Multimedia Đọc Báo in

Cha và con

06:09, 13/01/2013

Ông đạp xích lô từ thuở tóc xanh đến khi đầu bạc. Nghe ai hỏi nghề nghiệp, ông cười khà khà: “Chạy xe dân biểu”. Nếu người đối thoại vẫn chưa hiểu, ông “mở ngoặc” nói thêm: “Tôi chạy xích lô, dân biểu đi đâu đi đó”. Ông nói về nghề làm ăn vất vả của mình bằng giọng hóm hỉnh, vui vui như thế. Ông vui là phải. Bởi với chiếc xích lô và gánh bánh bèo, vợ chồng ông nuôi ba con học đại học; giờ cả ba đều nghề nghiệp ổn định, gia thất đàng hoàng.

Sau khi cô út có chồng không lâu thì vợ ông qua đời; cậu con trai mời ba về ở cùng, hai con gái ông cũng khuyên nên như thế. Lưỡng lự quyến luyến nhưng cuối cùng ông cũng đóng cửa ngôi nhà trong hẻm của mình, ra phố lớn ở cùng dâu con, cháu nội. Cùng những tư trang thiết yếu, ông đánh theo chiếc xích lô về nhà con trai. Nó được để gọn vào một góc sân. Ngày ngày ông đứng lặng nhìn chiếc xe với ánh mắt thân thương. Ông vẫn muốn cùng xe dọc ngang trên những nẻo đường quen thuộc nhưng con trai không cho, với lý do “con làm sếp mà để ba đạp xích lô, thiên hạ đàm tiếu”. Cả chiếc xe để ở góc sân hình như cũng khiến anh khó chịu. Có lần anh chỉ chiếc xe và nói: “ Ba nên bán phế liệu đi”. Thấy ba im lặng, anh nói thêm: “Để đó, ai đến, thấy chướng lắm”. Ông nhìn con  bằng ánh mắt ngạc nhiên, không vui. Đến cả ông, anh cũng muốn thay đổi cách ăn mặc sao cho đẹp, trong khi ông chẳng coi trọng quần áo.

Ngoài những khi tiệc tùng lễ lạc, ông thường mặc giản dị. Ông bảo, như thế vừa cảm giác dễ chịu vừa thuận tiện mỗi khi làm việc gì đó. Nhưng con ông không muốn thế; từ ngày ba về ở cùng, anh may cho ông toàn quần áo mới. Thế là ngày ngày ông đóng bộ thật đẹp ngồi như tượng nơi phòng khách, chẳng vui. Trái lại, con ông thấy thế làm mừng: “ Ba mặc vậy có phải đẹp không; áo quần cứ lùi xùi, có ai đến, họ cười cho”. Nhưng mặc thế gò bó, ông không quen nên vẫn quay về lối ăn mặc tùy thích của mình. Khi nhà có khách, nhất là thuộc cấp của con, ông liền nhanh chân bước vội vào phòng riêng, đóng cửa lại. Hôm nào đó, khách đến đột ngột, ông không kịp tránh đi; khi khách vừa về, liền bị con trai quở bằng giọng dè bỉu: “ Ngó ba mặc kìa!”.

Ông lẳng lặng thu xếp tư trang bỏ lên chiếc xích lô, định đạp về ngôi nhà trong hẻm của mình. Anh con trai hốt hoảng, ngăn lại; ông nhìn thẳng mặt, quát lớn: “ Tránh ra! Con sợ sự hiện diện của ba và cả chiếc xe cũ kỹ này làm lộ nguồn gốc nghèo khổ của mình. Bởi điều đó làm con xấu hổ, đúng không?” Những tiếng sau cùng của ông bỗng nghẹn lại, mắt rơm rớm. Anh con trai đứng sững, há hốc hồi lâu rồi cúi đầu lặng lẽ.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hoa hậu nhà không số
10:47, 28/12/2012
Lối về rộng mở
10:26, 15/12/2012
Người bạn
17:52, 16/11/2012
Từ quê lên phố
14:07, 10/11/2012
Đường làng
15:07, 19/10/2012
Hóa trang
14:08, 13/10/2012
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.