Mùa hè hây hẩy gió nồm đông...
Mới tháng hai, chưa sang hè, nhưng gió Nồm Đông chiều chiều đà ngọt lịm. Ừ, thì năm vừa rồi là năm nhuận, chả trách gió Nồm Đông đến sớm.
Dễ thương như lời tự tình của… gió, mỗi ngày, Nồm Đông khởi động bằng những bước chân ngọt ngào, dịu nhẹ vào quãng hơi hơi quá ngọ, tức lúc cái nắng Xuân cuối mùa thập thò lửa Hạ bắt đầu đem theo triệu chứng bức bối, hanh hao. Thổi từ biển vào, mang đẫm hơi nước mát đại dương, Nồm Đông nhanh chóng xua tan oi nồng mà không cần phải quá mạnh tay để làm huyên náo nhân gian, làm đau cây cỏ! Còn phải hỏi, trời sinh ra gió Nồm Đông vốn thế; không hun hút mệt nhoài, mang theo cái lạnh tím tái thịt da như tên gió Bấc, không gầm gào quăng quật, mưu toan lộn trái cả cõi phù sinh như gã Nam Cồ. Gió Nồm Đông khí chất hiền lành, luôn thân thiện, hòa bình với người, với cảnh mỗi buổi tương giao. Những bữa cơm trưa đầu hè dường ngon hơn nhờ chút gió Nồm Đông hây hẩy. Còn… ngủ ư? Khỏi nói; giấc ngủ mà được mơn man bởi ngọn gió Nồm hiu hiu thì cứ gọi là… mơ toàn mộng đẹp, nằm không muốn dậy, trừ phi có chuyện gì khẩn cấp, nghiêm trọng ngang ngang chuyện… cháy nhà!
Gọi “Nồm Đông” là ăn theo cách gọi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày. Kỳ thực, gió Nồm Đông đích thị là gió Nồm, tức gió mùa Đông Nam thổi từ biển Đông vào lục địa. Ca dao vùng Bình – Phú (Bình Định, Phú Yên) có câu: Cho dù ăn chín mười heo/ Hổng bằng ngọn gió trong đèo thổi ra… chính là để chỉ ngọn gió Nồm! Đèo đây là đèo Cả và đèo Cù Mông, hai con đèo sừng sững trên lộ trình xuyên Việt, chắn ngang và bắt gió Nồm (tức gió Đông Nam) đổi hướng trở thành gió… Nam, thổi thẳng ra phía Bắc! Gọi... gió trong đèo thổi ra là do vậy. Tuy nhiên, đó không phải chuyện chính. Cái chính là hai câu ca dao trên đã diễn tả được cái ngon của ngọn gió Nồm hết sức trọn vẹn, đủ đầy và ấn tượng qua hình ảnh... ăn chín mười heo! Ừ, ngon cỡ ấy thì khỏi cãi, khỏi bàn; ai không tin, cứ thử đi rồi khắc biết! Mà không riêng ca dao xứ Nẫu, từ nơi đất Bắc, Bà Chúa Thơ Nôm cũng đã cảm nhận được cái ngon của ngọn gió Nồm rất chi là “máu thịt” khi mô tả cô thiếu nữ ngủ ngày với Lược trúc chải cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long…. Rõ rồi; ngọn gió Nồm Đông hây hẩy giữa mùa hè kia phải mát, phải ngọt đến cỡ nào thì mới khiến nàng ngủ say sưa đến mức xõa xượi, hớ hênh, “mất cảnh giác” đến thế kia. Thực tình, tôi không muốn đi sâu khai thác cái khía cạnh… ỡm ờ của bài thơ; tôi chỉ đoán chắc một điều - rằng: Nữ sĩ Xuân Hương hẳn đã phải nếm đủ, nếm đầy, nếm đến mức hóa thân vào cái hương vị gió Nồm Đông giữa mùa hè thì mới có đủ cảm xúc để thăng hoa thành bài thơ Nôm dễ thương nhường ấy! Chuyện này, độc giả không thể chỉ thuần túy đọc thơ mà biết được. Cần phải ngửi thơ hoặc nếm thơ mới mong cảm nhận ra cái rười rượi, ngọt ngào của vị gió Nồm Đông thấm đẫm trong từng mạch câu, thớ chữ! Và, khi đã cảm nhận, thì không riêng cô thiếu nữ ngủ ngày mà luôn cả cái rười rượi, ngọt ngào kia cũng khiến Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong…
Ý kiến bạn đọc