Multimedia Đọc Báo in

Đến với bài thơ hay

Đêm xoang trao lời thương nhớ

08:33, 28/03/2017

         Đêm xoang

Trống thức

Chiêng ngân

Đêm của núi

Đêm của rừng

Cái bụng ấm

Đuổi cái lạnh

 

Miệng cười

Mắt cười

Cái tay biết nói

Tìm nhau đêm hội

 

Em

Chân măng, ngực núi

Gửi lời cây, lời suối

Lời trong rượu, trong chiêng

Quấn quýt vòng xoang

Hông sát hông

Vai chạm vai

Tay trao nhau lời thương nhớ.

                                                 Hữu Chỉnh

Nhà thơ Hữu Chỉnh là một trong những người đầu tiên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, gắn bó tha thiết với mảnh đất cao nguyên nắng gió hào phóng và chung tình này. Nhiều bài thơ của ông đã phản ánh được cuộc sống của nhân dân các dân tộc thông qua sinh hoạt đời thường và những mùa lễ hội. “Đêm xoang” là thi phẩm giàu sắc thái bản địa, khắc họa chân thành cảm xúc của thi nhân trước vẻ đẹp văn hóa đầy chất thơ mà con người Tây Nguyên hun đúc và gầy dựng bao đời.

Khổ thơ đầu vang vọng tiếng trống thức, chiêng ngân của đêm xoang vào mùa lễ hội. Nhà thơ Hữu Chỉnh đã rất tinh tế khi bắt được chất giọng bài thơ hòa cùng nhịp điệu của đêm hội xoang nồng nàn, say đắm. Một đêm của đất trời, vũ trụ muôn loài, rất riêng của núi rừng hoang dã. Tác giả đồng điệu, tan hòa cùng nỗi háo hức của người dân buôn làng trong đêm hội:

 

Trống thức

Chiêng ngân

Đêm của núi

Đêm của rừng

Cái bụng ấm

Đuổi cái lạnh

 

"Cái bụng ấm/ Đuổi cái lạnh" là những câu thơ thật hay, giàu sức gợi cảm. Cái lạnh của rừng núi lúc đêm về không làm giảm đi sự ấm nồng, tha thiết của đêm xoang mùa hội, ngược lại, tình người ấm áp, chan hòa bên nhau đã "đuổi" được cái lạnh. Ngôn ngữ ở đây thật gần gũi như lời ăn tiếng nói hằng ngày của đồng bào. Nhịp điệu của khổ thơ đầu cũng như của toàn bài rắn chắc, khỏe khoắn như những nhịp xoang tưng bừng, rộn rã. Mỗi dòng thơ hai chữ, ba chữ phù hợp với điệu nhún nhảy đầy ấn tượng của mọi người khi nắm tay thành những vòng xoang bất tận. Hình ảnh sống động, đậm màu sắc văn hóa làng buôn qua hình ảnh con người, nhất là nét cười của miệng, cái nhìn của mắt mới thân thương và trìu mến làm sao! Tác giả chắc hẳn phải trải qua nhiều đêm hội xoang vui vầy với đồng bào, chìm đắm hồn mình trong hơi men rượu cần chơi vơi, nồng ấm mới có thể viết và thâu tóm được thần thái tài tình đến thế:

 

Miệng cười

Mắt cười

Cái tay biết nói

Tìm nhau đêm hội

 

Trong hai khổ thơ này, tác giả tập trung vào vẻ đẹp chung của những vòng xoang bất tận mà tâm điểm không chỉ là tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã; đó còn là ánh mắt, cái miệng của biết bao nhiêu con người thật thân thiện, mến khách. Sự mời gọi đầy ân tình ấy khiến cho đêm xoang nồng ấm, tươi vui hẳn lên. Tất cả như nhún nhảy, tan hòa, xoắn xuýt đến mê say. Cận cảnh của đêm xoang được tác giả tập trung gây ấn tượng nhất qua hình ảnh và vẻ đẹp của người con gái buôn làng đầy khơi gợi và mê đắm:

 

Em

Chân măng, ngực núi

Gửi lời cây, lời suối

Lời trong rượu, trong chiêng

 

Nghệ thuật ẩn dụ được nhà thơ Hữu Chỉnh sử dụng ở đây thật tài tình. "Chân măng, ngực núi" phác họa vẻ đẹp người con gái làng buôn hiện ra vừa thanh tao, mềm mại như là nét vẽ, vừa tràn đầy sức sống, như mời gọi luyến thương. Nhờ thế đêm xoang thành đêm của lễ hội tình yêu nồng nàn hương sắc. Kết thúc bài thơ là những cái "sát", cái "chạm", cái "trao" tình  xao xuyến và nên thơ:

 

Quấn quýt vòng xoang

Hông sát hông

Vai chạm vai

Tay trao nhau lời thương nhớ.

 

“Đêm xoang” là một bài thơ hay viết về khung cảnh lễ hội nơi vùng đất cao nguyên huyền thoại. Bằng lời thơ ngắn gọn, dung dị; nhịp thơ chắc khỏe, mang hơi thở của điệu nhạc núi rừng; hình ảnh thơ đậm đà sắc thái văn hóa bản địa; nhà thơ Hữu Chỉnh đã thể hiện sống động, nên thơ, mê đắm một nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, qua đó thể hiện tình cảm mến yêu, trân trọng của mình đối với cảnh vật và con người nơi đây - một vùng đất đã nuôi dưỡng hồn thơ Hữu Chỉnh, khơi gợi cho ông có được những thi phẩm ấn tượng và đằm sâu trong lòng bạn đọc.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hẹn cùng Ban Mê
08:30, 28/03/2017
Bây giờ tháng Ba
08:28, 28/03/2017
Nhớ
14:12, 24/03/2017
Nỗi nhớ đêm mưa
06:51, 19/03/2017
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.