vào”. Những ngày lên phố với chồng con, chị triền miên mất ngủ do những đêm lê thê thức canh cửa, chờ con về. Nghe chị bày tỏ nỗi lo về con, anh trấn an: “Nó vẫn đi học đều, không sao đâu”. Tiếng là đưa con lên phố để tiện kèm cặp nhưng chị thấy anh chú tâm vào làm ăn hơn là để ý tới con.
Khi thầy giám thị trường trung học bên cạnh liên tục tới quán anh lôi những học sinh trốn học chơi game lên hội đồng kỷ luật nhà trường thì khách vào quán thưa dần. Anh bảo, chắc bọn trẻ bị hôi ổ nên chuyển địa bàn hoạt động. Một lần nữa, anh đổi nghề; lần này là mở quán karaoke. Anh nhận định, khu này quán nhậu san sát nhưng chưa có chỗ vui vẻ thư giãn, khác nào buộc cuộc vui của thượng đế dở dang, không tới bến. Thế là anh tất bật chuẩn bị cho ra đời cái dịch vụ mà theo anh chắc chắn trúng quả.
Không chỉ là nỗi lo, ngay sau khi quán karaoke mở cửa, chị đã cảm thấy bất an. Hát hò gì mà cứ kèm theo con gái ăn mặc hở hang rồi nam nữ xoắn lấy nhau như bện dây thừng. Chị hốt hoảng mỗi khi ca sĩ vào quán say, quậy tưng bừng hoặc các bà kéo tới đánh ghen ầm ĩ. Không buông lời xa xôi như những lần trước, lần này chị thẳng thắn với anh: “ Cứ thế này, chính quyền để yên cho không?” “Dịch vụ này nhà nước cho phép”. Chị vặt lại: “Người ta cho phép sự chính đáng chứ đâu cho phép sự trá hình”. Anh giật thột, đứng sững nhìn vợ. Thoáng ngạc nhiên qua nhanh, anh phơi bày sự từng trải: “Mở quán karaoke mà không nuôi em út, có ma nó đến!?” “Thôi, cái đó tuỳ anh- chị bất lực trong chua chát- Nhưng em lo những gì diễn ra ở đây sẽ làm vấy bẩn con trai”. Anh cắt ngang: “Cứ lo bò trắng răng!”
Chị không lo sao được khi gần đây con trai đi suốt ngày, đến bữa ăn nó cũng chẳng về. Nhìn con hốc hác, chị gặng hỏi; nó chối quanh. Thằng bé bỗng kín tiếng khép lòng với bố mẹ, trừ những lúc xin tiền. Cứ ra khỏi nhà là nó tắt điện thoại, mặc mẹ ngóng trông. Những lúc không đi đâu, nó vào phòng riêng chốt cửa lại, tự biến thành kẻ xa lạ ngay trong nhà mình. Thế rồi, chị điếng người khi nhận thông báo của trường cho biết mấy ngày liền nó không đến lớp. Không đi học thì đi đâu? Chị đứng ngồi không yên với những phỏng đoán chẳng lành. Không thoả mãn với trả lời của con, chị lẳng lặng dõi theo khi nó ra khỏi nhà. Xe phân khối lớn của thằng bé vừa rồ ga đã biến mất khiến chị ngơ ngác, thua ngay từ lần đầu. Hành trình mờ ám của nó chỉ chịu dừng ở đồn công an.
Ngạc nhiên rồi bàng hoàng. Đó là tâm trạng anh chị khi được mời lên công an phường. Anh thậm chí còn lớn tiếng: “Các anh nhầm rồi!” Sự thật nhanh chóng được phơi bày-con trai anh sử dụng ma tuý! Tin ấy khiến anh há hốc rồi gục xuống. Khuôn mặt thất thần của anh dúm dó, hằn lên nỗi đau hiển hiện. Anh như kẻ trúng độc, khi vật vã kêu la, lúc ỉu xìu như tàu lá héo. Giọng rên rỉ của anh nhoè trong nước mắt: “Chỉ tại tôi, tại tôi!” Suốt mấy ngày liền anh chẳng làm gì, chỉ ngồi bất động, thở dài.
Sau khi bảo lãnh cho con về đi học, anh đóng luôn cửa quán karaoke, dồn thời gian chăm sóc con; nói trắng ra là đưa đón nó đi học để tiện quản lý. Suốt cả tháng liền, không thấy anh đả động chuyện làm ăn, chị nhắc “phải kiếm việc làm chứ”. Anh thận trọng: “ Từ từ để anh tính-nghĩ một lát rồi anh bảo- Khu này đang xây nhiều trường đại học, anh định làm nhà cho sinh viên thuê. Việc này thu nhập thấp nhưng nó lành, em ạ”.
Chữ “lành” của anh cho chị yên lòng.
Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc